Thế giới

Ukraine hứa sẽ không bắn tên lửa Mỹ viện trợ vào lãnh thổ Nga

Mỹ sẽ gửi hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) cho Ukraine, nhưng khẳng định rằng không phải để tạo điều kiện cho Ukraine tấn công Nga.

Các quan chức Ukraine tuyên bố sẽ chỉ bắn các hệ thống tên lửa mới của Mỹ với tầm bắn khoảng 50 dặm (80 km) vào các mục tiêu của Nga bên trong biên giới Ukraine và không tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga, Newsweek dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết.

Theo Newsweek, phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 31/5, vị quan chức này cho biết, gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine, dự kiến được công bố vào ngày 1/6, sẽ bao gồm hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS).

Vị quan chức này cho biết, đợt hỗ trợ mới nhất của Mỹ, hiện trị giá hơn 5 tỷ USD kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021, là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ “nhằm cung cấp hỗ trợ an ninh cho người Ukraine nhiều hơn và vượt xa hơn những gì chúng tôi đã cung cấp cho họ để giúp bảo vệ đất nước của họ”.

“Vì mục tiêu đó, chúng tôi không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Ukraine tấn công bên ngoài biên giới của mình”, vị quan chức Mỹ nói. “Chúng tôi không tìm cách kéo dài cuộc chiến chỉ để gieo rắc đau thương cho nước Nga”.

Vị quan chức này nói rằng “chúng tôi đang cung cấp cho người Ukraine một loạt các khả năng mà chúng tôi nghĩ là tương xứng với cuộc chiến mà họ đang tham gia trên chiến trường và các điều kiện hiện tại”. Do đó, quyết định được đưa ra là Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí tầm xa hơn cho Ukraine, và chính quyền Mỹ ?”đã thông báo điều đó cho người Ukraine”, theo vị quan chức này.

Khi được hỏi liệu các quan chức Ukraine có đưa ra lời hứa rõ ràng là sẽ không sử dụng các vũ khí mới được cung cấp nhằm vào các mục tiêu bên trong nước Nga hay không, vị quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden trả lời là “có”.

“Người Ukraine đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng (các vũ khí này) để nhắm mục tiêu trên lãnh thổ Nga”, vị quan chức này xác nhận. “Với những lời đảm bảo đó, chúng tôi thấy rất yên tâm”.

Tổng thống Joe Biden nói chuyện với các phóng viên khi ông trở về Nhà Trắng từ Delaware, ngày 30/5/2022. Ảnh: Washington Times

Các quan chức Ukraine đã nêu đích danh các loại vũ khí họ cần là hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) cũng như Hệ thống tên lửa phóng nhiều lần pháo phản lực phóng loạt M270 (MLRS). Các hệ thống vũ khí này có khả năng đánh trúng mục tiêu cách xa hàng trăm dặm, tùy phiên bản.

Khi các hãng truyền thông Mỹ, bao gồm The Washington Post và CNN, đưa tin rằng các quan chức Mỹ đang có kế hoạch gửi các bệ phóng tên lửa như vậy đến Ukraine, ông Biden đã nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng hôm 30/5 rằng chính quyền của ông “sẽ không gửi cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công vào lãnh thổ Nga”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Nhà Trắng dường như đã rút lại các bình luận, khi một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden nói rằng “MLRS đang được xem xét, nhưng vũ khí có khả năng tấn công tầm xa thì không được tính đến”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price đã bác bỏ thông tin rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Quân đội Ukraine vũ khí có khả năng tấn công vào bên trong nước Nga.

Những lời đảm bảo đã được Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hoan nghênh. Ông Medvedev, người từng giữ chức Tổng thống Nga, cho rằng đây là điều “sáng suốt”.

“Nếu không, trong trường hợp có các cuộc tấn công nhằm vào các thành phố của chúng tôi, các lực lượng vũ trang Nga sẽ tấn công cảnh cáo vào các trung tâm nơi đưa ra các quyết định như vậy”, ông Medvedev viết trên kênh Telegram hôm 30/5. “Một số người trong số họ chắc chắn không ở Kyiv. Không cần giải thích...”

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), do Lockheed Martin sản xuất, được khai hỏa trong một đợt huấn luyện chiến đấu ở Trung tâm Huấn luyện Yakima, Washington, Mỹ, ngày 23/5/2011. Ảnh: Navy Times

Minh Đức (Theo Newsweek)