Thế giới

Ukraine vẫn quyết kháng chiến, gây tổn thất cho Nga

Nga cho rằng phương Tây đang đánh cược mọi thứ vào việc tiếp tục cuộc xung đột ở Ukraine thông qua việc "không muốn gây áp lực buộc Ukraine ngồi vào đàm phán".

Nga hôm 3/7 tuyên bố họ đã giành quyền kiểm soát thành phố công nghiệp Lysychansk, lãnh thổ cuối cùng còn lại của Ukraine ở tỉnh Luhansk, miền Đông đất nước.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây, Bộ Quốc phòng Ukraine đã bác bỏ tuyên bố của Nga, nói rằng Lysychansk không nằm dưới "sự kiểm soát hoàn toàn" của các lực lượng Nga và các đồng minh ly khai của họ. Ukraine thừa nhận phải rút lui khỏi các khu vực của thành phố trong bối cảnh các cuộc tấn công "rất dữ dội" của Nga.

Thống đốc Lugansk của phía Ukraine, Serhiy Haidai, cho biết thành phố đang chìm trong khói lửa.

"Đối với người Ukraine, giá trị của mạng sống con người là ưu tiên hàng đầu, vì vậy đôi khi chúng tôi có thể rút lui khỏi một số khu vực nhất định để có thể chiếm lại chúng trong tương lai", một phát ngôn viên của quân đội Ukraine cho biết.

“Sau khi giao tranh ác liệt giành Lysychansk, lực lượng phòng vệ Ukraine đã buộc phải rút khỏi các vị trí và phòng tuyến. Để đảm bảo an toàn tính mạng của các binh sĩ Ukraine tại đây, quyết định rút quân đã được đưa ra", các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong một bản cập nhật.

Thông tin trên được đưa ra vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo với Tổng thống Vladimir Putin rằng Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) - cách chính quyền ly khai thân Nga ở Luhansk tự xưng - đã được “giải phóng”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên Telegram.

Khói bốc mù mịt trong cuộc giao tranh ác liệt giữa các lực lượng Ukraine và Nga ở Lysychansk, tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine, ngày 2/7/2022. Ảnh: Bloomberg

Với bước tiến mới này, quân Nga đang tiến gần hơn đến mục tiêu kiểm soát khu vực Donbass, bao gồm Luhansk và Donetsk, miền Đông Ukraine.

Trong bài phát biểu trên truyền hình hàng đêm 2/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi người Ukraine duy trì quyết tâm kháng chiến và gây tổn thất cho kẻ địch.

“Có thể cảm thấy cảm giác tình hình đã dịu đi ở nhiều khu vực trên tiền tuyến, nhưng cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc”, ông Zelenskyy nói. “Thật không may, nó đang gia tăng ở những nơi khác nhau và chúng ta không được quên điều đó. Chúng ta phải giúp đỡ quân đội, những người tình nguyện, giúp đỡ những người bị bỏ lại một mình vào lúc này”.

Nga bắt đầu dồn lực đánh Donetsk

Nắm trong tay Lysychansk, quân Nga đang chuyển trọng tâm sang phía Tây Donetsk.

Theo các quan chức Ukraine, các lực lượng của Moscow hôm 3/7 đã pháo kích vào thị trấn Kramatorsk bằng các hệ thống pháo phản lực phóng loạt, và đây là ngày thứ hai liên tiếp khu vực này hứng pháo kích.

Thị trấn Slovyansk gần đó cũng chứng kiến các cuộc pháo kích dữ dội. Người đứng đầu chính quyền quân sự-dân sự của Slovyansk, Vadym Lyakh, cho biết trong một đoạn video: "Trận pháo kích lớn nhất vào Slovyansk trong thời gian gần đây. Có tới 15 vụ cháy, cũng như nhiều người chết và bị thương".

Kết quả của vụ pháo kích, ít nhất 6 người thiệt mạng và 15 người bị thương, một phát ngôn viên của chính quyền khu vực Donetsk cho biết.

Slovyansk là một trong những thành phố lớn nhất do Ukraine kiểm soát ở khu vực Donetsk, và là mục tiêu tấn công của Nga.

Ngoài ra, khu vực Kharkiv cũng đang chứng kiến một số trận giao tranh tồi tệ nhất trên tiền tuyến. Theo ông Oleg Synegubov, người đứng đầu khu vực Kharkiv, 4 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong trận pháo kích hôm 3/7 ở Izyum và Chuguiv, 2 huyện của vùng Kharkiv, miền Đông Bắc Ukraine.

Quang cảnh đổ nát ở Lysychansk, khu vực Lugansk, miền Đông Ukraine. Ảnh: DW

Vùng giáp giới Nga-Ukraine lại bất ổn

Trong khi đó, các quan chức Nga cho biết các vụ nổ hôm 3/7 tại một thành phố của Nga giáp biên giới với Ukraine đã khiến ít nhất 3 người thiệt mạng.

Hàng chục tòa nhà dân cư bị hư hại trong các vụ nổ ở Belgorod. Nhà lập pháp Nga Andrei Klishas đã kêu gọi phản ứng quân sự đối với các cuộc tấn công.

Ông Klishas đăng trên Telegram: “Cái chết của dân thường và sự phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự ở Belgorod, là một hành động gây hấn trực tiếp, đòi hỏi phải có biện pháp đáp trả nghiêm khắc nhất - bao gồm cả quân sự”.

Các quan chức Ukraine đã không bình luận ngay lập tức về tuyên bố của Nga về các vụ nổ ở Belgorod.

Điện Kremlin cáo buộc phương Tây ngăn Ukraine đàm phán hòa bình

Moscow hôm 3/7 đã cáo buộc các quốc gia phương Tây ngăn cản các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine và do đó khiến giao tranh kéo dài.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với kênh truyền hình nhà nước: “Giờ là thời điểm mà các nước phương Tây đang đánh cược mọi thứ vào việc tiếp tục cuộc xung đột (ở Ukraine)”.

Dưới sự lãnh đạo của Mỹ, phương Tây không cho phép người Ukraine "nghĩ về hòa bình, nói về nó, cũng như thảo luận về nó", ông Peskov nói, đề cập đến tuyên bố của các chính trị gia phương Tây rằng họ không muốn gây áp lực buộc Ukraine phải ngồi vào đàm phán.

Tuy nhiên, thời điểm cho các cuộc đàm phán sẽ đến, ông nói. Vì hòa bình, Ukraine phải chấp nhận các yêu cầu của Nga, bao gồm việc công nhận bán đảo Crimea trên Biển Đen là lãnh thổ của Nga và nhượng quyền lãnh thổ các khu vực Donetsk và Luhansk, ông Peskov nói.

Sau vài vòng đối thoại không hiệu quả, đàm phán Nga-Ukraine lâm vào bế tắc khi cuộc xung đột giữa 2 bên đã bước sang tháng thứ 5. Ảnh: TASS

Ukraine không nên bị thúc ép đàm phán

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng phản đối việc thúc giục Ukraine đàm phán chấm dứt cuộc chiến mà Nga bắt đầu.

"Ukraine phải giành lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của mình", ông Steinmeier nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ZDF của Đức hôm 3/7.

Theo ông Steinmeier, quyết định về cách kết thúc cuộc xung đột bây giờ dường như đang được tiến hành trên chiến trường. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy cuộc chiến nào cũng phải kết thúc trên bàn đàm phán.

Tổng thống Đức cho rằng Ukraine cần được giúp đỡ để giành được vị thế mạnh mẽ trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

"Chúng ta sẽ không thúc ép Ukraine. Ukraine vẫn là người quyết định khi nào thì sẽ đi theo con đường này (ngồi vào đàm phán", ông bổ sung.

Đức nói về đảm bảo an ninh cho Ukraine

Đức đang đàm phán với các đồng minh về những đảm bảo an ninh mà nước này có thể cung cấp cho Ukraine sau khi cuộc chiến với Nga kết thúc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết.

Nhưng sẽ có những giới hạn nhất định vì, không giống như các nước vùng Baltic, Ukraine không phải là thành viên của liên minh NATO, Thủ tướng Scholz cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình công cộng ARD của Đức hôm 3/7.

“Chúng tôi đang chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt ngoại giao cho ngày mà chúng tôi hy vọng sẽ sớm thấy, đó là khi cuộc xung đột này kết thúc”, ông Scholz nói khi đề cập đến vẫn đề cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Tàu Nga bị từ chối cập cảng Thổ Nhĩ Kỳ

Một con tàu mang cờ Nga chở ngũ cốc từ Berydansk (một cảng Biển Azov ở Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga) đã bị từ chối nhập cảnh vào Karasu ở Thổ Nhĩ Kỳ, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin. Tình trạng của con tàu hiện không rõ ràng.

Kiev yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ tàu chở hàng mang cờ Nga Zhibek Zholy chở ngũ cốc từ cảng Berdyansk nơi Nga đang kiểm soát. Ảnh: Alarabiya

Còn hãng tin Ria Novosti của Nga dẫn lời một quan chức hải quan Thổ Nhĩ Kỳ cho biết con tàu đã bị tạm giữ.

Văn phòng công tố trưởng Ukraine trước đó đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ tàu Zhibek Zholy và tịch thu hàng hóa trên tàu với cáo buộc rằng 7.000 tấn ngũ cốc của Ukraine đã bị Nga lấy trộm và chất lên con tàu này vào tuần trước.

Nhật Bản sẽ tiếp tục mua LNG của Nga

Nhật Bản sẽ tiếp tục nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga do thiếu các giải pháp thay thế khả thi, ông Takeshi Hashmoto, CEO của Mitsui OSK Lines, nói với Financial Times.

Ông Hashmoto cho biết, Nhật Bản mua khí đốt của Nga với giá rẻ theo các thỏa thuận dài hạn. Ông nói, triển vọng khởi động lại các nhà máy hạt nhân ở Nhật Bản hiện nay còn hạn chế.

Australia sẽ cấp thêm viện trợ cho Ukraine

Australia sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 100 triệu đô la Úc hỗ trợ quân sự, bao gồm máy bay không người lái (UAV) và thiết bị cho lực lượng biên phòng, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết trong chuyến công du tới thủ đô Ukraine hôm 3/7.

Australia cũng sẽ cung cấp 14 xe bọc thép chuyển quân và 20 xe bọc thép Bushmaster, Văn phòng Thủ tướng Australia cho biết trong một tuyên bố theo sau chuyến thăm Kiev của ông Albanese.

Australia sẽ tham gia cùng các đối tác bao gồm Canada, Nhật Bản, Anh và Mỹ trong lệnh cấm vận vàng Nga, một biện pháp nhằm làm giảm khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Nga, tuyên bố cho biết.

Kế hoạch của 4 nước thành viên G7 trên về cấm nhập khẩu vàng Nga đã được công bố trước Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Đức vào tuần trước. Australia không thuộc nhóm này, nhưng tham dự sự kiện với tư cách khách mời.

Trong chuyến công du Ukraine, Thủ tướng Australia Albanese đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sau khi thăm 3 thị trấn gần thủ đô Kiev, bao gồm cả Bucha, nơi quân Nga bị cáo buộc thực hiện các hành vi tàn bạo với dân thường. Nga đã bác bỏ cáo buộc trên.

Trong một diễn biến liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố khoản hỗ trợ an ninh bổ sung trị giá 820 triệu USD cho Ukraine.

Gói viện trợ mới nhất này sẽ bao gồm 150.000 viên đạn pháo cỡ 155mm bổ sung cho HIMARS, 2 hệ thống tên lửa đất-đối-không tối tân NASAMS và 4 radar phản pháo.

Binh sĩ Ukraine ở Lysychansk, tỉnh Lugansk, miền Đông đất nước hồi tháng 6/2022. Ngày 3/7/2022, Ukraine tuyên bố rút quân khỏi thành phố này. Ảnh: NYT

Minh Đức (Theo Bloomberg, Eurasia Review, DW)