Tiêu điểm

Ứng phó với các F0 không rõ nguồn lây, làm sao kiểm soát dịch Covid-19?

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này, ở nhiều địa phương trên cả nước, có những ca Covid-19 không xác định chính xác được nguồn lây F0.

Phức tạp quá trình xác định nguồn lây

Ngày 17/5, báo cáo tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, đại diện huyện Thường Tín cho biết trường hợp dương tính SARS-CoV-2 (F0) mới phát hiện tại xã Hiền Giang khá phức tạp do chưa rõ ràng nguồn lây, bệnh nhân cùng gia đình có quán bia nên phức tạp trong xác định người tiếp xúc.

"Sáng nay, phát hiện thêm một ca dương tính là N.T.M (SN 2004) ở thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang và xác định nguồn lây của ca dương tính này cũng rất phức tạp, có nhiều yếu tố chưa rõ ràng. Đồng thời, người này cùng với gia đình bán quán bia nên nguy cơ lây nhiễm với rất nhiều, phức tạp", báo Tiền Phong trích lời lãnh đạo huyện Thường Tín tại phiên họp.

Trước đó, bệnh nhân 2899 được Bộ Y tế ghi nhận chiều 29/4 cũng chưa xác định được nguồn lây thời điểm đó. Người đàn ông 28 tuổi, quê ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam này từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 7/4, hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung tại Đà Nẵng với ba lần xét nghiệm PCR âm tính. Ngày 21/4, anh rời khu cách ly tập trung, đi xe khách từ Đà Nẵng về nhà ở thôn Quan Nhân. Sáng 24/4, anh bắt đầu ho, sốt, mẹ anh đến trạm y tế xã khai báo y tế, kết quả xét nghiệm ngày 29/4 dương tính.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 mới này, Đà Nẵng cũng có nhiều ca Covid-19 không xác định chính xác được nguồn lây F0.

Ngày 3/5, Đà Nẵng phát hiện ca mắc cộng đồng đầu tiên trong đợt dịch này, đó là nam bệnh nhân 2982 (28 tuổi, nhân viên khách sạn Phú An, Đà Nẵng). Bệnh nhân 2982 được phát hiện dương tính với Covid-19 khi đến khám bệnh, xét nghiệm tại Bệnh viện Hoàn Mỹ. Thời điểm đó, vẫn chưa xuất hiện chùm ca mắc tại bar New Phương Đông. Chưa kể, bệnh nhân có lịch sử di chuyển khá dày đặc và liên tục từ Hội An ra Đà Nẵng, đến nhiều địa điểm... nên truy vết phức tạp, xử lý các F cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khai báo dịch tễ của BN 2982, có liên quan đến bar New Phương Đông (đến bar này trong các ngày 28 và 29.4), báo Thanh Niên cho biết.

BN 3545 (nữ, 25 tuổi, là nhân viên Công ty Trường Minh, KCN An Đồn, Đà Nẵng) đến nay cũng không rõ nguồn lây. Ngày 15/5, Đà Nẵng cũng phát hiện thêm 1 ca mắc cộng đồng không rõ nguồn lây nữa, đó là BN 3870 (nữ, 35 tuổi, đường Phó Đức Chính, Q.Sơn Trà). Ngoài ra, Đà Nẵng cũng mới xác nhận có thêm những ca bệnh không rõ nguồn lây khác như bệnh nhân 4132, bệnh nhân 4121. 

Đây chỉ là một số trong những trường hợp mắc Covid-19 mà không xác định chính xác được nguồn lây F0 tại một số địa phương cũng như Đà Nẵng thời gian qua.

Làm sao đẩy nhanh tầm soát dịch bệnh?    

 Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng đối với 55.888 đại diện hộ gia đình. 

Từ nhận định về ca bệnh không rõ nguồn lây ở Hà Nam (bệnh nhân 2899), PGS. TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam hôm 2/5 cho rằng các địa phương cần phải quyết liệt, nhanh chóng hơn nữa để truy vết hết các F0, F1, F2. “Khó mấy cũng phải làm, việc này rất quan trọng vì ta phải chạy đua với dịch. Nếu không thì từ 1 ca rất có thể có nhiều ca mắc”, báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời PGS. TS. Trần Đắc Phu cho biết.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý việc xét nghiệm diện rộng thực hiện có chỉ định trên toàn địa bàn thôn, xã, nơi ở, nơi qua lại của ca F0. Và cùng với đó, các địa phương phải rà soát lại các khu cách ly và người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch Covid-19.

Đối với các F0 không rõ nguồn lây, Đà Nẵng cũng áp dụng phương pháp truy vết và xét nghiệm khẩn cấp. Hôm 15/5, nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên ca dương tính theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 có điểm đáng lưu ý là 2 ca trong cộng đồng chưa xác định nguồn lây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã đề nghị các địa phương triển khai ngay trong đêm các biện pháp truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F1, F2.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng cũng áp dụng phương pháp truy vết và xét nghiệm khẩn cấp trên diện rộng. Tại cuộc họp ngày 5/5, nhận định TP.Đà Nẵng có nguy cơ cao bùng phát Covid-19 trên diện rộng do chưa xác định được F0, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã yêu cầu khẩn trương rà soát, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm người làm việc tại quán bar, vũ trường, karaoke… Ông Quảng chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, Công an TP.Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi phối hợp xác định nguồn lây. Việc xét nghiệm cho tiểu thương các khu chợ, tài xế taxi, cán bộ nhân viên sân bay… cũng triển khai khẩn trương.

Hôm 16/5, Trung tâm y tế Q.Liên Chiểu đã phối hợp Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng tổ chức xét nghiệm cho gần 500 sinh viên.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng đã ban hành kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 cho đại diện hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Dự kiến từ ngày 18-21/5, Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng đối với 55.888 đại diện hộ gia đình. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 đại diện hộ gia đình, sở Y tế đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện và tiếp tục đề xuất việc lấy mẫu xét nghiệm của giai đoạn tiếp. Đây là giải pháp mà Đà Nẵng đang đẩy nhanh nhằm tầm soát dịch bệnh trước tình trạng có một số ca bệnh không rõ nguồn lây.

Cơ quan chức năng Đà Nẵng kỳ vọng việc xét nghiệm hộ gia đình này sẽ phát hiện sớm người mắc Covid-19 trong cộng đồng, đặc biệt những trường hợp mắc bệnh không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Qua đó, nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn thành phố.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đào Vũ (T/h)