Giáo dục

Tuyển sinh 2023: Bộ GD&ĐT đổi mới đề tốt nghiệp, học sinh "thấp thỏm"

Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.

Dự kiến nhiều đổi mới trong đề thi tốt nghiệp THPT 2023

Mới đây, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến tổ chức như mọi năm vào nửa đầu tháng 7. Bộ sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức kỳ thi này.

Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.

Bộ cũng đang lên phương án tăng cường câu hỏi, nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dự kiến có nhiều điều chỉnh để kỳ thi diễn ra tốt hơn. Thứ nhất, Bộ điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi. Điều này được thể hiện trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Theo Zing, Bộ tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn Bộ các khâu tổ chức thi. Bộ đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.

Năm nay, Bộ tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.

Để đảm bảo Kỳ thi tốt nghiệp diễn ra an toàn, công tác truyền thông được đẩy mạnh để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả.

Bộ cũng yêu cầu các hội đồng thi phổ biến đầy đủ, quán triệt kỹ quy chế cho thí sinh, lưu ý thí sinh tuyệt đối không được sử dụng điện thoại hoặc những vật dụng cấm mang vào phòng thi và tuân thủ quy định, hướng dẫn của hội đồng thi, nhất là để các vật dụng cá nhân, các tài liệu và các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi tại đúng địa điểm do hội đồng thi quy định; cảnh báo cho thí sinh trong phòng thi về những thiết bị công nghệ cao có thể được sử dụng để gian lận thi cử.

Ngoài ra, Bộ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi.

Bộ GD&ĐT cũng đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội về một số nội dung mang tính kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo thuận lợi cho thí sinh.

Hàng năm Bộ GD&ĐT công bố đề minh hoạ vào cuối tháng 1, nhưng năm nay do định hướng đổi mới đề thi nên nhiều học sinh, giáo viên mong công bố sớm để ôn tập tốt hơn. Ảnh minh họa.

Học sinh lo lắng về đổi mới đề tốt nghiệp

Trước thông tin nhiều đổi mới trong đề thi tốt nghiệp THPT 2023, nhiều học sinh sốt sắng. Chia sẻ với báo VTCNews, em Trần Phạm Hoài Thương, trường THPT Việt Đức (Hà Nội) sẽ thi tốt nghiệp THPT. Những ngày gần đây, thông tin về việc đề thi 2023 được Bộ GD&ĐT thay đổi theo hướng tăng cường vận dụng thực tiễn khiến em lo lắng.

"Một số môn học chúng em vẫn đang học theo chương trình, một số môn đã đẩy nhanh tiến độ học và bắt đầu bước vào quá trình ôn luyện. Còn vài tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu có đề minh họa để luyện từ sớm, chúng em sẽ chủ động và dần quen với các dạng câu hỏi", Thương nói.

Trong khi đó em Lê Văn Tùng, trường THPT Tam Đảo II (Vĩnh Phúc) cũng lo lắng đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT năm nay sẽ khó hơn, mức độ các câu hỏi vận dụng nhiều hơn. “Em cố gắng học xong kiến thức càng nhanh càng tốt để có thời gian ôn luyện nhiều hơn. Nếu có đề minh hoạ sớm thì chúng em sẽ dễ hình dung được cấu trúc đề, còn hiện tại chưa có thì chỉ biết học theo những năm trước đó”, Tùng nói.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 có cấu trúc như thế nào?

Theo báo Chính Phủ, Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022.

Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại địa phương, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

Năm 2023, Bộ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức kỳ thi này. Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến diễn ra vào nửa đầu tháng 7/2023.

Cấu trúc đề thi môn Toán: Đề thi môn Toán trong mỗi đề là 50 câu hỏi trong đó 45 câu hỏi thuộc về kiến thức lớp 12 và 5 câu thuộc về kiến thức lớp 11. Gồm 24 mã đề khác nhau và có 4 mã đề chính thức. Hầu hết kiến thức có trong đề thi THPT Quốc gia đều thuộc về kiến thức lớp 12.

Tuy nhiên, trong những kỳ thi tốt nghiệp THPT thí sinh không nên chủ quan và đánh rơi điểm ở những câu có kiến thức ở lớp 11. Với các chủ đề quen thuộc: Ứng dụng đạo hàm trong khảo sát hàm số; hàm số lũy thừa, hàm số mũ và logarit; nguyên hàm, tích phân và ứng dụng; chương số phức; khối đa diện; khối tròn xoay; hình học không gian Oxyz. lớp 11: Cấp số cộng, cấp số nhân; tổ hợp, xác suất; hình học không gian.

Cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn: Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có 2 phần quen thuộc: Phần đọc hiểu (3 điểm): đề thi sẽ đưa ra một đoạn văn mẫu và từ đó đặt ra câu hỏi với độ khó được phân hóa theo từng câu, yêu cầu thí sinh giải quyết vấn đề được đặt ra từ đoạn văn bên trên.

Phần làm văn (7 điểm): gồm 2 câu, câu 1 làm văn về nghị luận xã hội, câu 2 làm văn về nghị luận văn học.

Cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh: Trong vòng 60 phút thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh sẽ cố gắng hoàn thành 50 câu hỏi, với lượng kiến thức thuộc các dạng bài quen thuộc: Ngữ âm; chọn từ để hoàn thành câu; chọn từ để hoàn thành đoạn văn; tình huống giao tiếp; tìm từ đồng nghĩa-trái nghĩa; tìm lỗi sai trong câu; xác định câu đồng nghĩa, kết hợp câu; đọc hiểu.

Trúc Chi (t/h)