Giáo dục

Tuyển sinh đại học 2022: Nhiều ngành nỗ lực hết mình nhưng vẫn "trắng'' người học

Năm nay, ngành công nghệ thông tin là một trong những ngành thu hút nhiều thí sinh. Bên cạnh đó, có một số ngành ghi nhận tình trạng "trắng" thí sinh.

Một số ngành không có người học

Kỳ tuyển sinh đại học 2022, có những ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều nhưng cũng vài ngành chỉ lác đác chưa đến 10 thí sinh, thậm chí là "trắng'' thí sinh. Tình trạng này diễn ra ở một số trường đại học ở Quảng Nam, Quảng Bình, Phú Yên, Kiên Giang, Khánh Hòa, Tây Nguyên... Có thể thấy, những ngành khó tuyển sinh thường có 2 đặc điểm nổi bật. Đó là thuộc các trường “đóng đô” ở ngoại tỉnh và thường là các ngành truyền thống của trường đã có lịch sử đào tạo khá dài.

Thực trạng khó tuyển sinh ở một số ngành, một số trường diễn ra đã lâu. Thời gian gần đây, các trường càng gặp nhiều khó khăn hơn khi nhiều thí sinh không lựa chọn đại học để tiếp tục học tập, lập nghiệp. Cụ thể, tại trường Đại học Tân Trào các ngành Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế đầu tư, Tâm lý học không có thí sinh nào trúng tuyển đợt 1. Bên cạnh đó, nhà trường xét tuyển bổ sung nhưng kết quả vẫn không tuyển được thí sinh nào cho các ngành này.

Một số ngành có thí sinh trúng tuyển đếm trên đầu ngón tay như Chính trị học, Lâm sinh, Sư phạm Sinh học, Chăn nuôi, Quản lý văn hóa, Khoa học cây trồng, Công tác xã hội, Quản lý đất đai. Năm nay, thậm chí có những ngành đang thiếu nhân lực như Giáo dục mầm non nhưng số lượng thí sinh trúng tuyển đợt 1 không nhiều. Trường đại học Tân Trào phải tuyển bổ sung 315/350 chỉ tiêu.

Trường đại học Tây Nguyên có 4 ngành không có thí sinh nào trúng tuyển gồm Sinh học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ sau thu hoạch, Quản lý tài nguyên rừng. Nhiều ngành khác có số thí sinh trúng tuyển đợt 1 rất ít như ngành Lâm sinh, đợt 1 có 3 thí sinh đến nhập học. Hay như khối ngành nông lâm nghiệp, chăn nuôi có 6 hồ sơ nhập học. Khá hơn một chút là ngành Khoa học cây trồng có 17 thí sinh đến nhập. Mới đây, Hội đồng Tuyển sinh Trường đại học Tây Nguyên thông báo tiếp tục tuyển sinh đợt 3, năm 2022 với 513 chỉ tiêu của 22 ngành.

Kỳ tuyển sinh này các ngành Kinh tế nông nghiệp, Khoa học cây trồng, Kỹ thuật xây dựng Trường đại học Hà Tĩnh dù xét tuyển nhiều phương thức nhưng không có thí sinh trúng tuyển, một vài ngành chỉ có 1, 2 thí sinh.

Tương tự, ngành Khoa học vật liệu của Trường đại học Quy Nhơn cũng chỉ có hai thí sinh trúng tuyển nên trường quyết định dừng mở ngành năm nay, vận động thí sinh chuyển sang ngành khác.

Ảnh minh họa.

Có nên tiếp tục tuyển sinh bổ sung?

Trước thực trạng một số ngành tuyển mãi vẫn không có thí sinh học, ông Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường đại học Tây Nguyên cho biết, có một số ngành của trường tuyển sinh khá khó khăn trong nhiều năm qua. Có ngành không tuyển được hoặc chỉ tuyển được vài thí sinh. Trong số này có một số ngành khá gần nhau. Chẳng hạn trước đây trường tuyển sinh ngành quản lý tài nguyên rừng và môi trường nhưng danh mục mã ngành chỉ có ngành quản lý tài nguyên rừng, quản lý tài nguyên môi trường nên ngành này tách ra thành hai ngành...

"Thí sinh thay vì chọn công nghệ sau thu hoạch sẽ chọn công nghệ thực phẩm, chọn lâm nghiệp thay vì quản lý tài nguyên rừng vì cơ hội việc làm rộng hơn. Mặc dù số lượng thí sinh trúng tuyển một số ngành rất ít nhưng trường vẫn phải đào tạo vì đó là nhiệm vụ", ông Nam lý giải.

Ông Nam nhấn mạnh, sau đợt tuyển sinh năm nay, trường sẽ xem xét lại trước khi quyết định có tiếp tục tuyển sinh các ngành không tuyển được hay không. Bởi, ngành đó gần với các ngành khác thì dồn nguồn lực cho các ngành còn lại.

Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học Quy Nhơn chia sẻ, 3 năm liên tiếp trường không đào tạo ngành khoa học vật liệu vì không có sinh viên. Năm nay, ngành này chỉ có hai thí sinh trúng tuyển nên trường vận động thí sinh chuyển sang ngành khác, tiếp tục ngừng đào tạo.

Những lưu ý xét tuyển bổ sung đại học

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu sau xét tuyển đợt 1 được tiếp tục tuyển sinh các đợt bổ sung (căn cứ theo số lượng chỉ tiêu còn lại sau khi đã trừ số lượng chỉ tiêu theo nội dung tại quyết định xử lý vi phạm hành chính - nếu có).

Các cơ sở đào tạo tuyển bổ sung sẽ cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học các đợt, phương thức xét tuyển, các hình thức đào tạo theo đúng cấu trúc dữ liệu, đúng quy định trong các danh mục về tuyển sinh (trường phổ thông, xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn...) và đúng thời gian quy định vào hệ thống.

Đối với những thí sinh trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nhưng sơ suất không đăng ký thành công trên hệ thống, Bộ GD&ĐT cho biết, các cơ sở đào tạo có thể xét tuyển bổ sung ngay như đối tượng đã đăng ký xét bổ sung.

Từ ngày 18/9 đến trước 17h ngày 30/9, thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Từ ngày 1/10, cơ sở đào tạo có thể thông báo tuyển sinh đợt bổ sung. Từ tháng 10 đến tháng 12/2022, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

Trước ngày 31/12, cơ sở đào tạo phải báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2022 về Vụ Giáo dục đại học.

Ngay sau khi kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên vào ngày 30/9, một số trường đại học tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2 năm 2022. Theo quy định trong quy chế tuyển sinh, điểm chuẩn xét tuyển đợt bổ sung không thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển đợt 1. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cũng chưa thể dự báo được mức điểm chuẩn đợt này bởi còn tùy thuộc vào lượng hồ sơ và điểm của các thí sinh đăng ký xét tuyển.

Khác với đợt 1, trong đợt xét tuyển bổ sung này, thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào phải đăng ký trực tiếp với trường đó chứ không qua hệ thống chung. Vì thế, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về chỉ tiêu, điểm "sàn" của các trường, ngành để thực hiện đúng hướng dẫn và yêu cầu của mỗi trường.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học, cả nước có 567.018 thí sinh trúng tuyển, trong tổng số 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung (91,4%); tính đến 17h ngày 30/9, có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống (81,7% số thí sinh trúng tuyển).

Các năm trước, tỉ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.

Nhiều chuyên gia khuyên thí sinh dự định nộp vào trường nào cần đến tận nơi tìm hiểu hoặc vào website của trường để tra cứu thông tin.

Khi xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn những ngành, những trường như xét tuyển đợt 1 bởi chỉ có ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường mới công bố xét tuyển bổ sung.

Trước đó, trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Làm gì nếu không trúng tuyển đợt 1" được Báo Thanh Niên tổ chức vừa qua, ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Tài chính Tp.HCM, tư vấn, thí sinh nên chú ý khoảng cách an toàn là 3 điểm.

Theo đó, các em nên tìm hiểu, đối sánh với điểm trúng tuyển vào ngành đó của đợt 1 và điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ để tiến hành lựa chọn tùy theo phương thức xét tuyển. Thí sinh cũng nên đăng ký vào ngành mong muốn nhất và ngành gần với ngành đó.

Các em cần vào trang web của các trường để theo dõi từng ngày, từng giờ, bởi thông tin càng về cuối càng được cập nhật.

Trúc Chi (theo Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên)