Gia đình

Uẩn khúc sau những hằn học nhìn từ vụ bố đánh đập dã man 3 con nhỏ

“Những đứa trẻ ấy đang trưởng thành trong đau đớn khi phải sống với một ông bố bạo lực. Chúng ta đừng cho mình cái quyền làm cha mẹ để dồn những bức xúc lên con trẻ. Đây là hành vi cần lên án mạnh mẽ và xử lý thật nghiêm”, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt khẳng định.

Con sợ hãi mỗi khi nhìn thấy bố

Sự việc một ông bố tại Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) bạo hành 3 con nhỏ gây bức xúc dư luận. Đau xót hơn khi những đứa trẻ này cho biết, chúng bị bố đẻ bạo hành nhiều lần nếu làm sai hoặc không vừa ý bố bất kỳ việc gì. Chính mẹ của những đứa trẻ này cũng khẳng định các con nhiều lần bị bố đánh, nhất là mấy cháu lớn, cứ vớ được cái gì là ông bố đánh không tiếc tay.

Liên quan đến sự việc này, PV đã có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Bà Ninh Thị Hồng cho biết: “Khi đọc được tin này tôi rất bức xúc và thấy đau xót. Chỉ là một lỗi nhỏ của cô con gái khi đi học về muộn mà bị đánh. Không những vậy, người bố này còn hành hạ vợ con nhiều lần và kéo dài.

Tại sao một người bố lại tàn ác với chính con đẻ của mình như vậy. Một người bố đáng lẽ ra phải giúp con mình, hướng dẫn con trong quá trình trưởng thành nhưng ông bố này lại làm điều ngược lại. Chắc hẳn những đứa trẻ đó đã phải chịu tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần trong suốt thời gian qua. Chúng luôn sợ hãi mỗi khi nhìn thấy bố mình”.

Các cháu nhỏ sợ hãi khi kể lại sự việc thường xuyên bị bố đánh đập.

Cũng theo bà Hồng, ông bố này đánh đập con tuy không gây thương tích để quy kết mang tính chất hình sự, nhưng hành động này thật dã man. Hành động vi phạm đạo đức rất nặng cần phải xem xét một cách thật nghiêm túc.

Hơn nữa, chúng ta cũng cần tìm hiểu rõ về quá trình ông bố ở địa phương, hành hạ con liên tiếp như vậy thì xã, phường có biết hay không? Trước đó đã có biện pháp xử lý gì hay chưa? Xã đã gọi ông bố này lên để chấn chỉnh, xử phạt, răn đe chưa? Và sự thực ông bố là người như thế nào? Đó là những câu hỏi mà bà Hồng đặt ra đối với các cơ quan chức năng ở địa phương, nơi ông bố hành hạ các con liên tiếp.

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình

Phân tích nguyên nhân thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những sự việc bố mẹ, người thân hành hạ con trẻ, bà Hồng cho rằng, mỗi một vụ việc đều có những nguyên nhân khác nhau: “Đúng là thời gian qua những câu chuyện bạo hành trẻ em xảy ra liên tục và gây bức xúc dư luận. Như trường hợp bố mẹ không thể chung sống, họ ly hôn, ngay sau đó bố lấy vợ nữa, khi đứa trẻ ở với bố lại bị chính bố đẻ và dì ghẻ hành hạ.

Có những bà mẹ, vì cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nên đã quay ra đánh đập con cái không thương tiếc. Hoặc cuộc sống gia đình có nhiều bất hòa về tình cảm, công việc, tiền bạc sau đó những người làm cha làm mẹ đã dồn bức xúc lên con trẻ. Tôi nghĩ đây là điều hết sức không nên và cần lên án mạnh mẽ. Vì điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai, sự phát triển nhân cách của những đứa trẻ”.

Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Bà Hồng cho biết thêm, những vụ bạo hành trẻ nhỏ không rơi vào các gia đình lớn tuổi mà thường tập trung vào một vài gia đình còn trẻ. Họ đang trong quá trình vừa kiếm tiền vừa lo cuộc sống gia đình. Thậm chí, nhiều đôi còn vội vàng kết hôn để rồi khi về chung sống họ không hiểu nhau, sinh ra nhiều thói hư tật xấu. Lúc ấy, con cái chính là bình phong để cha mẹ dồn mọi hằn học lên.

Để giải quyết tình trạng này, bà Hồng cho rằng cần phải có giải pháp căn cơ và chủ động hơn nữa. Nhưng trước hết, các cặp đôi trước khi về chung sống với nhau phải xác định được cuộc sống gia đình của mình ra sao để sinh ra những đứa con, nuôi dạy chúng khôn lớn trưởng thành, sống trong sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ. Cần tăng cường trang bị kiến thức nền tảng văn hóa gia đình không chỉ cho trẻ nhỏ mà còn cho chính bố mẹ để hiểu hơn về vai trò của gia đình.

“Đối với những sự việc bạo hành trẻ nhỏ, xã hội phải có trách nhiệm, thế nhưng trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về gia đình”, bà Hồng cho hay.

Xem video: Đừng dồn những hằn học, bức xúc lên con trẻ

Mai Thu