Xu hướng thị trường

Ứng phó với tình trạng 'khát' nhân công hái cà phê

Để giải quyết tình trạng thiếu công nhân mùa thu hoạch cà phê bấy lâu nay, nhiều tỉnh Tây Nguyên đã có những giải pháp tạo hiệu ứng tốt.

Mỏi mòn tìm nhân công

Toàn tỉnh Gia Lai có hơn 98 nghìn ha cà phê đang vào mùa thu hoạch. Như mọi năm, thời điểm này đã có hàng nghìn lượt người đến tỉnh này để thu hái cà phê. Song năm nay vì dịch Covid-19 nên nguồn nhân công ngoại tỉnh gặp khó khăn khi vào địa phương, kéo theo việc khan hiếm nhân công.

Là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nhì tỉnh với hơn 17 nghìn ha cà phê, hầu hết các hộ dân ở huyện Ia Grai đang phải chật vật với bài toán tìm người thu hái cà phê thuê.

Với những hộ gia đình có diện tích cà phê từ 5 ha trở lên thì vấn đề thuê lao động thu hoạch trong thời điểm này rất khó.

Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có hơn 25 nghìn ha cà phê đang vào vụ, trong đó “thủ phủ” cà phê là huyện Đăk Hà có diện tích cao nhất với trên 12.000 ha. Với diện tích lớn như vậy đồng nghĩa với việc địa phương này cần hơn 10 nghìn lao động phục phụ cho việc thu hái cà phê niên vụ này.

Mọi năm, phần lớn nhân công hái cà phê đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk. Tuy nhiên hiện do ảnh hưởng dịch, số nhân công này những ngày gần đây cũng vắng bóng.

Nhiều hộ dân đăng tải bài viết lên các hội nhóm trên mạng xã hội với hy vọng tìm được nhân công hái cà phê thuê.

Đắk Lắk có trên 209.000 ha cà phê, được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Một ha cà phê cần khoảng 50 ngày công nên vào vụ thu hoạch, tỉnh này cần lượng lớn nhân công.

Nhiều tỉnh Tây Nguyên thiếu nhân công hái cà phê. Ảnh minh họa từ internet 

Kết nối nhân công tại chỗ

Để có nhân công thu hoạch cà phê, Hội Nông dân xã Ea Sin (huyện Krông Búk, Đắk Lắk) đã chủ động tìm kiếm, kết nối lao động tại chỗ với các chủ vườn. Anh Trần Văn Ruân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sin cho biết, cách đây 5 năm, hội đã lập tổ kết nối nhân công. Thông qua Chi hội Nông dân thôn buôn, hội đã kết nối được nguồn lao động nhàn rỗi, hình thành các nhóm hái cà phê. Khi chủ vườn cần, hội sẽ cho địa chỉ để 2 bên thỏa thuận giá cả, giảm bớt việc thiếu nhân công và giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân trên địa bàn.

Theo ông Ruân, năm nay, nhân công hái cà phê khan hiếm hơn do tác động của dịch Covid-19 khiến lao động ngoại tỉnh và các vùng lân cận ít đến. Dự liệu trước tình hình, Hội Nông dân xã đã triển khai kết nối nhân công ngay từ đầu vụ. Đến thời điểm này, hội đã kết nối được 5-6 đội (mỗi đội từ 10-15 người) hái cà phê tại 4 buôn đồng bào Êđê gồm: Cư M’tao, Cư Kanh, Ea Bông, Ea Sin. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh cũng vào cuộc giới thiệu lao động. Hiện có 30% chủ vườn thông qua các hội, đoàn thể để thuê nhân công.

Chị Cao Thị Thúy Nga có hơn 1 ha cho hay, năm nay thuê nhân công rất khó. Qua người quen, chị gọi được một nhóm nhân công ở Phú Yên và thông qua Hội Nông dân xã Ea Sin thuê 8 nhân công tại chỗ. Nhờ vậy, vườn cà phê được thu hoạch đúng thời điểm, nếu để chín quá, gặp trời mưa sẽ bị nứt toác, rụng hết.

Toàn xã Ea Sin có trên 3.400 ha cà phê đang cho thu hoạch. Hơn 70% chủ vườn thu hoạch cà phê chọn lọc (hái quả chín) nên giảm bớt tình trạng thiếu nhân công tại cùng thời điểm và giữ được chất lượng cà phê.

Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh đã ban hành văn bản, yêu cầu các sở ngành, địa phương xây dựng kế hoạch giúp người dân thu hái cà phê.

Chia sẻ với báo giới, bà Nguyễn Thị Tình, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cho biết đã đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm các huyện, thành phố rà soát, hướng dẫn những người chưa có việc làm thành lập tổ, nhóm phục vụ công tác thu hoạch cà phê tại các địa phương.

Các địa phương cũng chủ động rà soát lực lượng lao động trên địa bàn có nhu cầu thu hái cà phê để giới thiệu cho người dân thỏa thuận, thuê mướn hợp lý, tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao. 

Đào Vũ (Theo báo Tiền Phong, VTC)