Thế giới

Tỷ giá Euro so với USD giảm xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ

Đồng Euro sụt giảm, trong bối cảnh bức tranh năng lượng ngày càng xấu đi và gia tăng rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế.

Đồng Euro đã chìm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ so với đồng USD vào hôm 5/7, trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế khu vực đồng Euro (Eurozone). Lạm phát tại Eurozon trong tháng 6 đã nhảy lên mức kỷ lục mới là tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng Euro giảm 1,1 % so với USD xuống còn 1,0303 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2002 vào lúc 7 giờ 8 phút EDT (18 giờ 8 phút Hà Nội, Việt Nam). So với đồng franc của Thụy Sĩ, đồng Euro giảm 0,74% xuống còn 0,9942 franc, gần với mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Ông Derek Halpenny, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Ngân hàng MUFG, cho biết: “Sẽ rất khó để đồng Euro có thể phục hồi, trong bối cảnh bức tranh năng lượng ngày càng xấu đi và rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế đang gia tăng đáng kể”.

Chỉ số USD đã tăng 1% lên 106,215, mức cao mới trong 2 thập kỷ của đồng tiền này. Trong khi đó, đồng tiền Australia giảm 1% xuống còn 0,6785 so với USD, thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Ngân hàng Trung ương Australia đã trở thành ngân hàng mới nhất nâng lãi suất, với mức tăng thêm 0,5% lần thứ 2 liên tiếp. 

Euro STOXX (STOXX) đã giảm 0,81% xuống còn 3421,91, DAX của Đức (GDAXI) giảm 0,92% xuống còn 12655,26, FTSE 100 của London giảm 0,99% xuống còn 7160,75. Giá vàng giao ngay giảm 0,51% xuống còn 1798,17 USD/ounce, theo Tradingviews.

Tại châu Á, Chỉ số rộng nhất của MSCI về cổ phiếu Châu Á – Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản (MIAPJ0000PUS) đã tăng 0,25% lên 520,49, theo Investing.com. 

Ông Redmond Wong, chiến lược gia thị trường tại Saxo Capital Markets, cho biết các nhà giao dịch sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình lạm phát và tăng trưởng ở các thị trường lớn.

Ông Redmond Wong nhận định: “Những người tham gia thị trường vẫn đang đánh giá tác động của diễn biến giằng co giữa lạm phát đang liên tục ở mức cao và các dấu hiệu cho thấy khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ”.

Những lo ngại về thị trường đã dấy lên tại Hàn Quốc, nơi lạm phát tháng 6 công bố mới đây đã tăng cao nhất trong vòng 24 năm. Lạm phát cao thúc đẩy khả năng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ lần đầu tiên trong lịch sử nâng lãi suất ở mức 0,5% nhằm hạ nhiệt giá cả.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc về các vấn đề kinh tế vào hôm 5/7/2022. Ảnh: The Washington Post.

Thị trường có thể có thời gian nghỉ ngơi ngắn trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nghiêng về quyết định nới lỏng thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.

Vào hôm 5/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có buổi hội đàm trực tuyến về các vấn đề kinh tế. Hai bên cùng thảo luận triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh giá hàng hóa gia tăng và những thách thức về an ninh lương thực.

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen “thẳng thắn” bày tỏ quan ngại về các chính sách kinh tế “không công bằng, phi thị trường” của Trung Quốc và cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định cuộc đàm phán "thực tế và thẳng thắn" đã đề cập đến tình hình kinh tế vĩ mô và sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc bày tỏ quan ngại về thuế quan và các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các công ty nước này, đồng thời cho biết cả 2 bên đồng ý tiếp tục đối thoại.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức gay gắt, việc tăng cường liên lạc và phối hợp các chính sách vĩ mô giữa Trung Quốc và Mỹ có ý nghĩa to lớn"; “Bảo vệ sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phục vụ lợi ích của Trung Quốc, Mỹ và toàn thế giới”.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Aljazeera, Trading Views)