Hồ sơ điều tra

Tướng Tô Ân Xô nói về sai phạm trong vụ Xuyên Việt Oil, Hải Hà Petro

Nói về vụ án xảy ra tại Xuyên Việt Oil và Hải Hà Petro, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết đây là điển hình vi phạm liên quan đến lĩnh vực xăng dầu.

Chiều 5/1, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, báo chí đặt câu hỏi với Bộ Công an về tiến độ điều tra, xử lý những vụ việc gần đây liên quan lĩnh vực xăng dầu, điện, như vụ Công ty Xuyên Việt Oil, Công ty Hải Hà.

Trả lời nội dung này, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho biết, với phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng cả lĩnh vực”, Bộ Công an đã tích cực “thăm khám và điều trị” một số bệnh nan y trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Vừa qua, Bộ Công an đã làm vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu, FLC, SCB... và hiện nay đang chuyển sang lĩnh vực điện, xăng dầu, cát đá sỏi.

Theo người phát ngôn Bộ Công an, vụ án tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân và Công ty điện lực Bình Thuận là ví dụ điển hình trong lĩnh vực này. Chủ đầu tư và nhà thầu đã bắt tay nhau nâng giá nhiều vật tư thiết bị điện, từ vài chục đến vài trăm phần trăm.

"Trong vụ án liên quan Công ty Tuấn Ân, Công ty điện lực Bình Thuận có những vật tư bị nâng giá 300%. Điều này một trong những nguyên nhân làm tăng giá điện, gây thiệt hại cho người tiêu dùng", ông Xô cho hay.

Về loại "virus Việt Á biến thể" tương đối phổ biến ở một số địa phương, Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Công an sẽ có loại "vắc-xin" để điều trị loại virus này.

Trung tướng Tô Ân Xô trả lời tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/2.

Về vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) và một số đơn vị liên quan, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết đây là điển hình cho vi phạm liên quan đến lĩnh vực xăng dầu.

Thông tin thêm, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, vụ Xuyên Việt Oil và Hải Hà Petro và một số đơn vị liên quan là điển hình cho việc vi phạm quy định về xuất nhập khẩu xăng dầu, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Công ty Hải Hà đã gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước ước tính ban đầu khoảng 15 tỷ đồng và thất thoát hơn 300 tỷ đồng.

Trong vụ Xuyên Việt Oil, cơ quan điều tra đang phong tỏa 17 tài khoản cá nhân, với số tiền trên 4 tỷ đồng; tạm dừng giao dịch mua bán, chuyển nhượng 54 nhà đất đứng tên cá nhân, 16 nhà đất đứng tên công ty.

"Dù tết cận kề rồi nhưng cơ quan điều tra vẫn quyết tâm đẩy nhanh tiến độ vụ án, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhằm ngăn tội phạm, triệt để thu hồi tài sản Nhà nước", Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.

Trong diễn biến liên quan đến 2 doanh nghiệp xăng dầu này, vừa qua Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã có yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh thành dừng thủ tục hải quan với xăng dầu, nguyên liệu của Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil.

Cơ quan này cho biết, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil. Do đó, 2 công ty này không đủ điều kiện thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu để pha chế.

Về Hải Hà Petro, doanh nghiệp này có trụ sở tại Thái Bình, là một trong những đầu mối kinh doanh xăng dầu bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép do lạm dụng Quỹ bình ổn giá, nợ thuế ngày 12/1/2024. Doanh nghiệp đầu mối này có mạng lưới đại lý, cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Bình.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Hải Hà Petro sử dụng sai quỹ bình ổn, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng. Đến cuối tháng 11/2023, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp đầu mối này là 612 tỷ đồng.

Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh thành dừng thủ tục hải quan với xăng dầu, nguyên liệu của Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil.

Cùng nguyên nhân sai phạm về Quỹ bình ổn giá và nợ thuế, Xuyên Việt Oil đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép từ tháng 8/2023. Xuyên Việt Oil thành lập năm 2005, có trụ sở tại Tp.HCM, chiếm thị phần khoảng 40% tại khu vực Tp.HCM và một số tỉnh Nam Trung Bộ trước khi bị rút giấy phép. Doanh nghiệp cũng từng có nhiều vi phạm về xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu.

Năm 2022, Xuyên Việt Oil gây chú ý dư luận khi liên tục được nhắc đến trong các văn bản kiến nghị về việc không được hải quan giải quyết nhập khẩu xăng, dầu vì chậm nộp thuế, số thuế cưỡng chế lên tới trên 684 tỷ đồng. Do nợ thuế lớn, Cục Thuế Tp.HCM từng có văn bản đề nghị hải quan tạm dừng thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Xuyên Việt Oil.