Giáo dục

Tuyển sinh đại học 2023: Nhiều lựa chọn cho thí sinh

Các trường đại học trên cả nước đang tích cực triển khai các bước thực hiện công tác tuyển sinh năm 2023. Dự kiến có một số thay đổi, tạo thuận lợi cho thí sinh.

Không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển 

Tính đến cuối tháng 1, đã có hơn 30 cơ sở đào tạo trên cả nước công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2023. Thông tin từ đề án của các trường và định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, kỳ tuyển sinh đại học năm nay có nhiều điểm mới, tạo thêm thuận lợi cho thí sinh trong đăng ký, tham gia xét tuyển và được bảo đảm quyền lợi tốt nhất. Tuy nhiên, các thí sinh không nên chủ quan, mà cần thường xuyên cập nhật, ghi nhớ những điểm mới để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Theo Bộ GD&ĐT, về cơ bản công tác tuyển sinh năm 2023 sẽ được giữ ổn định như năm 2022. Tuy nhiên, sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, giao diện… trên phần mềm của Hệ thống tuyển sinh chung để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc đăng ký xét tuyển và hạn chế tối đa nhầm lẫn của thí sinh.

Năm nay kế hoạch tuyển sinh tổng thể sẽ được thiết kế với lịch trình sớm hơn năm 2022. Cụ thể, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023. Trong đó ngày 27/6 thí sinh làm thủ tục dự thi. Ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi. Bộ cũng dành ra ngày 30/6 để dự phòng.

"Năm nay Bộ công bố đề minh họa vào đầu tháng 3, thay vì cuối tháng 3 như năm ngoái để học sinh yên tâm học", PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT nói hôm 28/2.

Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.

Trước thông tin các điều chỉnh về quy chế tuyển sinh năm 2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thuỷ cho hay: Việc điều chỉnh về quy chế tuyển sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, tránh nhầm lẫn; đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh trong tuyển sinh.

“Nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, trong kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh. Các nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nói.

Chia sẻ xoay quanh Kỳ tuyển sinh Đại học năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh tiếp tục được hưởng nhiều quyền lợi, như không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển Đại học; có thể điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển trong thời hạn đăng ký xét tuyển...

Do hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT chỉ cho phép thí sinh trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất, không có việc trúng tuyển vào nhiều trường hoặc đỗ vào nguyện vọng đứng sau. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo, thí sinh không nhất thiết đăng ký quá nhiều nguyện vọng mà cần căn cứ vào định hướng nghề nghiệp, thế mạnh của bản thân và năng lực để đăng ký theo thứ tự ưu tiên.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa.

Thí sinh có nhiều “cửa” vào đại học

Năm nay có nhiều “cửa” khi các trường đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh xét tuyển học bạ, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả học tập, xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT…

Các trường đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh, như: Xét tuyển học bạ, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả học tập, xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông… Đáng chú ý, các trường vẫn duy trì phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng tỷ lệ chỉ tiêu giảm hơn năm trước. Theo dự kiến, Trường Đại học Kinh tế quốc dân giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 35% còn 25%; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dành từ 20% đến 30% chỉ tiêu cho phương thức này…

Kỳ tuyển sinh năm 2023 có nhiều thuận lợi cho thí sinh hơn, khi có thêm các trường công bố tổ chức kỳ thi riêng và công nhận chéo kết quả thi của nhau để tuyển sinh. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của đơn vị dự kiến tổ chức 8 đợt thi, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 với 17 địa điểm thi. Thí sinh đăng ký dự thi từ tháng 2 và có thể chuyển đổi kết quả bài thi đánh giá năng lực giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp.HCM. Năm 2022, cả nước có hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển đại học. Năm nay, có thêm nhiều trường đại học phía Nam dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh.

Thí sinh cần lưu ý, các trường vẫn duy trì phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng tỷ lệ chỉ tiêu của một số trường giảm hơn năm trước. Tuy nhiên, với các kỳ thi riêng do các trường ĐH tổ chức, kết quả sẽ được nhiều trường áp dụng để tuyển sinh, thậm chí một số trường cho biết sẽ công nhận chéo kết quả thi của nhau để phục vụ tuyển sinh, tạo thuận lợi cho thí sinh chỉ cần thi 1 bài thi nhưng có thể xét tuyển vào nhiều trường.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay Bộ tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng là thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023.

Riêng các thí sinh là người học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước; những người đã có bằng tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển (thí sinh tự do) thực hiện đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT (nếu có) trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do sở GD&ĐT quy định.

Bộ GD&ĐT cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tổ chức thi, đặc biệt là việc đăng ký dự thi trực tuyến đã mang lại rất nhiều lợi thế cho cả thí sinh, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, riêng việc tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%) đã tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho người dân.

Lưu ý cách tính mới về cộng điểm ưu tiên

Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ không còn được cộng tối đa, mà được xác định theo công thức giảm tuyến tính.

Việc thay đổi trong tính điểm ưu tiên này, theo Bộ GD&ĐT, nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.

Cụ thể, mức điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định bằng công thức:

Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Như vậy, đối với các em đạt từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Trúc Chi (theo Đại Đoàn Kết, Hà Nội Mới, Nhân Dân)