Hồ sơ doanh nghiệp

Tỷ phú Trần Bá Dương làm chủ tịch, HAGL Agrico chưa thoát lỗ

Doanh thu mảng trái cây sụt giảm, chi phí tăng cao ăn mòn lợi nhuận khiến HAGL Agrico báo lỗ 129 tỷ đồng trong quý II.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, MCK: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm không mấy khả quan.

Trong quý II, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 252 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu trái cây giảm mạnh tới 53%, chỉ đạt gần 200 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng gần 21 lần, từ gần 3 tỷ tăng lên 62 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí tài chính cũng cao đột biến 138 tỷ đồng (cùng kỳ được hoàn nhập 36 tỷ), trong đó chủ yếu là lãi vay ngân hàng và trái phiếu với gần 121 tỷ đồng.

Như vậy, trong kỳ, cứ 2 đồng doanh thu thì HAGL Agrico phải chi gần 1 đồng để trả lãi vay.

Các chi phí ăn mòn lợi nhuận của công ty khiến HAGL Agrico lỗ ròng 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi sau thuế hơn 7 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, HNG đạt 512 tỷ doanh thu, giảm 56% so với cùng kỳ, báo lỗ gần 123 tỷ đồng.

Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, đại diện HAGL Agrico cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá mua vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói và chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng so với quý I/2021.

Cùng với đó, chi phí nhân công cũng tăng do ảnh hưởng Covid-19 dẫn đến nguồn lao động địa phương bị hạn chế do quy định giãn cách xã hội tại các địa phương có dự án. Chi phí phát sinh cho lao động người Việt tăng cao từ quý II/2021 do quy định về cách ly và kiểm tra phòng ngừa Covid-19 tăng tại cửa khẩu.

Tại thời điểm 30/6/20201, Công ty có thực hiện trích lập dự phòng một số khoản phải thu là 43 tỷ đồng, thanh lý hàng tồn kho trái cây chế biến (IQF) đã sản xuất từ năm 2019.

Mặt khác, sản lượng và doanh thu chưa tăng như kỳ vọng do các vườn cây chuối, dứa, xoài đang trong giai đoạn cải tạo và khắc phục tình trạng thiếu nước, thiếu điện, thiếu phân bón từ cuối năm 2020 chuyển sang, do đó năng suất và chất lượng không thể cải thiện trong thời gian ngắn.

Như vậy, HAGL Agrico đã hoàn thành 27% chỉ tiêu về doanh thu, nhưng còn cách rất xa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 22.828 tỷ đồng, giảm 7,4% so với hồi đầu năm. 

Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tại ngày 30/6 đột biến lên 6.909 tỷ đồng, tăng 125% so với cuối quý I. Theo thuyết minh thì khoản này chủ yếu đến từ phải thu của CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) 6.030 tỷ sau khi mua 4 công ty con từ HAGL Agrico.

Số dư nợ vay tài chính cuối kỳ là hơn 12.000 tỷ đồng, tăng thêm 618 tỷ so với thời điểm đầu năm. Trong đó nợ ngân hàng chỉ chiếm hơn 3.335 tỷ đồng, còn lại là đi vay các tổ chức kinh doanh khác và vay trái phiếu. Chủ nợ lớn nhất cũng chính là Thagrico.

Mới đây, HĐQT của công ty cho biết số tiền HAGL Agrico nợ Thagrico đến ngày 30/6 là gần 7.296 tỷ đồng. Phía Thagrico phải trả cho HAGL Agrico hơn 6.030 tỷ đồng sau khi mua 4 công ty con. Do đó, sau khi cấn trừ thì HAGL Agrico thực chất chỉ còn nợ Thagrico khoảng 1.266 tỷ đồng và tổng nợ của doanh nghiệp cũng dự kiến giảm về còn 7.359 tỷ đồng, chiếm 47% tổng nguồn vốn.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco kiêm Chủ tịch HAGL Agrico cho biết: "Đầu tư vào nông nghiệp là chiến lược phát triển dài hạn của tập đoàn Thaco. Song, đầu tư vào nông nghiệp không thể dùng vốn vay nhiều như những gì HAGL Agrico đã từng làm. Định hướng của Thaco là phải thực hiện tái cấu trúc nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp theo hướng giảm nợ từ các nguồn vốn dài hạn, bền vững hơn…".

Về cơ cấu cổ đông, dù phía Thaco vừa có quyết định dừng không mua thêm cổ phần HNG để hoán đổi nợ như kế hoạch trước đó, nhóm Thaco vẫn đang nắm cổ phần kiểm soát tại HNG với tổng sở hữu là 38,38%. Ngược lại, nhóm cổ đông HAG đã dần hạ tỷ trọng tại HNG, hiện về mức 16,34% vốn.

Về kế hoạch kinh doanh cho quý III/2021, HNG dự kiến sản lượng trái cây đạt 24.586 tấn, tăng 40% so với quý II/2021. Trong đó, chuối đạt 22.453 tấn, dứa 165 tấn. Cùng với đó, HNG dự kiến khai thác 1.500 ha mủ cao su. Tổng doanh thu theo đó dự đạt 353 tỷ đồng.

Để đạt được những chỉ tiêu trên, HNG chủ trương tập trung đầu tư mới hệ thống thủy lợi gồm hệ thống hố thu và trạm bơm chính, hồ chứa nước trung gian và hồ tưới để chuẩn bị phục vụ mùa khô năm 2022. Song song, Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư mới và nâng cấp hệ thống điện, đường dây trung thế, xây dựng đê để ngăn lũ...

Phía HNG cũng thông tin thêm, hiện tiến độ dự án sân bay NongKhang đã hoàn thành 92,34%, tuy nhiên do thực tế phát sinh một số khối lượng công việc so với hợp đồng và do dịch Covid-19 dẫn đến tiến độ chậm hơn so với dự kiến. Công ty cho biết sẽ gấp rút phối hợp với các nhà thầu để sớm hoàn tất dự án và tiến hành bàn giao cho Chính phủ Lào.

Trên thị trường, giá trị cổ phiếu HNG đã liên tục giảm kể từ đầu tháng 7 đến nay, ước tính giảm gần 30%, hiện đứng ở mức 7.800 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 10/8).