Giáo dục

Tuyển sinh 2023: Đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, giảm nhầm lẫn cho thí sinh

Đến thời điểm hiện tại thí sinh chỉ còn gần 4 tháng để ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, giảm nhầm lẫn cho thí sinh

Ngày 3/3, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tuyển sinh 2023. Theo Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định. Quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT ban hành năm 2022 tiếp tục được áp dụng. Các trường đại học, các trường cao đẳng tuyển sinh ngành giáo dục mầm non (gọi chung là trường đại học) ban hành quy chế tuyển sinh cụ thể hóa quy chế của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT đã nhấn mạnh một điểm mới (nhưng đã được quy định trong quy chế tuyển sinh) mà các trường đại học và các thí sinh  cần lưu ý, năm 2023 là năm đầu tiên quy định mới về điểm ưu tiên có hiệu lực. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, giảm nhầm lẫn cho thí sinh, từ năm 2023, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký cả phương thức xét tuyển như năm 2022. Thí sinh có thể trúng tuyển theo bất kỳ phương thức nào vào ngành mình đăng ký nếu đủ điều kiện.

Đây là thông tin vừa được phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết tại Hội nghị Giáo dục Đại học 2023. Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 3/3, tại Hà Nội.

Theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hệ thống tuyển sinh để hạn chế các sai sót và bổ sung các dữ liệu liên quan theo các phương thức như điểm thi đánh giá năng lực, thi tư duy…

Bên cạnh đó, BộGD&ĐT cũng sẽ rút ngắn thời gian tuyển sinh so với năm 2022. Cụ thể, công tác tuyển sinh dự kiến sẽ được hoàn tất vào ngày 14/8 để các cơ sở giáo dục đại học có thể khai giảng năm học mới từ tháng 9/2023.

Năm 2023, một số điểm đã quy định trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 sẽ lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng như quy định cộng điểm ưu tiên giảm dần đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30). Cụ thể cách tính điểm ưu tiên như sau:

Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định.

Cũng từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã nêu một số điểm cần lưu ý, một số điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.

Sáng 1/3, Bộ GD&ĐT đã chốt lịch thi tốt nghiệp THPT 2023. Cụ thể, theo thông báo mới nhất của Bộ GD&ĐT, lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023.

Trong đó, ngày 27/6 thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 thí sinh làm bài thi 4 môn. Ngày 30/6 là thời gian dự phòng cho kỳ thi. Lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 sớm hơn năm ngoái gần 2 tuần, đây có là lợi thế hay bất lợi gì cho các học sinh?

Lý giải việc rút ngắn thời gian, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lịch thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tháng 7. Năm nay khi cuộc sống đã quay trở lại trạng thái bình thường nên kỳ thi cũng được tổ chức sớm hơn. Kéo theo đó, lịch tuyển sinh của các trường đại học cũng được đẩy lên sớm hơn để ngay trong đầu tháng 9 có thể cho sinh viên nhập học.

Thời gian làm bài thi tốt nghiệp THPT 2023

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT ban hành, thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ phải làm đủ 4 bài thi. Các bài thi toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Thời gian làm bài thi cụ thể như sau: ngữ văn 120 phút, toán 90 phút, ngoại ngữ 60 phút. 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Trước đó, lịch thi tốt nghiệp THPT các năm gần đây như sau:

Lịch thi tốt nghiệp năm 2022 là ngày 6-8/7. Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là 6-9/7.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là 8/8 đến 10/8/2020. Còn lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2019 là 25-27/6/2019.

Kỳ tuyển sinh trước nhiều phương thức xét tuyển có tỉ lệ nhập học dưới 1%

Nguồn: Giáo Dục & Thời Đại.

Trước đó tại kỳ tuyển sinh năm 2022, một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, một số phương thức xét tuyển đại học có tỉ lệ nhập học dưới 1%:

Bộ GD&ĐT lưu ý, cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.

Các cơ sở đào tạo có thể loại bỏ những phương thức không cần thiết. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trúc Chi (theo Vietnam+, Giáo Dục & Thời Đại, Thanh Niên, )