Sự kiện

Tuyên Quang: Ra quân xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”

Công an tỉnh Tuyên Quang tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng ra quân xử lý tình trạng “xe kết hợp” không phép, ngang nhiên hoạt động trên địa bàn.

Đợt ra quân nhằm xử lý triệt để tình trạng xe ô tô chở khách hoạt động trá hình, tranh giành khách, đón trả khách không đúng quy định gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Công an tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 1232/QĐ-UBND ngày 08/9/2020 về việc ban hành Quy chế hoạt động của tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe “hợp đồng trá hình tuyến cố định”, “xe kết hợp” và các xe ô tô vận chuyển khách trái quy định trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh Tuyên Quang ra quân xử lý những trường hợp "xe kết hợp" không phép.

Theo đó, tổ công tác có chức năng rà soát, kiểm tra đối với cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, xe hợp đồng, xe du lịch, xe tuyến cố định, xe ứng dụng hợp đồng điện tử... hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định. Tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của lái xe, chủ phương tiện và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Thông tin với PV, đại diện Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, tính riêng trong tháng 11/2020, tổ công tác đã phát hiện, xử lý 51 trường hợp vi phạm, tập trung chủ yếu ở các lỗi: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định; Không có hợp đồng vận chuyển khách; Không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy; Không gắn phù hiệu, không niêm yết cụm từ “Xe taxi”; Không có giấy phép lái xe, sử dụng giấy phép lái xe giả...

Những trường hợp bị cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang lập biên bản xử lý vi phạm.

Liên quan đến tình trạng “xe kết hợp” không phép hoạt động trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, ông Trần Quốc Điệp, Phó trưởng Bến xe khách thành phố Tuyên Quang cho hay: “Việc xe kết hợp hoạt động không phép là vấn đề ảnh hưởng đến việc kinh doanh của những doanh nghiệp vận tải được Nhà nước cấp phép hoạt đông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, theo tiêu chí của hành khách là việc đưa đón một cách thuận lợi nhất, cho nên họ thường chọn đi xe kết hợp, tuy nhiên, lựa chọn xe kết hợp có những vấn đề như bảo hiểm, bị chặt chém… Theo vị Phó trường bến xe, hầu hết tất cả các xe kết hợp đều không có các loại bảo hiểm theo quy định dành cho các đơn vị kinh doanh vận tải".

"Về vấn đề mức giá, theo quy định giá đi xe khách tuyến Tuyên Quang – Hà Nội là 100.000 đồng/ 1 hành khách, được các bộ ban ngành thông qua và có các thông báo về mức giá niêm yết cho hành khách, còn về mức giá của xe kết hợp được họ tự đặt ra là 200.000 đồng/1 hành khách, có thể thấy mức giá cao gấp đôi mức giá của xe khách. Hơn nữa, không đơn vị nào quản lý, hành khách có thể bị thu với mức giá cao hơn”, ông Điệp cho hay.

Trao đổi với PV về vấn đề này, đại diện sở GTVT tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Về loại hình thức kinh doanh vận tải dạng “xe kết hợp” theo quy định vẫn chưa được cấp phép, bởi nó chưa nằm trong các loại hình vận tải theo Nghị đinh số 10/NĐ-CP, quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Chính phủ cho phép. Do đó, những trường hợp vận tải hành khách, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết những trường nào vi phạm, thường những trường hợp được cấp phép hoạt động vận chuyển hành khách được cấp phù hiệu và được quản lý hoạt động, công khai mức giá niêm yết và được sự quán lý của cơ quan chức năng địa phương…

Theo đó, loại "xe kết hợp" là hình thức chưa được phép hoạt động, họ tự lập các hội nhóm kinh doanh trái phép, trốn thuế và đang lẩn tránh sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp xử lý đối với những trường hợp vi phạm trên - vị đại diện sở GTVT thông tin.

Đỗ Tuấn