Giáo dục

Tuyển sinh trực tuyến: Hà Nội hết cảnh phụ huynh xếp hàng tới sáng?

Việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm áp lực tuyển sinh trước tình trạng Hà Nội có lượng học sinh đông tăng dần qua các năm.

Để giảm thiểu trình trạng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ mỗi mùa tuyển sinh đầu năm học, vừa qua Sở GD&ĐT Hà Nội đã có yêu cầu các trường THPT tư thục áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến, bảo đảm rà soát, hoàn thiện các điều kiện tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ sớm để triển khai hiệu quả, thuận lợi cho học sinh, gia đình học sinh.

Với những sự thay đổi này, chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết: “Việc số hoá hoạt động tuyển sinh là xu hướng chung của các trường trong những năm gần đây. Thông qua tuyển sinh trực tuyến đã giảm bớt việc đi lại của cha mẹ học sinh. Ở những năm trước đã có trường thực hiện tuyển sinh 100% trực tuyến nhưng vẫn có cơ sở kết hợp trực tuyến và trực tiếp”.

Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.

Theo ông Bình để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học 2024 – 2025, theo chỉ đạo của ngành giáo dục về đổi mới cách thức tuyển sinh là phù hợp, “chuyển đổi số ngành giáo dục cũng là một trong những năm học có nhiệm vụ trọng tâm, việc nhanh chóng thực hiện trực tuyến giúp giảm bớt quy trình thủ tục hành chính”, ông Bình bày tỏ.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật cũng có khó khăn nhất định khi các trường cần phải chuẩn bị phần mềm, trang bị máy móc, thêm nguồn nhân lực theo đúng quy trình để đảm bảo hiệu quả.

Ông Nguyễn Quốc Bình cho biết: “Có những trường nền tảng kỹ thuật chưa tốt nhưng với việc triển khai nhanh từ đầu năm học thì các trường cũng có thời gian dài về công tác chuẩn bị hạ tầng, kỹ thuật con người từ đó đáp ứng nhu cầu tuyển sinh cho những năm học tiếp theo”.

Chia sẻ thêm về phương án tuyển sinh, đại diện Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh hiện nhà trường vẫn đang chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT và chủ động xây dựng và cung cấp thông tin dự kiến về chỉ tiêu, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy, kết quả dạy học các điều kiện khác, dự kiến số lượng chỉ tiêu, dự kiến xây dựng tổ hợp môn học để phụ huynh tìm hiểu.

Hình ảnh phụ huynh xếp hàng mỗi mùa tuyển sinh (Ảnh: Hữu Thắng).

Là trường ở khu vực ngoại đô, Trường THPT Kinh Đô, Đông Anh, Hà Nội cũng đã sớm triển khai kết hợp hai hình thức tuyển sinh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Hữu Niềm – Hiệu trưởng Trường THPT Kinh Đô cho biết: “Với điều kiện về kỹ thuật như hiện nay, việc tuyển sinh trực tuyến sẽ không quá khó khăn với các trường, điều này cũng phù hợp với thực tiễn”.

Tuy nhiên, theo ông Niềm do là trường ở quận ngoại thành, áp lực tuyển sinh không cao nhà trường cũng không quá lo lắng tình trạng quá tải, việc xây dựng hai cách thức xét tuyển phần lớn nhằm tạo điều kiện tối đa cho phụ huynh và học sinh.

Cũng bày tỏ đồng tình với sự thay đổi mới, nhưng TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam đánh giá việc xây dựng tuyển sinh trực tuyến sẽ không quá khó khăn với các trường top, có sự quan tâm của phụ huynh nhiều năm nay, nhưng với cơ sở giáo dục khác sẽ cần có thời gian chuẩn bị.

“Việc áp dụng công nghệ thông tin là phù hợp, tuy nhiên vẫn cần có triển khai thực tế mới thấy được những bất cập để có sự điều chỉnh”, TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, đơn vị sẽ thành lập đoàn trực tiếp đi kiểm tra điều kiện tuyển sinh của tất cả các trường. Nếu phát hiện trường nào không bảo đảm điều kiện để tuyển sinh, không có phương án tuyển sinh trực tuyến, Sở sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025.

Trước đó, đầu tháng 7/2023, Hà Nội liên tiếp diễn ra cảnh tượng hàng trăm người ngồi xuyên đêm hoặc xếp hàng trong trạng thái nhễ nhại mồ hôi vì nắng nóng để nộp một bộ hồ sơ cho con vào các Trường THPT Hoàng Cầu, THPT Phan Huy Chú, THCS – THPT Tạ Quang Bửu.

Giải pháp tuyển sinh trực tuyến tại 100% trường THPT được kỳ vọng sẽ góp phần giảm áp lực trong công tác tuyển sinh, thuận tiện cho phụ huynh.