Thế giới

Ukraine và Hội đồng Bảo an sẽ vẫn là vấn đề chính tại Đại hội đồng LHQ

Những vấn đề phức tạp “trong thời đại leo thang” hiện nay, bao gồm xung đột Nga-Ukraine và cải tổ Hội đồng Bảo an, sẽ được bàn luận tại sự kiện cấp cao của LHQ.

Đến hẹn lại lên, người dân New York lại đối mặt với tình trạng giao thông bất thường trong Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) – sự kiện toàn cầu thường niên quy tụ Nguyên thủ Quốc gia và người đứng đầu chính phủ của 193 nước thành viên để bàn về những vấn đề khó khăn nhất của thế giới.

Các chủ đề chính dự kiến “chiếm sóng” sự kiện năm nay, diễn ra từ ngày 19-26/9 tại trụ sở ở New York, Mỹ, sẽ vẫn là xung đột Nga-Ukraine, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), cải tổ Hội đồng Bảo an (UNSC)...

Xung đột Nga-Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận ông sẽ dự và phát biểu trực tiếp tại sự kiện ở New York. Trong lần xuất hiện trực tiếp đầu tiên tại LHQ sau khi tham dự theo hình thức trực tuyến vào năm ngoái, ông Zelensky dự kiến sẽ sử dụng bài phát biểu vào ngày 19/9, các cuộc tranh luận cấp cao về Ukraine vào ngày 20/9 và các cuộc gặp mặt trực tiếp với các nhà lãnh đạo để cố gắng thuyết phục một loạt các nước đang thờ ơ quay sang ủng hộ Kiev trong cuộc chiến chống lại Nga.

Nhiều quốc gia Nam Bán cầu ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh cho đến nay vẫn tránh đứng về bất kỳ phía nào trong cuộc xung đột, cũng như không tham gia các biện pháp trừng phạt hoặc cắt đứt quan hệ thương mại, kinh doanh và ngoại giao với Moscow vì lo ngại điều này sẽ đi ngược lại lợi ích quốc gia của họ.

Trong một năm hiệu lực của thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen giữa Nga và Ukraine, do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, (tháng 7/2022 - tháng 7/2023), khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraina đã được xuất khẩu qua vùng biển này đến các nơi trên thế giới. Ảnh: Getty Images

Đại diện phái đoàn Nga tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ có thể là Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Một số biện pháp cẩn thận được cho là có thể sẽ được thực hiện để ngăn đại diện hai bên trong cuộc xung đột bất ngờ đụng độ nhau tại sự kiện này. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, LHQ muốn đưa hai bên lại với nhau để gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen đã sụp đổ từ hồi tháng 7.

Khi Moscow rút lui khỏi thỏa thuận trên, áp lực nặng nề đã đè lên giá lương thực, đặc biệt đối với các nước có thu nhập thấp ở châu Phi vốn phụ thuộc vào ngũ cốc từ các nhà xuất khẩu hàng đầu như Ukraine và Nga. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đang bị thiếu hụt ngân sách đến mức có thể buộc chương trình này phải cắt viện trợ lương thực cho 24 triệu người, đẩy những khu vực nghèo nhất tới trước bờ vực của nạn đói.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, ông sẽ tiếp tục dẫn dắt các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nhưng đặt ra kỳ vọng thấp trong ngắn hạn.

Cải tổ Hội đồng Bảo an

Hội đồng Bảo an (UNSC) có thể cải tổ được không? Sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận về việc cập nhật tư cách thành viên của UNSC để phản ánh thế giới hiện tại vào năm 2023, thay vì như thời điểm cuối Thế chiến II, khi cơ quan này được thành lập.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự ủng hộ việc cải tổ tổ chức này vào năm ngoái, có thể bổ sung thêm các nước như Brazil, Ấn Độ và Nhật Bản để phản ánh tầm quan trọng của họ trong các vấn đề thế giới.

Đã có tiền lệ về việc mở rộng UNSC. Ví dụ 4 ghế không thường trực đã được bổ sung vào năm 1965. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực cải cách nào cũng vấp phải sự cản trở giống nhau: Bất kỳ thành viên thường trực nào cũng có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào của UNSC.

Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, tháng 2/2022. Ảnh: Anadolu Agency

UNSC gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực (còn được gọi là Nhóm P5) gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Còn lại là 10 nước thành viên không thường trực (gọi tắt là Nhóm E10) do Đại hội đồng LHQ bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ và mục đích của LHQ và không được bầu lại nhiệm kỳ kế ngay sau khi mãn nhiệm.

Tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ năm nay, dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự. Theo một số báo cáo truyền thông, nhà ngoại giao hàng đầu của nhà lãnh đạo Trung Quốc là Ngoại trưởng Vương Nghị cũng sẽ không tham dự. Thay vào đó, Bắc Kinh cử Phó Chủ tịch Hàn Chính làm đại diện.

Điều này có thể làm phức tạp thêm hy vọng của Mỹ về việc tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh giữa ông Biden và ông Tập vào cuối năm nay.

Ngoài ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự kiến sự kiện năm nay còn vắng mặt Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Tất cả đều có những lý do khác nhau để không tham dự cuộc họp toàn cầu, nhưng sự vắng mặt của lãnh đạo Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc có nghĩa là chỉ có lãnh đạo của một nước thành viên thường trực UNSC, là Mỹ, sẽ tham dự sự kiện cấp cao sắp tới.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững

Quay trở lại những ngày hoàng kim của năm 2015, mỗi quốc gia thành viên LHQ đã đồng ý với một bộ 17 tiêu chuẩn phát triển cần đạt được vào năm 2030 nhằm giúp chống lại biến đổi khí hậu đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nửa chặng đường tới thời hạn 2030 đã trôi qua kể từ năm 2015, nhưng báo cáo của LHQ về tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) cho thấy một bức tranh ảm đạm.

Việc thực hiện một nửa số mục tiêu không đạt được tiến độ mong muốn, trong khi 30% mục tiêu khác đã bị đình trệ hoặc thậm chí thụt lùi. Ví dụ, số người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ đang tăng lên lần đầu tiên trong một thế hệ và đang trên đà đạt tới 575 triệu người vào năm 2030.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng trong thời đại leo thang hiện nay, không có giải pháp nào là dễ dàng, nhưng "hy vọng là thứ không bao giờ chết". Trong ảnh là ông Guterres phát biểu tại Đại hội đồng, ngày 20/9/2022. Ảnh: UN website

Tổng Thư ký Guterres cho biết, khắc phục vấn đề này là “mục tiêu quan trọng nhất” của Đại hội đồng, nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục về độ tin cậy của LHQ về khí hậu.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ và nhà hoạt động khí hậu Al Gore lưu ý rằng hội nghị lớn tiếp theo về biến đổi khí hậu của LHQ, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), sẽ được tổ chức tại Dubai, do “ông trùm” dầu mỏ Sultan Al-Jaber chủ trì.

Thu hút gần 200 quốc gia hướng tới sự đồng thuận về bất kỳ chủ đề cụ thể nào, chưa nói đến những vấn đề gai góc như biến đổi khí hậu và xung đột ở Ukraine, là một thách thức cực lớn. Nhưng tình hình sẽ còn bết bát hơn nếu không có các diễn đàn đa phương như LHQ.

Trước thềm hội nghị cấp cao, Tổng Thư ký Guterres bày tỏ quyết tâm thận trọng. Ông nói: “Hy vọng là thứ không bao giờ chết, nhưng nó sẽ không dễ dàng. Chúng ta đang ở trong thời đại leo thang, không phải là thời điểm có giải pháp dễ dàng”.

Minh Đức (Theo GZero Media, UPI, Politico EU)