Thế giới

Tương lai mong manh của tiền ảo sau quyết định cứng rắn của Trung Quốc

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, hoạt động tiền ảo có thể "gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an toàn tài sản của nhân dân".

Vào ngày 24/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (POBC) thông báo "Các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo là hoạt động tài chính bất hợp pháp" và cảnh báo người vi phạm "sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".

Lệnh cấm có nghĩa là các ngân hàng và công ty thanh toán trực tuyến không được cung cấp bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến tiền điện tử như đăng ký, giao dịch, trao đổi và thanh toán.

Tuy nhiên, các cá nhân không bị cấm nắm giữ và vẫn có thể tích trữ tiền điện tử nếu muốn, nhưng không thể thực hiện các giao dịch thông qua các doanh nghiệp tài chính.

Nguy hiểm cho tài sản của nhân dân

Giải thích về quyết định này, POBC cho biết hoạt động tiền ảo có thể "gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an toàn tài sản của nhân dân".

POBC nhận định rằng hoạt động mua bán và đầu cơ Bitcoin cùng những loại tiền ảo khác những năm gần đây trở nên phổ biến, phá vỡ trật tự kinh tế và tài chính, "làm phát sinh hoạt động rửa tiền, huy động vốn bất hợp pháp, lừa đảo đầu tư dạng đa cấp cùng các hoạt động bất hợp pháp và phạm tội khác".

Cơ quan này thông báo sẽ cải thiện hệ thống để tăng cường giám sát các giao dịch tiền ảo và loại bỏ tận gốc hành vi đầu cơ. "Các tổ chức tài chính và tổ chức thanh toán phi ngân hàng không được phép cung cấp các dịch vụ và hoạt động liên quan đến tiền ảo", POBC cho biết.

Người dân đi ngang qua trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: ChinaDaily.

Bên cạnh đó, trang SkyNews cũng đưa nhận định về nguyên nhân thực sự của việc Trung Quốc siết chặt các hoạt động đối với Bitcoin.

Thứ nhất, Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường kiểm soát nền kinh tế như một phần trong kế hoạch “thịnh vượng chung”. Từ đầu năm nay, Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra những quy định siết chặt trên nhiều lĩnh vực từ công nghệ, truyền hình cho đến giáo dục, nhằm mục đích tái khẳng định sức mạnh quản lý và định hướng phát triển chung. Và tất nhiên, với một loại tài sản khó kiểm soát như tiền điện tử thì chắc chắn không thể nằm ngoài “tầm ngắm” quản lý của giới chức nước này. 

Thứ hai, các rắc rối do Tập đoàn bất động sản Evergrande gây ra gần đây giống như bản nhạc nền khó chịu réo rắt bên tai giới lãnh đạo Trung Quốc, như là lời nhắc nhở rằng những nỗi lo về tài chính đang âm ỉ chảy trong lòng nền kinh tế nước này. Evergrande từng là một trong những nhà bất động sản lớn nhất Trung Quốc và thuộc danh sách top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhưng giờ đây đang “oằn mình” gánh nghĩa vụ nợ hơn 300 tỷ USD. Khủng hoảng nợ của Evergrande gần đây đã làm hiện lên những mảng tối suy thoái, phá hỏng bức tranh kinh tế tươi sáng phục hồi hậu đại dịch mà Bắc Kinh đang ”trình diễn”.

Dù nguyên nhân thực sự có là nỗ lực tăng cường kiểm soát hay do lo ngại về sự bất ổn của hệ thống tài chính, thì đều chung đặc điểm rằng nhà đầu tư sẽ sinh ra tâm lý muốn chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc. Và trong bối cảnh những quy định nghiêm ngặt về dòng vốn ở Trung Quốc hiện nay thì tiền điện tử là một lựa chọn hiệu quả và nhanh chóng để làm điều đó,.

Lần siết chặt gắt gao nhất

Trên thực tế, những cảnh báo thanh trừng của các cơ quan quản lý Trung Quốc đối với tiền điện tử đã diễn ra nhiều lần từ năm 2013, và nói chung mỗi lần như thế đều dẫn đến việc bán tháo. 

Vào ngày 5/12/2013, Trung Quốc cấm các tổ chức tài chính xử lý giao dịch Bitcoin và tuyên bố đây không phải là một loại tiền tệ có "ý nghĩa thực sự". Giá Bitcoin ngay lập tức giảm hơn 20% xuống còn 889 USD.

Ngày 9/2/2017, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thắt chặt áp lực pháp lý và thúc đẩy các sàn giao dịch Bitcoin của nước này tuân thủ các quy tắc chống rửa tiền. Tác động làm giá Bitcoin và các loại tiền điện tử khác lập tức giảm hơn 7% xuống còn khoảng 988 USD.

Ngày 24/8/2018, các nhà chức trách Trung Quốc một lần nữa tăng cường áp lực đối với hoạt động đầu cơ tiền điện tử, ban hành cảnh báo về việc gây quỹ bất hợp pháp thông qua “blockchain” và “tiền điện tử”. 

Ngày 21/5/2021, Trung Quốc kêu gọi cần phải thắt chặt an ninh hơn của hoạt động khai thác Bitcoin để bảo vệ hệ thống tài chính.

Như vậy, nhìn lại những thăng trầm trong hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đây không phải lần đầu Trung Quốc ra quyết định siết các hoạt động liên quan đến đồng tiền điện tử. Nhưng tuyên bố lần này cho thấy rằng đây là chiến dịch gắt gao nhất từ trước đến giờ. 

Tác động ngay lập tức sau thông báo trên đã làm giá trị Bitcoin đã giảm gần 5% trong phiên giao dịch ngày 24/9. Trong lần rớt giá gần nhất, đồng Bitcoin đã sụt giảm 4,6% giá trị, xuống chỉ còn 42,874 USD. Nhiều đồng tiền điện tử thường giao dịch song song với đồng Bitcoin cũng rớt giá theo. Cụ thể, Ether giảm hơn 8%, trong khi XRP trượt giá 7%.

Tương lai của giao dịch tiền ảo tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện vẫn còn là dấu hỏi lớn và xoay quanh bởi nhiều đồn đoán.

Theo ông Joseph Edwards, chuyên gia nghiên cứu tại Công ty môi giới tiền điện tử Enigma Securities: "Nhìn chung, thị trường tiền điện tử đang ở trong trạng thái hết sức mong manh và những sự rớt giá này đã thể hiện điều đó - đó là tâm lý sợ hãi của người tham gia. Ở Trung Quốc, tiền điện tử tiếp tục tồn tại trong vùng xám về tính hợp pháp”.

Phạm Thu Thanh (theo Sky News, Fortune)