Giáo dục

Tuyển sinh đại học 2021: Khuyến khích các trường thi riêng theo nhóm

Theo đại diện các trường đại học, phương án tuyển sinh đến năm 2025 cơ bản ổn định như năm nay, từng bước tiến đến tổ chức thi trên máy tính.

Khuyến khích thi riêng theo nhóm trường

Tại hội nghị trực tuyến về giáo dục đại học do bộ GD&ĐT vừa tổ chức, những đề xuất định hướng tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 đã được trao đổi.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) - cho biết, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2021-2025 bảo đảm phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu thế chung thế giới về phát triển giáo dục đại học.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT).

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 vẫn giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như 2020. Tiếp tục tổ chức thi THPT trên giấy, từng bước tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện, tiệm cận dần với tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định. Cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau, thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhiều hình thức, nhiều nguyện vọng.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng trường đại học Y Hà Nội - cho rằng, có ít nhất 50% chỉ tiêu của các trường dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chứng tỏ đây vẫn là kỳ thi quan trọng với tuyển sinh của các trường, đỡ tốn kém và vất vả cho cả thí sinh và nhà trường. Vì thế, ông nhận định: “Định hướng này là đúng đắn vì chuyển đổi cần nhiều thời gian. Các kỳ thi vừa qua đang ổn định và ngày càng tốt hơn. Nếu chúng ta làm tốt hơn nữa sẽ là sự đảm bảo cho tuyển sinh của các trường trong những năm tới”. Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, năm 2021, việc tuyển sinh của trường đại học Y Hà Nội cơ bản vẫn giữ như năm 2020 và chủ yếu dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thứ trưởng bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến về giáo dục đại học.

PGS.TS Nguyễn Quang Linh - Giám đốc đại học Huế - thì bày tỏ mong muốn tăng cường công tác giám sát để đảm bảo chất lượng kết quả kỳ thi.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung, tích hợp các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng lưu ý, các trường cần tăng cường công tác tư vấn truyền thông, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, sát thực, nhất quán đối với thí sinh.

Cần sớm có trung tâm khảo thí độc lập

Tới đây, cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp từng bước vào cổng dịch vụ công quốc gia, tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.

Theo Quyết định 411 phê duyệt danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia, từ năm học 2021 thí sinh phải đăng ký thi tốt nghiệp THPT trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo đó, bộ GD&ĐT sẽ có nhiệm vụ: Đưa việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy lên cổng dịch vụ công quốc gia.

Nhằm tăng vai trò tự chủ và trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, đại diện các cơ sở giáo dục đại học đề xuất và bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường, đồng thời chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập các trung tâm Khảo thí độc lập. 

Cụ thể, bà Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch hội đồng trường đại học Ngoại thương Hà Nội - ủng hộ phương án tuyển sinh 2021 là ổn định, đặc biệt sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Tuy nhiên, theo bà Thủy, để nâng cao chất lượng tuyển sinh, tiến tới cần có trung tâm Khảo thí độc lập, giúp các trường xét tuyển nhiều đượt trong năm như các nước trên thế giới đã làm.

Các ý kiến thảo luận trong hội nghị trực tuyến.

Đồng quan điểm này, đại diện một số trường đại học cũng nêu ý kiến, để giữ tuyển sinh đại học ổn định, thì trong thời gian này, bộ GD&ĐT và các trường cần tích cực chuẩn bị cho việc thành lập trung tâm Khảo thí độc lập để trong tương lai các trường có thể xét tuyển nhiều đợt trong năm, và việc thi đại học cho người học cũng dễ dàng hơn.

Bộ GD&ĐT cho biết theo lộ trình từ năm 2021 đến năm 2025, việc tuyển sinh đại học sẽ đi theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi riêng để tuyển sinh; hình thành trung tâm Khảo thí độc lập với ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa thi trên máy tính.

Liên quan đến vấn đề tuyển sinh, đại diện đại học Đà Nẵng đưa ra đề xuất: Bộ GD&ĐT nên bỏ việc cho thí sinh thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm do trước đó các em đã được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên việc điều chỉnh là không cần thiết, gây kéo dài thời gian tuyển sinh. Tâm lý thí sinh không ổn định do băn khoăn chọn trường sẽ tạo nên bức tranh tuyển sinh lộn xộn trong quá trình xét tuyển.

Mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị 4 trường đại học, gồm: Trường đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, trường đại học Vinh, trường đại học Ngoại thương và trường đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm gửi nhận văn bản điện tử, thanh toán học phí trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia, sau đó nhân rộng ra toàn hệ thống.

Thực hiện Luật 34, bộ GD&ĐT đã bước đầu xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu cho giáo dục đại học, phục vụ thống kê ngành và tuyển sinh đại học; các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện cập nhật dữ liệu trên hệ thống. Thứ trưởng bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn yêu cầu, trong năm 2021, cần cơ bản hoàn thiện nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học trong khuôn khổ dự án SAHEP. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ, các cơ sở giáo dục đại học phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ để triển khai cập nhật dữ liệu, đảm bảo đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Cẩm Mịch