Đời sống

Uống loại nước "vạn người mê" cô gái trẻ bàng hoàng khi phát hiện thứ này trong bụng

Mới đây một người phụ nữ 20 tuổi phải phẫu thuật để loại bỏ hơn 300 viên sỏi thận sau một thời gian dài uống trà sữa trân châu thay nước.

Cụ thể, người phụ nữ 20 tuổi ở Đài Loan (Trung Quốc) đã phải phẫu thuật để loại bỏ hơn 300 viên sỏi thận sau một thời gian dài uống trà sữa trân châu thay nước.

Báo Tiền Phong dẫn nguồn một bài đăng trên trang web của Trung tâm Y tế Chi Mei, người phụ nữ Xiao Yu  được đưa đến bệnh viện ở thành phố Đài Nam trong tình trạng sốt cao và đau dữ dội ở vùng lưng dưới.

Khi siêu âm, các bác sĩ tại khoa cấp cứu phát hiện thận phải của Xiao bị sưng tấy vì chứa dịch và có sỏi. Kết quả xét nghiệm máu của Xiao cho thấy số lượng bạch cầu tăng cao.

Theo kết quả chụp CT, trong thận của Xiao có những viên sỏi kích thước từ 5mm đến 2cm.

Các bác sĩ đã chỉ định cho Xiao uống kháng sinh, hút dịch từ thận và thực hiện phẫu thuật để loại bỏ hơn 300 viên sỏi.

Tình trạng của bệnh nhân đã ổn định sau ca phẫu thuật và được xuất viện sau vài ngày theo dõi.

Hình ảnh 300 viên sỏi được lấy ra từ thận của Xiao Yu. Ảnh: Trung tâm Y tế Chi Mei.

Bác sĩ Lim Chye-yang, người thực hiện ca phẫu thuật cho biết, 9,6% người dân Đài Loan (Trung Quốc) có thể bị sỏi thận một lần trong đời và nam giới có nguy cơ mắc sỏi thận cao gấp ba lần so với nữ giới.

Ông cho biết thêm bệnh nhân bị sỏi thận thường ở độ tuổi từ 50 đến 60. Các ca sỏi thận phổ biến hơn vào mùa xuân và mùa hè do thời tiết nóng bức, đồng nghĩa với việc mọi người có thể bị mất nước nhiều hơn. Khi nước tiểu cô đặc hơn, các khoáng chất sẽ kết tinh tạo thành sỏi.

Đáng chú ý, nguyên nhân gây bệnh của Xiao Yu là không thích uống nước, thay vào đó thường uống trà sữa trân châu.

Các nguyên nhân khác gây sỏi thận bao gồm yếu tố di truyền, bệnh mãn tính cũng như chế độ ăn giàu canxi và protein.

Nguyên nhân bị sỏi thận

- Uống không đủ nước dẫn đến tình trạng nước tiểu bị cô đặc, nồng độ các tinh thể bị bão hòa trong nước tiểu.

- Dị dạng bẩm sinh hoặc nước tiểu không thể thoát ra bị tích trữ lại lâu dần tạo thành sỏi.

- Người bệnh bị phì đại tiền liệt tuyến, u xơ, túi thừa trong bàng quang làm cho nước tiểu bị đọng lại ở khe kẽ.

- Nằm một chỗ trong thời gian dài.

- Nhiễm trùng vùng sinh dục không được điều trị dứt điểm.

- Chế độ ăn uống thiếu khoa học, sử dụng nhiều oxalat, canxi, dùng lâu dài một số loại thuốc như acetazolamid, thuốc lợi tiểu quai, thiazide, glucocorticoids, theophylin, vitamin D, vitamin C… cũng có thể gây sỏi thận.

Theo Sức khỏe & Đời sống để phòng sỏi thận chúng ta nên uống nhiều nước trong ngày và vào ban đêm trước khi đi ngủ để cơ thể vẫn giữ đủ nước trong cả 24 giờ. Uống nước là cách đơn giản nhất để bù lại lượng nước bị hao hụt khỏi cơ thể (thông qua nước tiểu, mồ hôi).

Cơ thể đủ nước cũng sẽ giúp thận và gan lọc những chất độc tốt hơn, giảm thiểu tình trạng tích tụ chất độc trong gan, thận dẫn đến sỏi.

Trúc Chi (t/h)