Giáo dục

Tuyển sinh 2024: Nhiều ngành mới, hấp dẫn

Hiện, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 với nhiều ngành học mới mở.

Trường đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) dự kiến tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, khóa tuyển sinh đầu tiên sẽ lấy khoảng 50 sinh viên. Cũng thuộc Đại học Đà Nẵng, Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn cho biết, chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn sẽ tuyển sinh 40 chỉ tiêu trong năm 2024. Nhà trường cũng dự kiến chuyển tiếp 180 sinh viên các chuyên ngành gần và liên quan sang thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, trường cũng sẽ triển khai các lớp đào tạo nhanh, tập huấn phối hợp với doanh nghiệp, dự kiến tuyển sinh và đào tạo 60-100 chỉ tiêu hàng năm.

Dự kiến Trường Đại học Phenikaa thông báo tuyển sinh 9.896 chỉ tiêu đối cho hệ đại học chính quy với 4 phương thức tuyển sinh. Trong đó, trường dành 5 - 10% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa; 40 - 60% tổng chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; 30 - 40% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào học bạ bậc trung học phổ thông và 5 - 10% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đáng chú ý, năm 2024, nhà trường tuyển sinh thêm 7 ngành học mới, cụ thể: Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Thiết kế vi mạch bán dẫn); An toàn thông tin (Một số học phần chuyên ngành học bằng tiếng Anh); Trí tuệ nhân tạo; Marketing; Công nghệ tài chính; Kỹ thuật hình ảnh y học; Quản lý bệnh viện và Y học cổ truyền.

Về học phí, đối với ngành Y khoa, sinh viên nhập học năm 2024 sẽ được giảm 40% học phí năm đầu tiên, 30% học phí cho năm thứ 2, 3 và giảm 20% học phí cho năm thứ 4, 5, 6. Ngoài ra, quỹ học bổng dành cho sinh viên nhập học đại học chính quy năm 2024 vào Trường Đại học Phenikaa cũng tương đối cao với tổng giá trị trên 50 tỷ đồng, theo Giáo Dục & Việt Nam.

Trường Đại học Lạc Hồng năm 2024 cũng thông báo sẽ mở thêm 2 ngành đào tạo mới là Quan hệ công chúng và Luật học, nâng tổng số ngành đào tạo đại học tại trường lên 26 ngành. Tại khu vực Tp.HCM, nhiều trường đại học hot cũng đã đưa ra thông báo tuyển sinh đại học năm 2024.

Năm 2024, Trường Đại học Hoa Sen dự kiến tuyển sinh 4000 chỉ tiêu đối với 33 chương trình đào tạo bậc đại học theo 4 phương thức xét tuyển với Nhóm 1 là phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Nhóm 2 là phương thức xét tuyển kết quả học bạ trung học phổ thông; Nhóm 3 là phương thức xét tuyển thẳng vào trường và Nhóm 4 là phương thức xét tuyển trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp.HCM năm 2024. Đặc biệt, năm nay, nhà trường tuyển sinh thêm 4 ngành học mới là ngành Công nghệ thông tin Việt – Nhật, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, ngành Luật và ngành Truyền thông đa phương tiện.

Ảnh minh họa.

Tại Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM, năm 2024, trường tuyển sinh đại học các ngành và cao đẳng sư phạm Giáo dục Mầm non với khoảng 5.095 chỉ tiêu cho cơ sở chính tại Tp.HCM, Phân hiệu tại Gia Lai và Phân hiệu tại Ninh Thuận. Theo đó, 5 phương thức tuyển sinh được trường sử dụng cho năm tuyển sinh 2024 gồm: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông (khoảng 25 - 30% tổng chỉ tiêu); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức năm 2024 (10 – 15% tổng chỉ tiêu); Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 (50 – 55% tổng chỉ tiêu); Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 kết hợp với chứng chỉ tiếng anh quốc tế IELTS và TOEFL (khoảng 5 – 10% tổng chỉ tiêu).

Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội vừa thông báo, mùa tuyển sinh năm 2024, nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Căn cứ để trường tuyển sinh đào tạo ngành này dựa trên nền tảng sẵn có về hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên ngành vật lý kỹ thuật điện tử - một ngành được coi là gần với công nghệ vi mạch bán dẫn.

Tương tự Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đồng loạt thông báo mở mới và tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch.

Nói về tiềm năng của ngành bán dẫn, PGS-TS. Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, 100% sinh viên ngành thiết kế vi mạch ra trường có việc ngay. Mức lương khởi điểm khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Nếu theo nghề 5 - 10 năm, lương kỹ sư ngành này lên tới 60 - 70 triệu đồng/tháng.

Không chỉ các trường kỹ thuật, mà những trường khối kinh tế cũng tham gia cuộc đua mở ngành mới thiên về công nghệ. Chẳng hạn, Trường đại học Ngoại thương dự kiến mở thêm ngành khoa học máy tính. Trường đại học Kinh tế quốc dân dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó 5 ngành liên quan đến kỹ thuật là: khoa học dữ liệu (thuộc lĩnh vực toán và thống kê); kỹ thuật phần mềm; hệ thống thông tin; trí tuệ nhân tạo; an toàn thông tin (thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin).

Trao đổi với báo Đầu Tư PGS.TS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho hay, trường đã có sự chuẩn bị từ sớm và có chiến lược cho việc đa dạng hóa, mở rộng ngành đào tạo. Sở dĩ như vậy là do xu hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế của các đại học hiện nay.

Đáng chú ý trên thế giới, những mô hình đại học chuyên ngành sâu đã cũ và đang phải thay đổi. Trong tương lai, các đại học chuyên ngành sẽ không còn nữa. Đối với Trường đại học Kinh tế quốc dân, đã có chiến lược phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, trường đã có nghị quyết về việc mở thêm 3 trường là Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh, Trường Công nghệ.

“Trong khoảng 20 năm trở lại đây, dù chưa đi sâu, nhưng Trường đại học Kinh tế quốc dân đã có một số ngành thuộc về công nghệ hay khoa học xã hội như luật, ngôn ngữ Anh, khoa học máy tính, công nghệ thông tin… để đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với sự phát triển trong thời đại công nghệ số”, PGS.TS. Bùi Đức Triệu nói.

Chia sẻ với Tiền Phong, lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT khẳng định năm nay, Bộ GD&ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới mà giữ ổn định như năm 2023. Theo đó, thí sinh chỉ cần đăng kí theo ngành đào tạo nhưng cần cung cấp đầy đủ các điều kiện để đảm bảo tận dụng hết cơ hội xét tuyển, tương ứng với các phương thức mà các cơ sở đào tạo áp dụng.

Mặt khác, cơ sở giáo dục Đại học xét bình đẳng tất cả các nguyện vọng vào các ngành, không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất 1 nguyện vọng ở 1 phương thức xét tuyển. Hệ thống lọc ảo sẽ dừng lại khi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Như vậy, thí sinh phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng làm sao để có cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích nhất.

Đối với thí sinh tham gia đăng ký các phương thức xét tuyển sớm, được nhà trường thông báo đã đủ điều kiện trúng tuyển vẫn cần một bước bắt buộc nữa để trúng tuyển chính thức là phải đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo quy định nếu không sẽ mất cơ hội trúng tuyển đợt 1 và phải xét tuyển bổ sung đợt sau.

Trúc Chi (t/h)