Đời sống

U ác sau phúc mạc to nhanh vì tự uống thuốc nam chữa bệnh

Biết có khối u sau phúc mạc nhưng vì sợ phẫu thuật, nam bệnh nhân tự mua thuốc nam về uống. Nửa năm sau bác sĩ chẩn đoán khối u đã tiến triển thành ác tính.

Bệnh nhân là anh C.Đ.S. (38 tuổi, trú tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) phát hiện khối u sau phúc mạc cách đây 6 tháng do bị đau tức bụng, khó chịu. Anh S. được bác sĩ tư vấn nhập viện điều trị, nhưng sợ phải phẫu thuật nên bệnh nhân đã về nhà tự uống thuốc nam với hy vọng khỏi bệnh.

Anh S. cho biết ban đầu mới uống thuốc nam, anh thấy đỡ, không còn đau tức bụng nhưng sau một thời gian, triệu chứng tái phát, tăng nặng rõ rệt, đại tiện khó khăn, bụng đau nhiều, rất khó chịu.

Anh S. trở lại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh kiểm tra khối u. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy khối u xuất phát từ tá tràng đã tăng 2cm, kích thước 8x7,5cm, xâm lấn tá tràng, lân cận có hạch nhỏ. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u ác sau phúc mạc, chỉ định phẫu thuật cắt bỏ u kèm nạo vét hạch.

Kíp phẫu thuật khoa Ung bướu do Ths.Bs Vũ Xuân Kiên, Trưởng khoa và bác sĩ CKI Vũ Đức Nin, Phó khoa phối hợp cùng bác sĩ CKII Trần Ngọc San, Trưởng khoa Gây mê hồi sức tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u sau phúc mạc cho bệnh nhân.

Phẫu thuật viên mở bụng kiểm tra thấy khối u sau phúc mạc vị trí D2 tá tràng, ranh giới không rõ ràng, xâm lấn mạc treo đại tràng, mạc treo ruột non và tá tràng đầu tụy. Các bác sĩ tiến hành phẫu tích bóc tách khối u khỏi các động mạch nuôi và các cơ quan xung quanh một cách thận trọng, cắt khối tá tuỵ do u xâm lấn sâu. Dù là ca đại phẫu, cắt bỏ đồng thời cả u và khối tá tuỵ, song nhờ quá trình mổ bệnh nhân được cầm máu kĩ càng nên lượng máu mất không đáng kể.

Sau 6,5 giờ phẫu thuật căng thẳng, kíp mổ đã lấy trọn vẹn khối u kích thước 8x7,5cm và khối tá tuỵ. Sau mổ 1 tuần, sức khỏe bệnh nhân ổn định, vết mổ liền tốt, sinh niệu ổn, bụng mềm, ăn uống và đi lại được. Hiện bệnh nhân đã xuất viện và được hẹn tái khám sau phẫu thuật.

Mổ mở cắt khối tá tụy là đại phẫu phức tạp nhất trong các phẫu thuật về ổ bụng, hơn nữa ở ca bệnh này còn là khối u ác tính xâm lấn phức tạp. BSCKI Vũ Đức Nin, Phó trưởng Khoa Ung bướu, cho biết:

“Bệnh nhân S. phát hiện khối u sau phúc mạc cách đây 6 tháng, khi đó u kích thước còn nhỏ, chưa xâm lấn các tổ chức xung quanh, nếu mổ ngay thì sẽ bóc tách u dễ dàng mà không phải cắt bỏ các bộ phận khác. Tuy nhiên, bệnh nhân đã về nhà dùng thuốc nam với hy vọng khỏi bệnh và bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất. Khi thăm khám lại khối u đã tăng kích thước, xâm lấn nhiều cơ quan khác trong ổ bụng, buộc chúng tôi phải cắt bỏ u rộng rãi kèm cắt khối tá tuỵ để đảm bảo kết quả điều trị tốt nhất. U lớn, xâm lấn diện rộng, dính nhiều tổ chức lại nằm sâu trong ổ bụng, vì vậy kíp mổ đã phải rất nỗ lực trong thời gian dài để có thể bóc tách khối u ác ra khỏi các mạch máu nuôi dưỡng, dây thần kinh quan trọng. Nguy cơ rò mật, rò tụy sau mổ cũng là những biến chứng vô cùng nguy hiểm, nên bệnh nhân được theo dõi và chăm sóc sau mổ rất chặt chẽ. Bệnh nhân phục hồi tốt ngoài mong đợi, ăn uống và tập đi lại sau vài ngày dù trải qua cuộc đại phẫu nặng nề”.

U sau phúc mạc là những khối u khi khám thấy ở vùng bụng nhưng lại nằm ngoài ổ bụng, phát triển ở trong khoang sau phúc mạc. Loại u này là một trong các loại u hiếm gặp phát triển ở khoang sau của phúc mạc, có tỷ lệ tái phát sau điều trị 50%.

Khối u thường không có nguồn gốc thực sự từ các tạng sau phúc mạc (như thận, tuyến thượng thận, niệu quản…) mà chủ yếu từ các tổ chức liên kết ở xung quanh các tạng này như mỡ, thần kinh. Trong đó, có khoảng 60% u sau phúc mạc là ác tính, thường gặp ở người lớn trên 40 tuổi.

U có xu hướng phát triển về phía ổ bụng nên dễ nhầm với các u trong ổ bụng. Khi khối u phát triển tại vùng bụng, người bệnh sẽ có các biểu hiện như: bụng căng lớn, cảm giác đau, khi ăn có cảm giác mau no hoặc khó tiêu, táo bón hoặc đi tiêu ra máu.

Phẫu thuật cắt triệt để u là phương pháp điều trị duy nhất để đảm bảo khỏi lâu dài.

Tâm lý sợ can thiệp phẫu thuật là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh e ngại khi đến bệnh viện và thường có xu hướng tìm đến thuốc đông y với mong muốn điều trị nhẹ nhàng, hiệu quả. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nin, việc dùng thuốc không rõ nguồn gốc khiến bệnh diễn biến nặng.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần khám sức khỏe định kỳ và khám ngay khi có các triệu chứng như: đau bụng, chướng bụng, tự sờ thấy khối bất thường vùng bụng…, tránh phát hiện bệnh muộn, gây nhiều khó khăn trong việc điều trị bệnh triệt để.

Minh Hoa (t/h)