Giáo dục

Tuyển sinh 2023: Các trường có cơ hội mở thêm nhiều ngành "hot"?

Dự kiến hội nghị tuyển sinh đại học năm 2023 sẽ được tổ chức vào tháng 2, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh cụ thể để các trường và thí sinh cùng chủ động.

Không ban hành quy chế tuyển sinh mới nên thí sinh có thể yên tâm chuẩn bị tốt

Mới đây, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2023, Bộ GD&ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới nên thí sinh có thể yên tâm chuẩn bị tốt cho kỳ thi và tuyển sinh. Bộ GD&ĐT sẽ nâng cấp hệ thống tuyển sinh chung, tăng cường những giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh, giảm tối đa các sai sót, nhầm lẫn trong quá trình nhập dữ liệu. Bộ cũng đang chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát những phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức không phù hợp, gây khó khăn hoặc khiến thí sinh dễ nhầm lẫn; đơn giản hóa, tạo thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh.

Đặc biệt, các thí sinh cần biết cách sử dụng tài khoản được cấp để đăng ký thi và xét tuyển đại học. Một thí sinh có thể tham gia xét tuyển nhiều ngành khác nhau và nên nhớ là tất cả nguyện vọng đều phải đăng ký lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Mặc dù được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành nhưng bà Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, nhất là khi đã được cung cấp thông tin tuyển sinh, định hướng, định hình về nghề nghiệp mà bản thân có sở trường, thế mạnh và mong muốn làm việc sau này. Thí sinh nên sắp xếp thứ tự ưu tiên xét tuyển cao nhất từ 1 đến hết. Kết quả lọc ảo sẽ trúng tuyển chỉ một nguyện vọng và cao nhất có thể.

Xét tuyển bằng học bạ vẫn được ưa chuộng

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 18 phương thức xét tuyển được áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm 2022 thì chỉ 4 phương thức có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT (gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế, kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT, kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu). Với 14 phương thức còn lại, thí sinh đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển sớm. Tuy nhiên, theo phương án dự kiến, tất cả các phương thức xét tuyển sẽ được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Năm nay, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM dự kiến tuyển sinh 8.000 chỉ tiêu đầu vào năm nay bằng 4 phương thức: Xét học bạ THPT; dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức năm 2023; xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM lên 20-30%; xét tuyển bằng học bạ THPT 30 - 35%, kèm theo xét tuyển học lực của thí sinh; giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, Trường đại học Nha Trang cũng dành 40% trong số 3.600 chỉ tiêu xét tuyển năm nay cho phương thức học bạ THPT, cao nhất trong số 4 phương thức xét. Cùng với đó, trường dành 5% chỉ tiêu tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; 25% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội và 30% chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Dự kiến Kỳ tuyển sinh 2023, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.HCM dự kiến tuyển 6.610 chỉ tiêu bằng 4 phương thức gồm: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của Đại học Quốc gia Tp.HCM. Đáng chú ý, trường dành 70% tổng chi tiêu cho phương thức xét học bạ (tăng 10% so với năm 2022). Trong đó, 30% xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, 40% xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ. Nhà trường chỉ dành 25% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và 5% cho phương thức khác.

Liên quan vấn đề tuyển sinh năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Tp.HCM cho biết, năm nay trường tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực, vào tháng 4 và tháng 6. Hình thức, nội dung bài thi, địa điểm tổ chức vẫn được giữ như năm 2022. Nhà trường dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu, theo ba phương thức: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển học bạ THPT kết hợp điểm thi đánh giá năng lực. Trong đó, trường dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực kết hợp điểm học bạ THPT, tăng gấp đôi so với năm trước, đồng thời giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ về phương thức xét học bạ, TS. Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, thông thường, nhiều quan điểm đánh giá thí sinh đỗ đại học bằng phương thức xét học bạ là không khách quan, phản ánh không thực chất năng lực học tập. Thế nhưng, sau nhiều năm sử dụng phương thức xét học bạ và đánh giá kết quả học tập của sinh viên cuối kỳ, nhà trường ghi nhận những điểm tích cực.

"Dư luận vẫn cho rằng, ở bậc THPT, giáo viên sẽ "nương tay", cho điểm học bạ của học sinh đẹp hơn để các em có thêm cơ hội trúng tuyển đại học. Thế nhưng, tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, thông qua quá trình học tập, theo dõi, đánh giá kết quả của thí sinh đỗ vào trường bằng phương thức xét học bạ, cá nhân tôi nhận thấy, sinh viên có năng lực nhận thức và trình độ ngang với những thí sinh đỗ vào trường bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Căn cứ vào điều này, có thể trong những năm tới, Học viện vẫn tiếp tục sử dụng phương thức xét học bạ nếu Bộ GD&ĐT vẫn cho phép", TS. Nguyễn Phi Long chia sẻ.

Các trường có ngành "hot" thí sinh có nhiều lựa chọn

Nhiều trường đại học vừa thông báo mở thêm các ngành mới đang có sức hấp dẫn người học, đồng thời sử dụng những phương thức xét tuyển phổ biến, hiệu quả tuyển sinh cao.

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM dự kiến mở 5 ngành mới như: Công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu, luật, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, cho biết những ngành được nhiều trường tổ chức đào tạo đều là những ngành có nhu cầu nhân lực cao.

Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Tp.HCM (UMT) năm nay mở mới ngành truyền thông đa phương tiện. Trường đang hoàn tất thủ tục để mở ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. PGS.TS Hồ Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhu cầu nhân lực ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng rất lớn, khoảng 30.000-40.000 lao động/năm. Từ nay đến 10 năm nữa, sinh viên tốt nghiệp ngành này được dự báo luôn có việc làm vì ngành đang rất thiếu nhân lực...

Bên cạnh việc mở các ngành mới, những trường đã công bố đề án tuyển sinh đều sử dụng phương thức xét tuyển phổ biến như xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Tp.HCM, ĐHQG Hà Nội… tổ chức.

Trúc Chi (theo Tiền Phong, VTC News)