Dân sinh

Uẩn khúc phía sau những gốc lan đột biến giá bạc tỷ

Sau thương vụ giao dịch lan lên đến 6,8 tỷ đồng vừa hoàn tất tại Đà Nẵng đã hé lộ cuộc chơi bạc tỷ của những người mê lan và cả những đồn đoán uẩn khúc phía sau những gốc lan đột biến.

Những thương vụ lan bạc tỷ gây chấn động

Lan đột biến là cây bình thường nhưng đột biến gene nên biến đổi về màu sắc của bông hoa. “Quan trọng nhất ở kết cấu bông (cánh, lưỡi), màu sắc bông, mắt bông và thùy bông, từ đó được giới chơi phân tích, định hình một giá trị nhất định. Với lan rừng, đặc biệt là lan đột biến thì không thể nói trước được giá cả, mà theo thị hiếu của thị trường và độ quý hiếm của cây, cây độc quyền và bán bản quyền (bán đứt cả cây) thì giá sẽ rất cao. Với các dòng đột biến, giá giao dịch bình thường từ vài triệu đến vài chục triệu cho 1 cm thân, một mầm nhỏ đã vài chục triệu đồng và một giao dịch vài trăm triệu là bình thường xảy ra hằng ngày, rồi tiền tỷ cũng không còn hiếm nữa”, anh Vũ Huy Hoàng, chủ vườn lan Hương Rừng (TT.Liên Nghĩa, H.Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết.

Cách đây vài năm, khi công nghệ cấy mô tràn lan, giá trị cây lan đột biến cũng bị ảnh hưởng và xuống thấp. Theo giới chơi lan, hoa lan có 2 loại: đột biến toàn phần (Var-albar, một bông trắng tinh) và bông đột biến một phần (Var Sermi-albar, cho hoa có “mắt” với màu sắc). Một bông lan đột biến đẹp cần đạt các yếu tố: Khuôn hoa phải cân đối, cánh bầu, cánh sáp, vai ngang, “họng” sạch, “thùy” sạch, “mắt” xước và không lem, “mũi” trắng... Tất cả yếu tố như vậy có trong một bông hoa sẽ được đánh giá rất cao.

Nhóm thực hiện cuộc giao dịch lan Giã hạc 6,8 tỷ đồng.

Ngày 25/9, câu lạc bộ hoa lan đột biến Sông Hàn (Đà Nẵng) đã thực hiện giao dịch mua gốc lan Giã Hạc 5 cánh trắng từ một chủ nhân ở Ninh Thuận với giá 6,8 tỷ đồng.

Anh Vũ Anh Truyền, chủ nhiệm câu lạc bộ hoa lan đột biến Sông Hàn cho biết, cây lan Giã Hạc 5 cánh trắng này ở phía bắc gọi là lan Phi Điệp vốn thuộc về một người yêu lan ở La Gi (Ninh Thuận). Theo anh Truyền, bông lan 5 cánh trắng của cây này được đánh giá độc đáo nhất Việt Nam, được giới chơi lan cả nước biết đến. Ngay khi tận mắt thấy bông lan Giã Hạc này, anh em trong câu lạc bộ đã quyết tâm mua bằng được để đưa về TP. Đà Nẵng.

Đây không phải là phi vụ giao dịch mua gốc lan tiền tỷ duy nhất. Trước đó, ngày 18/8, một “đại gia” ở Hòa Bình mua cây lan Giã Hạc có tên Bảo Duy với giá 2,7 tỷ đồng. Vào tháng 7 vừa qua, ông H.V.L (trú Thừa Thiên-Huế) thực hiện thương vụ mua lan 5 cánh trắng Giã Hạc với giá 700 triệu đồng cho một người chơi lan ở Hải Phòng; sau đó, người này chuyển nhượng cho một khách hàng khác với giá 1,1 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Nghệ An, một người dân ở khối 8, TT.Kim Sơn (H.Quế Phong) bán một giò phong lan cho người chơi lan ở tỉnh Hải Dương với giá 600 triệu đồng.

Uẩn khúc phía sau những gốc lan đột biến giá tiền tỷ

Trong cơn sốt lan đột biến, giới chơi lan liên tục chứng kiến các vụ mua bán lan với giá trị chưa từng có, cứ vụ mua bán sau lại có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần vụ trước khiến không ít người hoài nghi về giá trị thật của loài lan được cho là độc lạ và hiếm này.

Bông hoa lan Giã hạc.

Trước nghi vấn thương vụ Giã hạc Tuyên Võ có giá “khủng” 6,8 tỷ đồng chỉ là một vụ chuyển nhượng “ảo” nhằm tạo cơn sốt. Ông Nguyễn Phi Hùng, thành viên CLB hoa lan đột biến Sông Hàn khẳng định các thành viên CLB không bất ngờ. “Những người không chơi, không am hiểu lan thì dù cây này bán với giá 100.000 đồng họ cũng không mua. Ý kiến trái chiều xuất phát từ những thành phần này. Chúng tôi chơi vì đam mê chứ không vì dư luận”, ông Hùng chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh Việt Nam thông tin với Vnexpress, phong lan Giã hạc có nhiều loại và rất khó phân biệt. Một đặc điểm khiến nó được nhiều người yêu thích là có nhiều mặt bông khác nhau, vì thế, người chơi luôn cố gắng tìm kiếm sự độc đáo, đẹp lạ ở từng mặt bông khác nhau.

Lý giải vì sao cây có thể đắt đến vậy, ông Tiến cho biết, các loại Giã hạc trên thị trường hiện nay chủ yếu là hàng nhân tạo, do các nhà vườn tiến hành thuần hoặc nhân giống và tự đặt tên. Còn Giã hạc rừng hầu như đã tuyệt chủng. Để tìm được cây, dân chơi phải sang tận Lào, Campuchia hay các vùng có nhiều rừng để săn lùng, vì thế, những cây này được xem là hiếm, giá bán được tính theo từng cm cây hay độ đột biến của bông hoa.

Gốc lan Giã hạc được chiết thành 7 gốc khác.

Theo ông Tiến, gốc hoa mà câu lạc bộ Sông Hàn mua của anh Tuyên thuộc nhóm Giã hạc 5 cánh trắng. “Tôi không chứng kiến cuộc giao dịch, nhưng xem qua hình ảnh trên mạng thì thấy đã đạt được các yếu tố của một bông hoa đẹp”, Tiến sĩ Tiến nói.

Ông cũng khuyên người chơi lan đừng chạy đua theo thị trường khiến giá lan bị đẩy lên cao. “Một cây lan rừng và cây lan công nghiệp rất giống nhau, phải người sành về lan mới phân biệt được, vì thế, đừng vì quá đam mê mà để mình gặp rắc rối”, ông Tiến nói.

Bên cạnh những cuộc giao dịch thật cũng không khó để bắt gặp những cuộc giao dịch “ảo” như anh Nguyễn Thế Hùng - một người đam mê sưu tầm lan ở Hòa Bình thông tin với báo Dân Việt. Anh Hùng cho biết, thị trường phong lan trong những năm gần đây đã bị "thổi" giá khá nhiều khiến cho những người đam mê lan thực sự khó có cơ hội để sở hữu những nguồn lan rừng đột biến quý hiếm.

Anh dẫn chứng câu chuyện mấy tháng trước giới sưu tầm lan rộ lên thông tin một giò lan ở miền Trung được giao dịch thành công với số tiền lên tới 17 tỷ đồng. Với mức giá khủng như vậy khiến anh tò mò lặn lội vào tận trong miền Trung tìm hiểu. Nhưng sự thật lại làm cho anh ngỡ ngàng, bởi đó chỉ là chiêu thổi giá của giới buôn lan.

"Nhiều nhà vườn mua được giò lan đột biến, mặt hoa độc đáo với giá rẻ sau đó tung tin trong giới chơi lan về việc có nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng không bán. Đồng thời, họ còn thuê người tìm đến hỏi mua chính giò lan đó với giá hàng tỷ đồng. Giao dịch được xác nhận, tiền thật, lan thật nhưng ít ai biết được số tiền này lại là của chính người bán. Còn cây lan sau một thời gian lại được quay lại với chủ cũ với rất nhiều lý do khác nhau... như cái duyên gắn với giò lan đó nên phải bỏ ra số tiền gấp đôi để chuộc lại", anh Hùng chia sẻ.

Phong Linh (tổng hợp)