Tiêu điểm thế giới

Ukraine tự tin có tên lửa "Thần Biển" phong tỏa biển Azov, Nga cho rằng "vũ khí nhái" chỉ vô dụng?

Ukraine đang tự tin cho rằng tên lửa chống hạm Neptune của mình sẽ là đối trọng với Nga ở biển Azov. Tuy nhiên, với việc chỉ là phiên bản cải tiến của tên lửa chống hạm Kh-35 do Nga sản xuất, nó được coi là vũ khí vô hại.

Neptune được cho là vũ khí giúp Ukraine răn đe Nga ở biển Azov.

Tên lửa hành trình mới của Ukraine, “Neptune” – Thần Biển, được Kiev quảng bá rộng rãi, không có gì khác hơn là “một biến thể được hiện đại hóa nhẹ” của tên lửa chống hạm Kh-35 do Nga sản xuất, tạp chí National Interest nhận định trong bài viết gần đây. Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất đối với vũ khí này.

Trên tờ RT, Mikhail Khodarenok, chuyên gia phân tích quân sự của Lực lượng Vũ trang Nga đã đưa ra một số quan điểm về tên lửa còn nhiều vấn đề của Ukraine.

Neptune là một tên lửa cận âm chống hạm tầm thấp của Ukraine được thiết kế để phá hủy các tàu có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn, cũng như tấn công các mục tiêu mặt đất. Neptune - được phát triển bởi nhà sản xuất Luch Design của Ukraine - có thể được phóng từ tàu, hệ thống tên lửa ven biển và máy bay chiến đấu.

Hải quân Ukraine có kế hoạch sử dụng tên lửa chống hạm làm vũ khí chính cho các tàu tên lửa Vespa đầy hứa hẹn của nước này. Tuy nhiên, việc xây dựng tàu để mang tên lửa vẫn đang ở giai đoạn lập kế hoạch.

“Thần Biển” được công bố tại triển lãm vũ khí và an ninh quốc tế ở Kiev hồi năm 2015 và được tạo ra dựa trên thiết kế của tên lửa chống hạm Kh-35 của Liên Xô. Các thử nghiệm ban đầu được thực hiện vào ngày 22/3/2016.

Theo tạp chí National Interest của Mỹ, tên lửa có tầm bắn chỉ dưới 300 km và được trang bị đầu đạn phân mảnh 150 kg. Với tốc độ bay từ Mach 0,8 đến Mach 0,85, tên lửa Neptune cũng tự hào có hệ thống dẫn đường quán tính mới và radar tìm kiếm chủ động.

Kiev tin rằng tên lửa hành trình có thể cung cấp cho Ukraine khả năng răn đe chống lại Nga ở biển Azov, tạp chí này cho biết. Nhưng liệu Neptune có đáp ứng tốt các yêu cầu của chiến tranh thời hiện đại?

Tên lửa mới của Ukraine là “tái sinh” của Kh-35 là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, có một số sự thật thú vị khác có thể đưa ra kết luận cho câu hỏi này.

“Thần biển” của Ukraine quá đơn giản?

Vào thời Xô Viết, Kh-35 chưa bao giờ thực sự là tâm điểm chú ý. Trước đó, nước này đã ưu tiên phát triển các tên lửa hành trình có thể đánh chìm một tàu sân bay tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trong bối cảnh như vậy, Kh-35 là loại vũ khí khá khiêm tốn, nếu không nói là vô hại. Tên lửa này rõ ràng là không phù hợp để sử dụng chống lại tàu sân bay của kẻ thù và Hải quân Liên Xô cũng không hào hứng với việc đánh chìm tất cả các tàu địch khác với Kh-35.

Tên lửa Kh-35 chưa từng là tâm điểm trong kho vũ khí của Nga trước đây.

Trên thực tế, Kh-35 là một loại đối trọng với tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ, được phát triển vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970. Tên lửa của Liên Xô đã được hình thành và tạo ra trong cùng thời kỳ.

Tên lửa là kết quả của những thành tựu công nghệ trong những năm 1970 - điều đó có nghĩa là việc khởi động lại sản xuất nó sẽ là một nhiệm vụ tương đối dễ dàng đối với công nghệ hiện nay của Ukraine.

Ngày nay, loại tên lửa này không đại diện cho bất kỳ thành tựu vượt trội nào trong lĩnh vực vũ khí dẫn đường và nó cũng không phải là một bước đột phá về công nghệ dưới bất kỳ hình thức nào. Với những đặc điểm hiện có, nó thua kém đáng kể so với các tên lửa hiện đại của Nga thuộc loại tương tự.

Hơn nữa, tên lửa này được tối ưu hóa về hiệu quả chi phí hơn là khả năng chiến đấu. Bởi chính thiết kế của nó tương đối dễ làm và không tốn kém. Đây là lý do tại sao hải quân của rất nhiều quốc gia trên thế giới giữ lại một số tên lửa tương tự phục vụ - ví dụ như tên lửa Exocet của Pháp và tên lửa Harpoon của Mỹ.

Có thể nói rằng Kh-35 là vũ khí có một số ứng dụng chiến đấu đủ để có chỗ đứng trên thị trường. Cần lưu ý rằng, hệ thống phòng không trên các tàu chiến hiện đại là vô cùng mạnh mẽ, đa tầng và hiệu quả. Nó có thể dễ dàng bắn hạ một tên lửa như Neptune của Ukraine từ khoảng cách xa, mà không cần nhiều nỗ lực hay bất kỳ thao tác chiến thuật tinh vi nào.

Nói cách khác, các lực lượng hải quân hạng nhất trên thế giới - vốn không tiếc tiền cho các loại vũ khí - sẽ coi một tên lửa như thế này không phải là một mối đe dọa cũng không phải là một khoản đầu tư hữu ích. Những vũ khí có tốc độ cao hơn là nhu cầu cần thiết hiện nay.

Dẫu vậy, tên lửa biến thể của Kh-35 có rất nhiều ứng dụng tiềm năng khác - và về mặt này, nó có thể tồn tại trong ít nhất 50 năm nữa.

Người ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra một kịch bản đơn giản như tàu tên lửa của một quốc gia nào đó khai hỏa Neptune nhằm vào con tàu chở hàng của một quốc gia khác và đánh trúng mục tiêu, hoàn thành chiến dịch. Sẽ là vô lý và lãng phí khi sử dụng một tên lửa chống hạm hạng nặng (có giá khoảng 5 triệu USD) cho một mục tiêu như vậy.

Đó là lý do tại sao Kh-35 và các lựa chọn thay thế của nó vẫn là một loại sản phẩm tiêu dùng đại chúng trên thị trường vũ khí chống hạm hiện đại. Chúng không sở hữu tốc độ vượt trội, không có khả năng tàng hình và không được trang bị bất kỳ hệ thống chiến thuật nào cho phép một loạt tên lửa liên kết với nhau và thay đổi đội hình tùy theo tình huống.

Nói cách khác, tên lửa biến thể Kh-35 có thiết kế khá đơn giản, đó là lý do tại sao công nghệ của Ukraine là quá đủ để bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Kiev sẽ nhắm đến mục tiêu nào? Nếu nước này có ý định bắn vào một tàu chiến hoặc một đội tàu chiến được trang bị hệ thống phòng không hiện đại, thì rõ ràng hiệu quả sẽ chỉ là con số 0.

Một câu hỏi khác đó là Ukraine sẽ sử dụng nền tảng nào để phóng tên lửa Neptune? Hiện tại, Kiev không có tàu nào có khả năng mang bệ phóng tên lửa thuộc lớp này.

Người ta có thể xem xét khả năng Ukraine sử dụng máy bay nhưng điều đó dẫn đến vấn đề phải tích hợp hệ thống tên lửa chống hạm vào máy bay Ukraine. Về cơ bản, Kiev sẽ phải thực hiện một dự án nghiên cứu và phát triển hoàn toàn mới.

Là một hệ thống tên lửa mặt đất, Neptune vẫn có thể được sử dụng trong các hoạt động tấn công đổ bộ, ngăn chặn kẻ thù đổ bộ vào bờ biển Ukraine. Và đây là điều mà đối thủ tiềm năng sẽ phải tính đến. Nhưng về mặt hoạt động hải quân, người ta khó có thể tưởng tượng được việc sử dụng tên lửa Neptune cho các nhiệm vụ lớn.