Quân sự

Tuyên bố rút khỏi Syria, ông Trump giáng “vố đau” cho người Kurd

Những hi vọng của người Kurd liên quan đến tương lai của khu tự trị ở phía Bắc Iraq trở nên ngày càng mờ nhạt. Giờ đây, viễn cảnh cho phong trào người Kurd thậm chí còn thê thảm hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố rút toàn bộ lính ra khỏi Syria.

Trong cộng đồng người Kurd, những người ở Syria chắc chắn là những kẻ thua cuộc lớn nhất sau quyết định của Tổng thống Mỹ Trump.

Người Kurd ở Syria là nhóm người Kurd thứ hai sau nhóm Kurd Iraq thành công giành được quyền tự trị trên thực tế.

Người Kurd tại Syria.

Giống như đồng bào của họ ở phía Bắc Iraq, người Kurd ở Syria giành được cảm tình của phương Tây và đảm bảo được quyền tự chủ của mình chủ yếu bởi vì sự đóng góp của họ đối với Washington trong cuộc chiến ở Syria khi chiến đấu chống lại cả chính quyền Damascus và lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và trở thành đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến.

Năm 2013, người Kurd Syria tuyên bố tự trị và sau đó vào năm 2016 tuyên bố thành lập Liên bang Dân chủ Bắc Syria.

Mặc dù không được quốc tế công nhận rộng rãi song việc người Kurd thành lập khu tự trị ở phía Bắc Syria đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ kể từ những ngày đầu.

Bằng cách cung cấp cho người Kurd Syria toàn bộ vũ khí và nhu yếu phẩm cần thiết, Washington hi vọng rằng lực lượng này có thể tiếp tục chống lại cả chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và IS một cách hiệu quả.

Và trong nhiều dịp, giới chức Mỹ, thậm chí bản thân Tổng thống Donald Trump, đã nhiều lần cam kết rằng họ sẽ không bao giờ quên những người đồng chí người Kurd đã hi sinh mạng sống để chiến đấu cho Mỹ ở Syria.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi đó, bản thân người Kurd Syria có một mục tiêu đầy tham vọng, lớn hơn việc chỉ thiết lập một khu tự trị.

Theo tầm nhìn của họ, thông qua việc xây dựng một nhà nước kiểu mẫu tôn trọng đa nguyên tôn giáo, đa dạng sắc tộc, dân chủ và quyền của phụ nữ và dân tộc thiểu số trên vùng đất Syria đầy hỗn loạn do bị chiến tranh tàn phá, người Kurd hi vọng, có thể hơi ngây thơ, rằng cộng đồng quốc tế sẽ công nhận chủ quyền của họ.

Nếu người Kurd đã thành công trong việc thiết lập các vùng tự trị ở cả Bắc Iraq và Syria thì Ankara hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng khu vực tự trị tiếp theo mà người Kurd hướng tới là trên chính lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã hết sức cảnh giác trong việc chống lại chủ nghĩa ly khai của người Kurd, và luôn tỏ ra bất mãn với khu tự trị người Kurd ở quốc gia láng giềng Iraq.

Và trong những năm gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã củng cố lập trường của mình đối với phong trào độc lập của người Kurd và mang “lá bài Kurd” ra để hợp lý hóa quyền lực tập trung của bản thân.

Nhưng có một thực tế là lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ háo hức tham gia cuộc chiến chống IS là để tìm một cái cớ nhằm theo đuổi người Kurd ở Syria. Điều đó cho thấy rằng miễn là người Mỹ vẫn ở Syria thì người Kurd vẫn còn được an toàn.

Việc Mỹ rút khỏi Syria có thể làm phát sinh 2 kịch bản: Thứ nhất, các phần tử IS còn ẩn náu ở Syria sẽ có khả năng tập hợp lại bất kỳ lúc nào. Thứ hai, Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước bất kỳ lúc nào với sự hỗ trợ của Nga.

Rất có thể sau sự ra đi của quân đội Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc quân sự trong khối NATO, có thể sẽ thực hiện một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào vùng tự trị của người Kurd ở Syria và làm mọi điều để “đè bẹp” lực lượng này tại đây.

Một khi người Kurd Syria bị loại bỏ, ông Erdogran có thể đồng ý chịu thêm chi tiêu quân sự NATO để làm hài lòng Washington.

Vì thế, cuối cùng, tất cả đều là kẻ thắng cuộc, ngoại trừ người Kurd ở Syria.

So với người Kurd ở phía Bắc Iraq, người Kurd Syria thực sự đang trong tình trạng khốn đốn hơn rất nhiều vì họ sẽ có khả năng mất tất cả mọi thứ sau khi Mỹ rút đi.

Và khi đó hiệu ứng “gợn sóng” cũng sẽ bắt đầu: Người Kurd Syria sẽ trở thành người tị nạn, họ gần như sẽ tràn vào vùng tự trị Kurd tương đối yên bình ở Bắc Iraq, tạo điều kiện cho phiến quân IS lẩn trốn vào dân thường để tràn vào lãnh thổ Iraq một lần nữa.

Xem thêm: Mỹ rút khỏi Syria, Pháp lập tức lộ yếu điểm không ngờ