Giáo dục

Tuyển sinh 2023: Ngành học nhiều tiềm năng, thí sinh không nên bỏ qua?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và thời gian xét tuyển đang cận kề. Vấn đề chọn ngành nghề như thế nào, đăng ký xét tuyển ra sao đang được rất nhiều người quan tâm.

Những ngành học nhiều tiềm năng

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, chỉ còn hơn 20 ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, để giúp thí sinh có cơ hội việc làm sau khi ra trường, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy đã có những chia sẻ về những ngành học thu hút thí sinh, giàu tiềm năng phát triển hiện nay.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ (GD&ĐT) cho biết, trong 3-5 năm vừa qua, các lĩnh vực hiện thu hút được nhiều sự quan tâm của thí sinh, có số thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học cao nhất bao gồm: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin. Tiếp theo là các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khỏe, Khoa hoc Xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục.

Đây đều là những nhóm ngành vô cùng quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và bắt kịp xu hướng phát triển nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những nhóm ngành đang thiếu sức hút đối với thí sinh, đã thể hiện ở số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học khá thấp so với tổng chỉ tiêu các trường đặt ra. Đó là các nhóm ngành, lĩnh vực về Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. Đây là vấn đề khá lo ngại.

"4 nhóm ngành trên có rất nhiều cơ hội việc làm cho thí sinh, tuy nhiên nhiều khi các em chưa nhận thức được và chưa có sự định hướng đúng đắn; do chạy theo trào lưu, hoặc do cảm nhận ngành nghề này khó, vất vả.

Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội là những ngành học đều đứng đầu danh sách tuyển sinh kém nhất trong 3-5 năm vừa qua.

Trong khi đó, đây cũng là những lĩnh vực vô cùng cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chờ đợi sẵn để tuyển dụng. Nhưng chúng ta lại không biết điều đó ngay từ đầu và nghĩ rằng ngành này khó xin việc. Do vậy, cần nhấn mạnh trong công tác truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh để các em có nhìn nhận đầy đủ hơn", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh các ngành liên quan tới AI, Robotics, Fintech, Khoa học dữ liệu,… đều là những ngành tiên phong, cần thiết và có sức hấp dẫn cao đối với người học hiện nay. Tuy nhiên, tất cả lĩnh vực, ngành nghề chúng ta đang đào tạo đều rất cần cho nền kinh tế xã hội, không phải vì Cách mạng công nghiệp 4.0 nên chúng ta chỉ đào tạo những ngành vận dụng, ứng dụng công nghệ cao. Do đó, cần có sự cân bằng giữa nguồn nhân lực trong các lĩnh vực.

"Những lĩnh vực 4.0 rõ ràng rất cần thiết, nhưng bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới việc đào tạo những ngành nghề liên quan tới vật liệu mới, công nghệ sinh học, khoa học sự sống - là những ngành ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại. Lĩnh vực xã hội nhân văn, đào tạo giáo viên, đào tạo bác sĩ, văn hóa nghệ thuật,… cũng không thể lơ là hay bỏ qua".

Trao đổi với báo Đại Biểu Nhân Dân, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng việc lựa chọn ngành học trước hết phải dựa vào thế mạnh của mỗi thí sinh. Các em có thế mạnh, có niềm yêu thích, đam mê thì mới có thể theo đuổi lâu dài nghề nghiệp mình lựa chọn. Như vậy, theo tôi, các em hãy chọn ngành trước khi chọn trường.

Ngoài những yếu tố cá nhân như trên, khi chọn ngành, thí sinh cũng phải đặt tổng hòa trong mối quan hệ với điều kiện tài chính, đặc điểm riêng của gia đình, vị trí địa lý và những điều kiện khác để đảm bảo quá trình học đạt hiệu quả tốt nhất.

Về vấn đề có phải cứ chọn học trường top mới thành công hay không, như tôi vừa chia sẻ, chọn đúng ngành quan trọng hơn rất nhiều, vì đây mới là yếu tố định hướng việc phát triển cá nhân.

Nếu chúng ta vào được trường top, ngành đó lại nằm ở trường top thì rất tốt. Nhưng rõ ràng ở những trường top, với những ngành học giàu sức hút thì mức độ cạnh tranh đặc biệt cao, các bạn giỏi cũng mong muốn được theo học.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm, hiện nay, chỉ riêng với 2 khối ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ do Bộ GD&ĐT công bố. Đây là 2 khối ngành đặc biệt - đào tạo ra 2 người thầy: thầy thuốc và thầy giáo, nên chất lượng đào tạo phải đáp ứng được mức tối thiểu. Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT mới công bố ngưỡng điểm này.

Còn lại điểm sàn, điểm chuẩn của các ngành khác thuộc về quyền tự chủ quyết định của các trường. Điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh, tức là mức độ thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Báo Đại Biểu Nhân Dân.

Vấn đề chọn ngành, chọn nghề luôn nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh

Theo báo Lao Động, qua các mùa tuyển sinh, không ít học sinh chưa đánh giá chính xác năng lực của bản thân dẫn đến chọn ngành nghề quá sức, không phù hợp với sở trường của mình. Đặc biệt thời gian qua đã có nhiều em chạy theo những ngành nghề “hot” mà không xác định được thế mạnh và không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Chia sẻ liên quan đến về đề này, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, thí sinh cần cân nhắc kĩ lưỡng, lựa chọn cả ngành học và chọn cả trường học. Tuy nhiên, việc chọn ngành sẽ phải thực hiện trước khi chọn trường.

Để chọn được một ngành học, theo ông Nghệ, mỗi thí sinh phải xem xét dựa trên năng lực, sở trường của bản thân.

"Hiện nay, có nhiều giải pháp để xác định năng lực của mình phù hợp với ngành nào. Chẳng hạn các em có thể thực hiện các bài test, trả lời các câu hỏi. Hay tự bản thân em học sinh nhận thấy những môn mình học tốt ở bậc phổ thông phù hợp với ngành nào.

Hay các em cũng có thể hỏi kinh nghiệm người đi trước, bố mẹ, người thân, anh chị em, những chuyên gia về lĩnh vực đó để xác định với phẩm chất, năng lực của mình phù hợp với ngành nghề nào.

Ngoài năng lực sở trường, yếu tố tiếp theo các em cần cân nhắc là đam mê. Các em có thể có năng lực nhưng không thích cũng không nên lựa chọn ngành học đó", TS Phạm Như Nghệ phân tích.

Sau khi lựa chọn ngành mình mong muốn, thí sinh sẽ tiến hành chọn trường. Bởi cùng một ngành nhưng sẽ có nhiều trường đào tạo.

Để chọn trường, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, thí sinh cần cân nhắc dựa trên mức học lực, kết quả học tập ở của bản thân. Từ đó, có sự so sánh, đối chiếu điểm chuẩn các trường qua các năm và khả năng học tập của chính mình.

Ngoài ra, các em cũng cần tìm hiểu địa điểm, vị trí của ngôi trường đó. Nếu trường xa với khu vực sinh sống, ngoài học phí, các em còn phải thêm khoản chi phí sinh hoạt, ăn ở, đi lại.

Để giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về những cơ hội việc làm sau khi ra trường, TS Phạm Như Nghệ lưu ý, giữa ngành nghề xã hội và ngành nghề đạo tạo trong nhiều trường hợp không trùng nhau.

“Nếu học sinh muốn trở thành giáo viên phổ thông. Em có thể học nhiều ngành khác nhau, ví dụ các ngành Sư phạm Toán, Hoá, Địa lý,... Nhưng về các trường vẫn có thể tuyển các học sinh tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Quản lý giáo dục, cử nhân Toán,…

Hay nếu muốn làm trong ngành Y, thí sinh có thể học Dược sĩ, Điều dưỡng, Tâm lí học, Pháp luật,...”, ông Nghệ nêu ví dụ và nhấn mạnh quan điểm, thí sinh cần chọn trường phù hợp với sở trường, đam mê, học lực và điều kiện kinh tế của gia đình.

Thông tin thêm trên báo Lao Động, theo kế hoạch tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian từ ngày 10/7 đến 17h00 ngày 30/7.

Từ ngày 12/8 đến 17h00 ngày 20/8, cơ sở đào tạo tải dữ liệu, thông tin xét tuyển; điểm thi tốt nghiệp THPT; kết quả học tập cấp THPT trên hệ thống; điểm các kì thi (nếu có); tổ chức xét tuyển.

Cũng trong thời gian trên, Vụ Giáo dục đại học, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) sẽ phối hợp với cơ sở đào tạo tiến hành xử lý nguyện vọng trên Hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.

Trước 17h ngày 22/8, cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Trước 17h ngày 6/9, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngày 25/7. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).

Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ còn 20 ngày, trong khi năm 2022 là một tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn 3 tuần so với mốc 17/9 và 30/9 của năm ngoái.

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT từng lý giải việc rút ngắn thời gian xét tuyển đại học năm nay do lịch thi tốt nghiệp THPT diễn ra sớm hơn so với năm ngoái. Như vậy, lịch tuyển sinh của các trường đại học cũng được đẩy lên sớm hơn để ngay trong đầu tháng 9 sinh viên có thể nhập học.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức từ ngày 27-30/6/2023.

Trúc Chi (t/h)