Thế giới

Ukraine gia hạn thiết quân luật, Mỹ và phương Tây bổ sung viện trợ

Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ gia hạn tình trạng thiết quân luật đến 25/5. Trong khi đó, các nước châu Âu và Mỹ tiếp tục bổ sung viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ukraine tiếp tục gia hạn tình trạng thiết quân luật

Ngày 21/4, nghị sĩ Ukraine Yaroslav Zheleznyak cho biết, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ gia hạn tình trạng thiết quân luật tại nước này đến ngày 25/5. Theo nghị sĩ này, đề xuất kéo dài tình trạng thiết quân luật của Tổng thống Volodymyr Zelensky nhận được sự ủng hộ của 300 trong số 450 nghị sĩ Quốc hội Ukraine.

Quy định thiết quân luật cho phép quân đội Ukraine ban hành lệnh giới nghiêm, lập trạm kiểm soát quân sự và hạn chế "quyền tự do đi lại của công dân, người nước ngoài cũng như các phương tiện". Binh sĩ Ukraine tại những trạm kiểm soát được quyền kiểm tra giấy tờ và khám xét tại chỗ người, phương tiện đi qua.

Ukraine đã áp đặt tình trạng thiết quân luật vào ngày 24/2 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia này. Hôm 15/3, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu gia hạn tình trạng đặc biệt này tới ngày 25/4. Ngày 19/4, Tổng thống Zelensky đã đệ trình Quốc hội nước này dự luật tiếp tục gia hạn tình trạng thiết quân luật tại Ukraine.

Phương Tây và Mỹ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine

Ngày 21/4, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederikse tuyên bố, nước này sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 90 triệu USD. Phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Kiev, bà Frederiksen cho biết, tổng hỗ trợ quân sự của Đan Mạch cho Ukraine lên tới khoảng 146 triệu USD.

Khói bốc lên từ thành phố Severodonetsk, vùng Donbass, ngày 6/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, nước này đã gửi một lô hàng mới gồm 200 tấn đạn dược và vật tư quân sự cho Ukraine, gấp đôi số lượng hàng viện trợ quân sự mà nước này đã gửi tới Kiev trước đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cũng thông báo, nước này đã đạt một thỏa thuận với các đối tác Đông Âu để cung cấp cho Ukraine lô vũ khí hạng nặng mới "trong vài ngày tới". "Lô vũ khí mới bao gồm xe tăng, xe bọc thép, hoặc những lựa chọn khác của từng quốc gia có thể cung cấp", bà Lambrecht phát biểu trên kênh NTV.

Bà cho biết thêm, Đức sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng các xe tăng Panzerhaubitze 2000 do Đức sản xuất (được cho là do Hà Lan chuyển tới).

Cũng trong ngày 21/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo đã cho phép bổ sung viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ mới sẽ có cả vũ khí hạng nặng, 144.000 viên đạn và máy bay do thám chiến thuật.

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ bổ sung viện trợ trực tiếp 500 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp chính phủ nước này tiếp tục các hoạt động quan trọng như trả lương cho nhân viên chính phủ, trang trải quỹ hưu trí và các chương trình khác cần thiết để cuộc khủng hoảng nhân đạo không tồi tệ thêm. 

Theo quan chức trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ thông báo về việc này trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal và Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenko trong ngày 21/4. Cuộc gặp cũng có sự tham gia của Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo.

Thủ tướng Shmyhal hiện đang ở Washington để tham dự Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự kiến ông cũng sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Sau đó, ông sẽ có bài phát biểu tại một sự kiện do WB tổ chức về nhu cầu tài chính của Ukraine.

Thông báo về kế hoạch bổ sung viện trợ của Mỹ cho Ukraine được đưa ra sau khi các Bộ trưởng Tài chính nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) ngày 20/4 thông báo cung cấp và cam kết viện trợ bổ sung cho Ukraine trị giá 24 tỷ USD cho năm 2022 và sau đó nữa, đồng thời cam kết sẽ tăng nếu cần. Được biết, viện trợ quốc tế cho Ukraine trong thời gian từ năm 2014 đến 2021 đã lên tới 60 tỷ USD.

Mỹ cấm tàu Nga cập cảng, Nga cấm đi lại với nhiều nhân vật cấp cao của Mỹ

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Biden dự kiến thông báo Mỹ cấm các tàu của Nga cập cảng Mỹ. Nhà Trắng sẽ công bố chi tiết việc này.

Các nguồn tin cho biết, trong năm 2021, các tàu của Nga đã có khoảng 1.800 lần cập cảng Mỹ, chiếm phần nhỏ trong lưu lượng giao thông hàng hải nói chung. Do đó, chính quyền của Tổng thống Biden đánh giá việc cấm tàu Nga cập cảng sẽ không ảnh hưởng lớn đến các chuỗi cung ứng của Mỹ.

Ngày 1/3, Canada đã cấm toàn bộ tàu của Nga cập cảng nước mình và đi qua các vùng biển của Canada. Trước đó, Mỹ đã cấm máy bay của Nga bay qua không phận Mỹ.

Ở phía ngược lại, Nga đã thông báo áp đặt cấm đi lại đối với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg và 27 nhân vật nổi tiếng khác người Mỹ, nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt chống Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, lệnh cấm đi lại cũng áp dụng với các quan chức Lầu Năm Góc, các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và các nhà báo Mỹ. Lệnh này sẽ có hiệu lực "vô thời hạn".

Minh Hoa (t/h)