Thế giới

Ứng cử viên Tổng thống Pháp cảnh báo về viện trợ vũ khí cho Ukraine

Bà Marine Le Pen cũng cho rằng nước Pháp nên bước đi trên một con đường độc lập hơn với liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn dắt.

Bà Marine Le Pen, ứng cử viên Tổng thống Pháp từ Đảng cực hữu “Tập hợp Quốc gia” (National Rally), đã lên tiếng cảnh báo không nên gửi thêm vũ khí tới Ukraine, đồng thời kêu gọi nối lại quan hệ hữu nghị giữa NATO và Nga sau khi chiến dịch của Moscow ở Ukraine kết thúc, AP đưa tin.

Hãng tin AP cho biết, Bà Le Pen, một người theo chủ nghĩa dân tộc thẳng thắn có quan hệ lâu dài với Nga, cũng xác nhận rằng nếu bà đánh bại đương kim Tổng thống Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử ngày 24/4 tới đây, bà sẽ kéo nước Pháp ra khỏi sự chỉ huy quân sự của NATO và giảm cường độ ủng hộ của Pháp đối với toàn Liên minh châu Âu.

Tổng thống Macron, một chính trị gia theo đường lối trung dung ủng hộ EU, đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn hơn mong đợi để duy trì quyền lực, một phần vì tác động kinh tế của cuộc xung đột Nga - Ukraine đang ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình nghèo.

Các đối tác châu Âu của Pháp đang lo lắng rằng nếu bà Le Pen thành công trong cuộc chạy đua vào Điện Elysee, điều đó có thể làm suy yếu sự thống nhất của phương Tây khi Mỹ và châu Âu tìm cách hỗ trợ Ukraine và chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc giữa Nga và nước láng giềng, AP bình luận.

“(Nhưng) Tôi dè dặt hơn về việc giao vũ khí trực tiếp. Tại sao? Bởi vì... ranh giới giữa viện trợ và trở thành một bên tham chiến rất mỏng manh”, nhà lãnh đạo cực hữu cho biết, đồng thời nêu quan ngại về sự leo thang của cuộc xung đột này – điều có thể khiến nhiều quốc gia dính líu vào cuộc xung đột về mặt quân sự.

Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen (trái) và Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron. Ảnh: Daily Express

Trước đó, hôm 13/4, phát ngôn viên Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, là một phần của dòng chảy viện trợ vũ khí của phương Tây, Pháp đã gửi 100 triệu Euro vũ khí cho Ukraine.

Trước đó, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Macron đã cố gắng kết nối với Tổng thống Nga Vladimir Putin để cải thiện mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Ông Macron cũng đã gặp ông Putin vài tuần trước khi xung đột vũ trang Nga – Ukraine bùng phát. Tất nhiên, những nỗ lực của ông Macron không thành công. Tuy nhiên, kể từ đó, Pháp đã ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow và đã đề nghị hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.

Bà Le Pen cũng cho rằng nước Pháp nên bước đi trên một con đường độc lập hơn với liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn dắt.

Theo bà, NATO nên tìm kiếm một "mối quan hệ hợp tác chiến lược" với Nga khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc. Bà Le Pen cho rằng, một mối quan hệ như vậy sẽ vì lợi ích của nước Pháp, châu Âu và thậm chí cả Mỹ, để ngăn Nga thiết lập một liên minh mạnh mẽ hơn với các cường quốc khác.

Minh Đức (Theo Stuff.co.nz)