Thủ thuật - Tiện ích

Tuyệt chiêu giúp tủ lạnh nhà bạn vừa tiết kiệm điện vừa bền

Chiếc tủ lạnh có lẽ là thiết bị điện hoạt động nhiều nhất trong mỗi gia đình. Vậy thì làm thế nào để tiết kiệm điện cho thiết bị này?

Lựa chọn tủ lạnh phù hợp với nhu cầu

Có thể nói, tiêu chí người tiêu dùng nên quan tâm đầu tiên khi mua tủ lạnh chính là dung tích. Theo các chuyên gia, căn cứ vào mức sống hiện nay của các gia đình, mỗi người cần trung bình khoảng 40 - 50 lít dung tích.

Điều chỉnh nhiệt độ

Tùy theo thời tiết mà bạn có thể tùy chỉnh tăng giảm nhiệt độ tủ lạnh cho phù hợp. Không nên vặn nhiệt độ ở mức 5 vì rất tiêu hao năng lượng. Vào mùa lạnh, bạn có thể chỉnh độ lạnh xuống mức 3, tăng lên mức 4 vào những ngày nóng để tiết kiệm điện cho tủ lạnh hiệu quả.

Chuyên gia khuyên:

Nhiệt độ ngăn lạnh: 37 độ F – 40 độ F (tương đương 2 độ C – 4 độ C).

Nhiệt độ ngăn đông: 5 độ F (~-15 độ C).

Cách xác định nhiệt độ trong tủ lạnh:

Đối ngăn mát: Đặt 1 nhiệt kế trong 1 ly nước ở trung tâm tủ lạnh, kiểm tra sau 24 giờ.

Đối ngăn đông: Đặt 1 nhiệt kế giữa các thực phẩm đông lạnh, kiểm tra sau 24 giờ.

Hạn chế đóng mở cửa tủ lạnh

Khí lạnh sẽ thoát hơi khi cửa tủ mở, do đó tủ lạnh phải tốn nhiều điện hơn để làm lạnh lại từ đầu. Vậy nên đừng mở tủ lạnh quá lâu và nhớ đóng tủ thật sát.

Không bỏ đồ nóng vào tủ

Thức ăn nóng sẽ làm tăng nhiệt độ trong tủ lạnh và khiến nó phải vận hành với công suất cao hơn. Do đó hãy để món ăn nóng nguội đi trước khi cho vào tủ lạnh.

Dùng chén đĩa bằng thủy tinh hoặc sứ

Thủy tinh và sứ giúp cân bằng nhiệt độ trong tủ lạnh tốt hơn là các hộp đựng thức ăn bằng nhựa. Nhớ đậy nắp để ngăn đọng nước.

Không để đồ ăn dựa sát vào thành trong của tủ

Thường xuyên để thực phẩm tiếp xúc với phía trong cùng của tủ lạnh sẽ làm rau củ dễ bị hỏng, chưa kể là khiến tủ làm lạnh làm việc kém hiệu quả, dẫn đến tốn điện hơn. Hãy chú ý để thực phẩm cách ra một khoảng với phía trong của tủ lạnh.

Tránh các nguồn nhiệt

Hãy cố gắng không để tủ lạnh của bạn gần lò nướng hay những thiết bị tỏa nhiệt, nhất là dưới ánh sáng mặt trời. Bởi vì, những yếu tố đó sẽ làm ấm tủ lạnh nhà bạn, đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động hiệu quả của máy nén tủ lạnh.

Không để tủ lạnh sát tường

Không nên kê tủ lạnh sát tường vì tủ cần có chỗ để tỏa nhiệt, giúp nó làm việc hiệu quả hơn. Chuyện này đặc biệt quan trọng vì hệ thống dây cáp làm lạnh đằng sau tủ cần có không khí mát để làm nguội, nếu không tủ lạnh rất tốn điện và mau xuống cấp.

Quét dọn phía sau tủ

Bộ làm lạnh đằng sau tủ lạnh cần được quét dọn, hút bụi thường xuyên để tránh bụi bẩn làm tắc nghẽn hệ thống. Nếu nhà bạn có nuôi thú cưng thì việc vệ sinh càng phải thường xuyên hơn vì đây là nơi lý tưởng cho lông động vật “trú ngụ”.

Không để tủ lạnh quá trống cũng đừng quá đầy ắp

Tủ lạnh đầy thức ăn sẽ làm lạnh nhanh hơn so với tủ lạnh trống. Nếu tủ lạnh bạn không chứa nhiều đồ, hãy để nhiều chai nước vào làm lạnh trong tủ. Như thế tủ lạnh sẽ hoạt động hiệu quả hơn mà lại ít tốn điện năng.

Quá nhiều thực phẩm trong tủ sẽ ngăn chăn sự lưu thông khí lạnh, dẫn đến làm lạnh kém hiệu quả hơn. Cần tránh chèn đồ ăn vào quạt tỏa hơi lạnh của tủ.

Kiểm tra độ hít của ron cao su

Các ron cao su ở cửa sau một thời gian dài sử dụng có thể bị hỏng hóc, làm tủ bị thoát khí lạnh. Thử nghiệm bằng cách kẹp một tờ giấy vào khe tủ, nếu bạn dễ dàng kéo tờ giấy đi dọc theo khe hở thì ron cao su nhà bạn cần được thay thế. Ngoài ra, cũng cần nhớ vệ sinh chúng thật cẩn thận để tránh bụi bẩn nhé.

Thế Hiệp(Tổng Hợp)