Thế giới

Ukraine thiết lập tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc sang Ba Lan và Romania

Ukraine đang đàm phán với các nước khu vực Baltic để thêm một hành lang thứ ba cho xuất khẩu lương thực.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Senik mới đây thông báo nước này đã thiết lập 2 tuyến đường qua Ba Lan và Romania để xuất khẩu ngũ cốc và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong bối cảnh các điểm tắc nghẽn đã làm chậm lại chuỗi cung ứng.

Thứ trưởng Ngoại giao Kiev nhận định an ninh lương thực toàn cầu đang đối mặt với rủi ro do xung đột Nga - Ukraine đã làm xuất khẩu ngũ cốc ở khu vực Biển Đen bị ngưng trệ, gây ra tình trạng thiếu hụt trên diện rộng và giá cả tăng vọt. 

Ukraine là nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới. Hiện nước này có khoảng 30 triệu tấn ngũ cốc được lưu trữ trên lãnh thổ do Ukraine nắm giữ và họ đang cố gắng xuất khẩu qua đường bộ, đường sông và đường sắt. 

Thứ trưởng Senik cho biết Ukraine đang đàm phán với các nước Baltic để thêm một hành lang thứ ba cho xuất khẩu lương thực. Ông không tiết lộ chi tiết về số lượng ngũ cốc đã vận chuyển hoặc sẽ được chuyển qua các tuyến đường này. Ông chia sẻ với hãng tin Reuters: “Những tuyến đường đó không thực sự tốt bởi có những tắc nghẽn nhất định, chúng tôi đang cố gắng hết sức để phát triển những tuyến đường đó”. 

Hệ thống đường sắt Ukraine hoạt động trên khổ đường ray khác với các nước láng giềng châu Âu như Ba Lan. Do đó ngũ cốc phải được chuyển sang các chuyến tàu khác khi đến biên giới, nhưng tại đây không có nhiều phương tiện trung chuyển hoặc cơ sở lưu trữ. 

Việc thay đổi lại tuyến đường vận chuyển ngũ cốc của Ukraine sang Romania bao gồm vận chuyển bằng đường sắt đến các cảng trên sông Danube, xếp hàng hóa lên sà lan để chuyển đến cảng Constanta (Romania). Đây là quá trình phức tạp và tốn kém.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu qua video trong hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La thông tại Singapore, vào ngày 11/6/2022. Ảnh: AFP.

Cuộc xung đột tại Ukraine là một phần trọng tâm trong các nội dung thảo luận tại Đối thoại Shangri-La (SLD), bên cạnh các nội dung khác như căng thẳng Mỹ-Trung và cuộc khủng hoảng Myanmar. Đối thoại Shangri-La (SLD) là cuộc họp an ninh quan trọng ở Châu Á Thái Bình Dương, được tiến hành tại Singapore bắt đầu hôm 10/6 với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có bài phát biểu khai mạc trình bày về tầm nhìn của nước này đối với an ninh khu vực.

Vào ngày 11/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phát biểu với các đại biểu tại Đối thoại Shangri-La (SLD) thông qua liên kết video. Tổng thống Zelenskiy cho biết sự ủng hộ của các quốc gia là rất quan trọng không chỉ để đánh bại cuộc xung đột Nga mà còn để duy trì trật tự dựa trên luật lệ.

Moscow gọi hoạt động của mình tại Ukraine là “một hoạt động quân sự đặc biệt”, đồng thời phủ nhận việc tấn công các mục tiêu dân sự và nông nghiệp. Nga cho rằng chính những lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này và các thủy lôi do Ukraine lắp đặt là nguyên nhân dẫn đến việc giảm xuất khẩu lương thực và tăng giá toàn cầu. Nga cũng là một quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Aljazeera)