Thế giới

Ukraine ra mắt "đội quân" nhằm vào không gian mạng của Nga

Ukraine đã kêu gọi các tin tặc của họ hoạt động ngầm để giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ gián điệp mạng chống lại quân đội Nga.

Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết sẽ thành lập một "đội quân công nghệ thông tin" để chiến đấu chống lại sự xâm nhập kỹ thuật số của Nga. 

Ukraine đã kêu gọi các tin tặc của họ hoạt động ngầm để giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ gián điệp mạng chống lại quân đội Nga. Ông Mykhailo Fedorov viết trong thông báo twitter được liên kết với một kênh trên ứng dụng nhắn tin Telegram công bố danh sách các trang web nổi tiếng của Nga: "Chúng tôi đang tạo ra một đội quân công nghệ thông tin"; "Mọi người đều được phân công nhiệm vụ tiếp tục chiến đấu trên mặt trận không gian mạng". 

Kênh Telegram đã liệt kê các trang web gồm 31 doanh nghiệp và các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước của Nga, bao gồm tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom, nhà sản xuất dầu Lukoil, 3 ngân hàng và một số trang web của chính phủ. Kremlin.ru, trang web chính thức của Điện Kremlin và văn phòng Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã được đưa vào ngoại tuyến hôm 26/2 trong một cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS: làm cho những người dùng không thể sử dụng dịch vụ của máy tính). 

Theo các nhà nghiên cứu của công ty an ninh mạng ESET, phần mềm xóa dữ liệu độc hại bị phát hiện lưu hành ở Ukraine vào tuần trước đã tấn công hàng trăm máy tính. Sự nghi ngờ đổ dồn lên Nga do quốc gia đã nhiều lần bị cáo buộc tấn công Ukraine và các nước khác. Các đối tượng bị tấn công bao gồm các cơ quan chính phủ và tổ chức tài chính.

Anh và Mỹ cho rằng tin tặc quân sự Nga là người đứng sau một loạt các cuộc tấn công DDoS tuần trước, đã đánh sập các trang web ngân hàng và chính phủ Ukraine trong một thời gian ngắn trước khi Nga tiến hành can thiệp quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, phía Nga đã bác bỏ các cáo buộc này.

Người dân Ukraine vượt biên sang Ba Lan tại cửa khẩu Korczowa-Krakovets vào ngày 26/2/2022, sau khi Nga can thiệp quân sự. Ảnh: Getty Images.

Trong một diễn biến liên quan đến tình hình căng thẳng Nga - Ukraine, hôm 26/2, phát ngôn viên của Chính phủ Đức cho biết nước này và các đồng minh phương Tây đã nhất trí loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Đây là một phần trong gói trừng phạt thứ ba nhằm ngăn chặn sự tấn công của Nga vào Ukraine. 

Nếu không có SWIFT, Nga sẽ gặp nhiều khó khăn để thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế, trong khi nước này là nhà sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu thế giới. Điều đó buộc các nhà nhập khẩu, xuất khẩu và ngân hàng phải tìm giải pháp mới để truyền tải các hướng dẫn thanh toán. Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu năng lượng của Nga, vì vậy việc loại Nga ra khỏi SWIFT cũng sẽ khiến các hoạt động kinh doanh của họ trở nên tốn kém và phức tạp.

Các biện pháp trừng phạt đã được thống nhất với Mỹ, Pháp, Canada, Ý, Anh và Ủy ban châu Âu (EC), trong đó bao gồm cả việc hạn chế khả năng hỗ trợ đồng rúp của ngân hàng trung ương Nga. Người phát ngôn chính phủ Đức cho biết sẽ chấm dứt "hộ chiếu vàng" của người Nga, đồng thời sẽ nhắm vào các cá nhân, tổ chức ở Nga cũng như những nơi khác đã ủng hộ cuộc tấn công vào Ukraine. Hộ chiếu vàng” cho phép các cá nhân người Nga giàu có và có mối liên hệ với Điện Kremlin trở thành công dân nước khác và có quyền tiếp cận với hệ thống tài chính của các nước này.

Người phát ngôn Chính phủ Đức cho biết: "Các nước sẵn sàng thực hiện các biện pháp tiếp theo nếu Nga không chấm dứt cuộc tấn công vào Ukraine và đảm bảo trật tự hòa bình châu Âu".

Phạm Hà Thanh (theo Channel News Asia, Rreuters)