Thế giới

Ukraine tính rút quân khỏi thành trì cuối cùng ở Lugansk

Mặc dù Ukraine có thể sẽ mất các thành phố trọng điểm miền Đông vào tay Nga, nghịch lý là kết quả này lại không thể hiện một bước ngoặt của cuộc xung đột.

Xung đột quân sự Nga-Ukraine, bùng phát từ ngày 24/2, đang bước sang tháng thứ năm, với mặt trận chính hiện là khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.

Theo đánh giá của ông Oleksiy Arestovych, cố vấn quân sự của Tổng thống Ukraine, giao tranh ở Donbass hiện đang "bước vào một cao trào đáng sợ".

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã dẫn đến một loạt phản ứng “chưa từng có tiền lệ” từ phương Tây, với các lệnh trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và du lịch của Nga, cùng những lĩnh vực khác.

Vào ngày 26/6, các nhà lãnh đạo G7 sẽ gặp nhau tại Đức để tìm cách gia tăng sức ép lên Nga. Tuần tới, NATO sẽ họp tại Tây Ban Nha để thảo luận về an ninh chung trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine không ngừng tăng nhiệt, và Phần Lan và Thụy Điển đang tìm cách gia nhập liên minh quân sự này.

Một người đàn ông đứng bên chướng ngại vật là những chiếc xe cảnh sát bị phá hủy ở Lysychansk, tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine, ngày 21/6/2022. Ảnh: Newsweek

Ukraine sẽ rút quân khỏi Lysychansk và Sievierodonetsk

Ông Serhiy Haidai, Thống đốc Luhansk, cho biết trên Telegram hôm 24/6 rằng người Nga đã giành quyền kiểm soát làng Mykolaivka, nằm gần tuyến đường cao tốc trọng điểm dẫn đến Lysychansk và cách thành phố này chỉ 25 km.

Trước đó, hôm 23/6, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine xác nhận họ đã để mất các khu định cư Rai-Oleksandrivka và Loskutivka, cách Lysychansk khoảng 5 km, và cho biết rằng quân đội Nga đang cố gắng bao vây các lực lượng Ukraine ở đó.

Trước đà tiến của quân Nga, nhằm tránh bị bao vây, hôm 23/6, ông Haidai thông báo, các lực lượng Ukraine sẽ rút lui khỏi thành phố công nghiệp trọng điểm miền Đông là Severodonetsk và đang trong quá trình rút lui khỏi thành phố Lysychansk gần đó.

Tuy nhiên, vị quan chức này không cho biết liệu các binh sĩ Ukraine sẽ rút lui ngay lập tức hay việc rút quân sẽ diễn ra trong khung thời gian nào.

Nằm 2 bên bờ sông Siverskyi Donets, 2 thành phố này là điểm nóng giao tranh giữa Ukraine và Nga ở Donbass trong nhiều tuần nay.

Việc quân đội Ukraine rút lui khỏi Lysychansk và Sievierodonetsk, 2 thành phố cuối cùng do Ukraine nắm giữ ở Luhansk, sẽ đưa Moscow đến gần hơn với một trong những mục tiêu quan trọng mà họ đã đặt ra; đó là giành quyền kiểm soát toàn bộ Donbass nơi quân ly khai thân Nga hoạt động từ năm 2014.

ISW: Kiev có thể đã chuẩn bị tinh thần cho việc mất thêm lãnh thổ

Giới chức Ukraine có thể đã chuẩn bị tinh thần cho việc 2 thành phố quan trọng ở Luhansk là Severodonetsk và Lysychansk rơi vào tay quân Nga, nhưng kết quả này sẽ không thể hiện một bước ngoặt của cuộc chiến, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định trong bản đánh giá của mình hôm 23/6.

Theo đánh giá của ISW, việc giành được Severodonetsk sẽ không phải là một chiến thắng mang tính quyết định đối với Nga.

Bản đồ đánh giá diễn biến trên thực địa xung quanh thành phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine, đến ngày 23/6/2022. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW)

"Trong những tuần qua, Quân đội Ukraine đã thành công trong việc thu hút một lượng đáng kể binh sĩ và khí tài Nga vào khu vực và làm suy giảm khả năng tổng thể của quân Nga trong khi ngăn cản các lực lượng của đối phương tập trung vào các trục tiến công có lợi hơn", ISW cho biết.

“Các hoạt động tấn công của Nga có thể sẽ bị đình trệ trong những tuần tới, cho dù các lực lượng Nga có chiếm được khu vực Severodonetsk-Lysychansk hay không, mang lại cơ hội cho các lực lượng Ukraine tiến hành các cuộc phản công” ở các mặt trận khác, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ kết luận.

Nga nêu điều kiện để chấm dứt giao tranh với Ukraine

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Ukraine phải chấp nhận mọi yêu cầu của Nga nếu muốn giao tranh kết thúc.

Trong cuộc đối thoại với các phóng viên ở Moscow hôm 2/6, ông Peskov được hỏi liệu ông có biết về “kế hoạch hòa bình 15 điểm” do trang National Interest (NI) đề xuất gần đây hay không.

Bài viết của NI nêu một số kịch bản cần thiết để các hành động thù địch kết thúc, bao gồm Ukraine trở nên trung lập vĩnh viễn, Nga rút lực lượng quân sự về vị trí trước ngày 24/2 và Moscow ủng hộ nguyện vọng gia nhập EU của Kiev.

Ông Peskov trả lời rằng Điện Kremlin không biết về bài viết, và rằng bất kỳ giải pháp hòa bình nào cho cuộc chiến chỉ có thể được thực hiện sau khi Ukraine "hoàn thành tất cả các yêu cầu của phía Nga".

Khi được đề nghị làm rõ những yêu cầu đó, ông Peskov trả lời: "Ukraine biết rất rõ mọi thứ", hãng tin Interfax đưa tin.

Điện Kremlin trước đó cũng đã yêu cầu Ukraine chấp nhận chủ quyền của Nga đối với Bán đảo Crimea mà Moscow sáp nhập vào năm 2014 và thừa nhận độc lập của các vùng lãnh thổ do phe ly khai thân Nga nắm giữ ở Donbass.

Loại vũ khí “thay đổi cuộc chơi” đến tay người Ukraine

Kiev đã thúc giục các đồng minh phương Tây cung cấp thêm nhiều vũ khí hạng nặng hơn với tốc độ nhanh hơn để quân Ukraine có thể nhanh chóng đạt thế cân bằng về hỏa lực với quân Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 23/6 xác nhận đã nhận được những hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) đầu tiên do Mỹ cung cấp.

"HIMARS đã đến Ukraine. Cảm ơn đồng nghiệp và người bạn của tôi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III vì những vũ khí mạnh mẽ này! Mùa hè này hứa hẹn sẽ rất nóng đối với người Nga. Và có thể là mùa hè cuối cùng đối với một vài người trong số họ", ông Reznikov viết trên Twitter hôm 23/6.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov xác nhận trên Twitter hôm 23/6/2022 rằng Ukraine đã nhận được những hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) đầu tiên từ Mỹ. Ảnh: Twitter

Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine 4 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) có tầm bắn lên tới 80 km, xa hơn đáng kể so với tầm bắn của hầu hết các hệ thống pháo hiện có của Ukraine.

Nhà Trắng dự kiến sẽ cam kết bàn giao thêm 4 hệ thống như vậy.

Vũ khí tầm xa ngày càng đóng vai trò quan trọng cuộc xung đột Nga-Ukraine, với việc giao tranh đang dần trở thành các cuộc đọ sức pháo binh giữa 2 bên. Vũ khí có tầm bắn xa hơn cho phép bắn trúng kẻ thù mà không sợ bị đánh trả.

Có những hình ảnh về chiến trường miền Đông Donbass cho thấy mức độ tàn phá của các đợt pháo kích.

Trước khi hàng đến tay người Ukraine hôm 23/6, các lực lượng Mỹ đã huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng HIMARS, ông Colin H. Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng về chính sách, cho biết tại một cuộc họp báo gần đây của Lầu Năm Góc.

Ông Mykola Sunhurovsky thuộc Trung tâm Razumkov, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Kiev, cho biết các hệ thống phóng tên lửa tiên tiến HIMARS sẽ giúp quân đội Ukraine chống lại sự tấn công dữ dội của Nga và có khả năng mở một cuộc phản công ở miền Nam.

Ông lưu ý rằng HIMARS có tầm bắn, độ chính xác và tốc độ bắn xa hơn so với các hệ thống tương tự do Liên Xô thiết kế mà Nga và Ukraine đã sử dụng trong cuộc chiến kéo dài 4 tháng.

Ông Sunhurovsky nói: “Các lực lượng chính của Nga hiện đang tập trung ở Donbass và họ không thể tái triển khai lực lượng chừng nào chiến sự khốc liệt vẫn đang diễn tiến”.

Ông Putin kêu gọi BRICS hợp tác nhằm thách thức phương Tây

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 23/6 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, hợp tác đối mặt với "những hành động ích kỷ" từ phương Tây, trong bối cảnh Moscow đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với vấn đề Ukraine.

"Chỉ trên cơ sở hợp tác trung thực và cùng có lợi, chúng ta mới có thể tìm ra cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng này, vốn đã phát triển trong nền kinh tế toàn cầu do những hành động ích kỷ và thiếu hiểu biết của một số quốc gia".

Các bình luận trên được ông Putin đưa ra trong bài phát biểu trên truyền hình tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo BRICS được tổ chức trực tuyến, trong khi đề cập đến các lệnh trừng phạt phương Tây nhắm vào Nga.

Ông cho rằng các quốc gia phương Tây "bằng cách sử dụng các cơ chế tài chính, trên thực tế, đang chuyển những sai lầm của chính họ trong chính sách kinh tế vĩ mô lên toàn thế giới".

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: NDTV

"Chúng ta tin rằng bây giờ, hơn bao giờ hết, sự lãnh đạo của các nước BRICS là cần thiết để phát triển một lộ trình thống nhất, tích cực hướng tới việc hình thành một hệ thống quan hệ liên chính phủ đa cực thực sự", ông Putin nói.

Ông cho biết thêm rằng các quốc gia BRICS "có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đang nỗ lực theo đuổi một chính sách độc lập".

Mỹ và EU đã giáng những đòn trừng phạt chưa từng có tiền lệ vào Moscow sau khi ông Putin phát động tấn công quân sự vào Ukraine hôm 24/2.

“Cơn mưa” các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy ông Putin tìm kiếm thị trường mới và tăng cường quan hệ với các nước ở châu Phi và châu Á.

BRICS là một khối với các nền kinh tế lớn mới nổi, bao gồm Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa).

Minh Đức (Theo Al Jazeera, DW, Reuters, NDTV, Business Insider)