Thế giới

Ukraine ngỏ ý tìm kiếm đảm bảo an ninh từ quốc gia thành viên NATO

Ý tưởng được đưa ra trước một vòng hòa đàm mới giữa Nga và Ukraine dự kiến diễn ra ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số các quốc gia có thể đưa ra các đảm bảo an ninh cho Kiev (Kyiv) với tư cách là một phần trong thỏa thuận với Moscow nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine, một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết hôm 28/3, trước một vòng đàm phán hòa bình mới dự kiến diễn ra ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia có thể trở thành bên cung cấp đảm bảo an ninh cho chúng tôi trong tương lai", ông Ihor Zhovkva, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trước cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow dự kiến tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Kiev tuyên bố, họ muốn có những đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo vệ Ukraine khỏi một nhóm đồng minh nào đó trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công trong tương lai.

Vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ là bên cung cấp đảm bảo an ninh đã từng được đề cập. Khi được hỏi liệu vấn đề này có được đưa ra trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở Antalya hôm 10/3 hay không, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: "Ngoại trưởng Nga Lavrov không quan tâm đến việc thảo luận về nó. Ông ấy chuyển những vấn đề này cho các phái đoàn đàm phán ở Belarus".

Quang cảnh cuộc họp cấp cao 3 bên Nga – Thổ Nhĩ Kỳ – Ukraine ngày 10/3/2022 bên lề Diễn đàn Ngoại giao Antalya (ADF) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Anadolu Agency

Ông Lavrov và ông Kuleba đã có cuộc hội đàm cấp cao 3 bên hôm 10/3 tại thành phố nghỉ dưỡng Antalya bên bờ Địa Trung Hải, với sự tham dự của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.

Cuộc hội đàm phần lớn không thu được kết quả gì, nhưng Ankara coi việc có thể khiến Ngoại trưởng của 2 bên trong cuộc xung đột tàn khốc ngồi lại với nhau với bên thứ 3 trung lập, đó là một thành tựu rất đáng kể.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ hai.

Ankara khẳng định có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, nhưng nhấn mạnh rằng trước tiên cần phải có một lệnh ngừng bắn và các hành lang nhân đạo sơ tán dân thường.

Là một thành viên khối NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có chung biên giới với Ukraine và Nga ở Biển Đen và có quan hệ tốt với cả hai quốc gia.

Kể từ khi xung đột vũ trang bùng nổ, Ankara đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa hai bên và tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình, nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ về năng lượng, quốc phòng và du lịch với Nga.

Hôm 26/3, bên lề Diễn đàn Doha ở Qatar, khi được hỏi liệu các nhà tài phiệt Nga đang đối mặt với các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây có thể kinh doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ hay không, Ngoại trưởng Cavusoglu đã trả lời: “Tất nhiên, nếu hợp pháp, nếu không trái luật pháp quốc tế, tôi sẽ xem xét”.

Minh Đức (Theo Daily Sabah, NDTV)