Sự kiện

Ùn tắc tại Lạng Sơn: "Tình hình hiện nay đang hết sức khó khăn"

Kêu gọi các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến hoặc có công nghệ bảo quản tham gia vào quá trình tiêu thụ, giúp giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Sáng 31/12, phiên làm việc thứ 18 của Diễn đàn kết nối nông sản 970 đã được Bộ NN-PTNT phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc tổ chức.

Chủ đề của diễn đàn hôm nay là "Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa". Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã tham dự và chỉ đạo.

Dừng thông quan cửa khẩu Hữu Nghị

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Hòa cho biết, mới đây, phía Trung Quốc đã chính thức dừng thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Về tình hình ùn tắc hiện nay tại các cửa khẩu biên giới, lãnh đạo Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản chỉ ra nguyên nhân lớn nhất là do sự mất cân đối chính sách giữa 2 nước. Trong khi Việt Nam chủ trương sống chung với đại dịch thì Trung Quốc kiên trì theo đuổi chính sách “Zero Covid” dẫn đến việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào nước này rất chặt chẽ, đặc biệt là với các mặt hàng nông sản đông lạnh như thủy sản, rau quả…sẽ được lấy mẫu kiểm dịch trên tất cả bao bì, phương tiện vận chuyển cũng như sản phẩm.

“Chính những biện pháp kiểm soát này đã khiến tốc độ xuất khẩu rất chậm chạp. Năng suất thông quan bình thường qua các cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh khoảng 400 xe thì nay chỉ còn từ 30 đến 50 xe một ngày. Tình hình hiện nay đang hết sức khó khăn”, ông Hòa nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa (ảnh chụp màn hình)

Mặc dù Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Sở Công thương các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ, đưa ra khuyến nghị với những tỉnh, thành phố và địa bàn xuất khẩu trọng điểm nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đưa hàng lên khiến tình trạng tắc nghẽn, ùn ứ chậm cải thiện.

“Hiện nay đã có các xe quay đầu, đưa hàng hóa tiêu thụ trở lại trong nội địa. Bộ NN-PTNT kêu gọi tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến hoặc có công nghệ bảo quản tham gia vào quá trình tiêu thụ, giúp giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp”.

Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của nông sản Việt Nam

Lãnh đạo Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết thêm, mặc dù tình hình thông thương với Trung Quốc gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu nông sản Việt Nam trong tháng 11 vẫn ước đạt 1,7 tỉ USD.  Các cửa khẩu lớn tại Lạng Sơn vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu gần 480 triệu USD (tăng 32%), Móng Cái 380 triệu USD (62%) so với tháng 10. Riêng tháng 11, xuất khẩu toàn ngành vẫn tăng 18% so với tháng 10.

“Theo những nguồn tin chưa chính thức, phía Trung Quốc đang có những định hướng để thay đổi chính sách trong vấn đề nhập khẩu”.

Ông Hòa cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Lệnh 248 và 249 với chủ trương siết chặt quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần hết sức chú trọng đến khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Nhiều xe container chở hàng nông sản đã bắt đầu quay trở lại tiêu thụ trong nội địa.

Một vấn đề nữa được nêu ra là, bất cập hình thức giao thương chính nghạch- biên mậu giữa doanh nghiệp hai nước. Trong khi phía Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng theo hình thức chính ngạch thì nhiều thương lái Trung Quốc vẫn muốn duy trì hình thức thương mại biên mậu. Điều này gây khó khăn rất lớn cho chính quyền hai nước trong việc quản lý và áp thuế. Thời gian sắp tới, phía Trung Quốc sẽ đưa ra những biện pháp mạnh nhằm chấm dứt tình trạng này.

“Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn bạn hàng. Đối tác có uy tín mới đảm bảo duy trì được thương mại chính ngạch”, lãnh đạo Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản đưa ra lời khuyên.