Thế giới

Ukraine tái khẳng định lập trường “không đổi đất lấy hòa bình” với Nga

Nga, Ukraine sẽ ký thỏa thuận đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát, trong khi pháo kích trên thực địa được cho là đang dọn đường cho một cuộc tấn công trên bộ mới.

Khi các trận chiến vẫn đang diễn ra ở miền Đông và miền Nam đất nước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã loại trừ khả năng nhượng bất kỳ phần lãnh thổ nào cho Nga nếu các cuộc đàm phán hòa bình được nối lại, đồng thời ông cũng làm rõ rằng không có cuộc đàm phán nào như vậy đang được tiến hành giữa Kiev và Moscow.

“Mục tiêu của Ukraine trong cuộc chiến này… là giải phóng lãnh thổ của chúng tôi, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi ở miền Đông và miền Nam Ukraine”, Ngoại trưởng Kuleba phát biểu trong cuộc họp báo hôm 13/7.

"Đây là mục tiêu hàng đầu trong lập trường đàm phán của chúng tôi".

Ông Kuleba cũng cho biết quân đội Ukraine đang "lên kế hoạch và chuẩn bị cho việc giải phóng hoàn toàn" các thành phố do Nga kiểm soát gần bờ Biển Đen của nước này.

Ngoài bán đảo Crimea đã sáp nhập năm 2014, Nga hiện đã nắm quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine ở phía nam dọc theo bờ Biển Đen và ở các tỉnh miền Đông là Luhansk và Donetsk, gọi chung là Donbass, nơi quân ly khai thân Nga hoạt động trong 8 năm nay.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba tái khẳng định Ukraine không đổi đất lấy hòa bình với Nga, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, ngày 13/7/2022.

Hôm 13/7, phái đoàn quân sự của Nga và Ukraine đã gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về cách thức xuất khẩu lúa mì và ngũ cốc từ lãnh thổ Ukraine. Ông Kuleba đã làm rõ rằng không có cuộc đàm phán nào về các vấn đề rộng hơn.

“Hiện tại không có cuộc đàm phán hòa bình nào giữa Nga và Ukraine vì lập trường của Nga và việc nước này tiếp tục gây hấn với đất nước của chúng tôi”, Ngoại trưởng Ukraine cho biết.

Pháo kích dọn đường cho một cuộc tấn công trên bộ mới ở Donetsk

Trên thực địa, các lực lượng Nga đang tập trung vào một số thị trấn nhỏ trên đường tiếp cận các thành phố lớn hơn là Slovyansk và Kramatorsk ở tỉnh Donetsk khi họ tiếp tục hành trình đánh chiếm toàn bộ trung tâm công nghiệp Donbass ở miền Đông Ukraine, tình báo Anh cho biết.

Nhận xét trên được đưa ra trong bối cảnh có các báo cáo chưa được xác nhận vào ngày 13/7 rằng, các lực lượng Ukraine đã tấn công trở lại vào tỉnh Luhansk lân cận - nơi trước đó đã bị quân đội Nga đánh chiếm - có thể sử dụng các hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp gần đây.

Các lực lượng Nga đã tập trung đánh chiếm toàn bộ khu vực Donbass, bao gồm các tỉnh Donetsk và Luhansk, sau khi rút lui khỏi các khu vực xung quanh thủ đô Kiev hồi đầu tháng 4. Các quan chức Ukraine cáo buộc Nga pháo kích ồ ạt vào các thành phố và thị trấn trong khu vực.

Tại thị trấn Chasiv Yar ở tỉnh Donetsk, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực cho biết, số người thiệt mạng trong một cuộc không kích cuối tuần qua vào một khu chung cư đã lên tới 45 người.

Moscow đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường.

Các nhân viên cứu hỏa tìm cách kiểm soát đám cháy tại chợ trung tâm của Slovyansk, khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 5/7/2022, theo sau một cuộc tấn công tên lửa. Ảnh: Getty Images

Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đang sử dụng các cuộc pháo kích nhằm “dọn đường” cho một cuộc tấn công trên bộ mới ở tỉnh Donetsk, đặc biệt là ở các khu vực Bakhmut và Siversky và xung quanh Slovyansk và Kramatorsk.

Bộ Quốc phòng Anh, trong cuộc họp tình báo hàng ngày hôm 13/7 cho biết, quân đội Nga đang tiến gần các thị trấn Siversky và Dolyna, với các khu vực đô thị của Slovyansk và Kramatorsk là “các mục tiêu chính cho giai đoạn này của chiến dịch”.

Tại tỉnh Luhansk, ông Andrei Marochko, một quan chức của nhóm ly khai do Nga hậu thuẫn tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR), hôm 13/7 cho biết quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp để tấn công một số khu định cư trong khu vực.

Điều này diễn ra một ngày sau khi các lực lượng Ukraine tấn công nơi mà họ nói là kho đạn ở thị trấn Nova Kakhovka, cách thành phố cảng Kherson quan trọng bên bờ Biển Đen khoảng 55 km về phía Đông. Các quan chức Nga cho biết các địa điểm dân sự đã bị tấn công.

Các tuyên bố không thể được xác minh độc lập.

Chính phủ Ukraine chưa bình luận về việc liệu các hệ thống HIMARS mới được viện trợ có được sử dụng trong bất kỳ cuộc tấn công nào hay không.

Cuộc tấn công vào Nova Kakhovka diễn ra sau tuyên bố của quân đội Ukraine rằng họ đang chuẩn bị một cuộc phản công lớn ở miền Nam để giành lại phần lãnh thổ từ tay các lực lượng Nga.

Quân ly khai thân Nga đã chiến đấu ở miền Đông Ukraine từ năm 2014. Ảnh: DW

Các lực lượng Nga và thân Nga tiến vào thị trấn Siversk ở Donetsk

Các lực lượng Nga và các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã tiến vào thị trấn Sieversk ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cho biết.

Sieversk, được Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng tuyên bố chủ quyền, nằm trên tuyến đầu của cuộc chiến giành Donbass sau khi quân đội Ukraine rút lui khỏi thành phố Severodonetsk ở Lugansk vào tháng trước.

Các lực lượng vũ trang của Ukraine cho biết trong một ghi chú rằng, Nga đã không tiến hành bất kỳ cuộc tấn công mới nào trên chiến tuyến bao gồm Siversk, nhưng thị trấn đã bị nã pháo.

Ukraine bác bỏ các tuyên bố về buôn lậu vũ khí và bắn rơi máy bay

Ukraine hôm 13/7 cáo buộc Nga tuyên truyền về sự gia tăng của hoạt động buôn lậu bất hợp pháp đối với vũ khí Kiev nhận được từ các đồng minh phương Tây, và cho biết họ đang giám sát chặt chẽ việc vận chuyển các loại vũ khí này tới tiền tuyến.

Ông Mykhaylo Podolyak, trợ lý Tổng thống Ukraine, nói: “Tất cả vũ khí mà Ukraine nhận được, bao gồm cả vũ khí tầm xa, đều được kiểm đếm cẩn thận và gửi đến tiền tuyến”.

Ông Podolyak mô tả việc cung cấp vũ khí của Washington và các đồng minh châu Âu là "vấn đề sống còn" đối với Ukraine và nói rằng việc giám sát các đợt giao hàng đó là "ưu tiên" đối với chính phủ của ông.

Bình luận của quan chức Ukraine được đưa ra sau khi EU tuyên bố tuần này sẽ thành lập một trung tâm ở Moldova để chống lại tội phạm có tổ chức, đặc biệt là buôn lậu vũ khí từ Ukraine, nước láng giềng của Moldova.

Binh sĩ Ukraine bỏ chạy sau khi tên lửa đánh trúng một khu dân cư ở Kramatorsk, vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 7/7/2022. Ảnh: Al Jazeera

Ukraine hôm 13/7 cũng bác bỏ thông tin các lực lượng Nga đã bắn rơi 4 chiến đấu cơ của quân đội Ukraine.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng Nga đã tiêu diệt một chiếc Su-25 và một chiếc Su-24 ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine, cùng với một chiếc Su-25 và một chiếc Mig-29 ở vùng Mykolaiv, miền Nam Ukraine.

Tất cả các loại máy bay chiến đấu trên đều có từ thời Liên Xô và đang được Không quân Ukraine sử dụng.

Người phát ngôn của Không quân Ukraine Yuriy Ihnat bác bỏ thông tin trên, và cho rằng đó là thông tin tuyên truyền của phía Nga.

Đột phá trong hành lang xuất khẩu ngũ cốc Ukraine

Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ ký một thỏa thuận vào tuần tới nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen của Ukraine, nhưng người đứng đầu LHQ Antonio Guterres cảnh báo đàm phán hòa bình để chấm dứt giao tranh thì vẫn còn rất xa, Reuters đưa tin hôm 13/7.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, thỏa thuận sẽ được ký vào tuần tới bao gồm các hoạt động kiểm soát chung để kiểm tra các chuyến tảu hàng tại các bến cảng và Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo an toàn cho các tuyến đường xuất khẩu trên Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ thành lập một trung tâm điều phối với Ukraine, Nga và LHQ để xuất khẩu ngũ cốc.

Ông Guterres bày tỏ thận trọng hơn một chút. Ông nói với các phóng viên rằng "hy vọng chúng ta sẽ có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng" vào tuần tới, đồng thời bổ sung: "Tôi lạc quan, nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn được thực hiện".

"Chúng tôi đã chứng kiến một bước tiến quan trọng", ông Guterres nói ở New York. "Còn nhiều công việc liên quan đến kỹ thuật để hiện thực hóa thỏa thuận hôm nay. Nhưng động lực là rất rõ ràng".

Khi nói đến triển vọng cho các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt giao tranh ở Ukraine, bùng phát từ ngày 24/2, ông Guterres cho biết, Moscow và Kiev đã cho thấy họ có thể can dự với nhau, "nhưng để đạt được hòa bình, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi".

Phái đoàn Nga và Ukraine đã gặp mặt trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để thảo luận về một thỏa thuận nhằm khôi phục xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, ngày 13/7/2022. Ảnh: DW

Xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá ngũ cốc, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón tăng vọt khi xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị đình trệ, với hàng chục tàu hàng bị mắc kẹt và khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc ách tắc trong các hầm chứa ở Odessa.

Ukraine và Nga là những nhà cung cấp lúa mì lớn trên toàn cầu, và Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn, trong khi Ukraine là nhà sản xuất ngô và dầu hướng dương đáng kể.

Một quan chức cấp cao của LHQ giấu tên cho biết hầu hết các điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán để nối lại hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen của Ukraine đã được khắc phục, đồng thời mô tả các cuộc thảo luận tại Istanbul là một "bước đột phá".

Trước cuộc hội đàm hôm 13/7, các nhà ngoại giao cho biết chi tiết của kế hoạch bao gồm các tàu Ukraine hướng dẫn các tàu chở ngũ cốc ra vào vùng nước cảng có mìn; Nga đồng ý ngừng bắn trong khi các tàu hàng chuyển đi; và Thổ Nhĩ Kỳ - được LHQ hỗ trợ - kiểm tra các tàu để xoa dịu lo ngại của Nga về việc buôn lậu vũ khí.

Minh Đức (Theo Eurasia Review, TRT World, Reuters)