Thể thao

Tương lai của Chelsea sẽ ra sao sau khi ông chủ Abramovich rút lui?

Thông tin ông chủ Abramovich từ bỏ quyền quản lý ở Chelsea đã gây xôn xao bóng đá thế giới. Vậy tương lai của The Blues sẽ ra sao?

Có một thực tế không thể phủ nhận. Lịch sử của Chelsea chia làm hai giai đoạn, trước và sau khi tỷ phú Abramovic xuất hiện. Năm 2003, ở thời kỳ mà Arsenal và MU thay nhau thống trị bóng đá Anh, ông trùm người Nga đã tới thành London để biến Chelsea trở thành thế lực mới.

Thời ấy, báo giới Anh đã từng ví von rằng: “Những đồng rúp biết nhảy múa của Abramovich đã viết lại lịch sử của Chelsea”. Có một thời, nhắc tới The Blues là người ta nhớ ngay tới những thương vụ đình đám, mang thương hiệu Abramovic.

Thậm chí, vị tỷ phú người Nga còn ảnh hưởng tới cả lịch sử bóng đá thế giới. Sự xuất hiện của ông ở Chelsea mở ra kỷ nguyên mới của những “gã nhà giàu mới nổi”, những kẻ “dùng tiền mua danh hiệu”. Để rồi nhiều năm sau đó, Chelsea hay những đội bóng khác hoạt động theo mô hình tương tự (thời đầu Abramovich) như PSG, Man City đã thay đổi cán cân của bóng đá thế giới. Có không ít kẻ từng học theo và rơi xuống thảm hại như Malaga.

Trong gần 20 năm kỷ nguyên Abramovich, Chelsea giành 21 danh hiệu lớn nhỏ, trong đó có những danh hiệu mà trong lịch sử gần 100 năm trước đó, họ không thể nào với tới như Champions League, Europa League, FIFA Club World Cup. Cả chiều dài lịch sử, The Blues mới 1 lần vô địch Anh. Con số ấy tăng gấp 6 lần dưới thời Abramovich.

Chính vì lẽ đó, không ít người hâm mộ Chelsea bày tỏ sự kính trọng với vị tỷ phú người Nga. Thông tin ông từ bỏ quyền quản lý của CLB thực sự là cú sốc. Nhưng câu hỏi đặt ra là tương lai của đội ĐKVĐ Champions League sẽ đi về đâu sau quyết định này?

Điều đáng mừng là CLB không ảnh hưởng quá nhiều. Trước hết, cần phải phân tích về quyết định của Abramovich. Tờ Telegraph cho rằng, việc ông rút lui là điều không thể tránh khỏi bởi sự phản ứng dữ dội từ dư luận và chính phủ Anh hưởng về phía mình. Điều đó đương nhiên sẽ liên lụy tới Chelsea. Ở góc độ nào đó, đội bóng thành London sẽ bị gây khó dễ nhất định nếu như vị tỷ phú người Nga vẫn nắm quyền điều hành.

Chính vì vậy, giới phân tích ở Anh đánh giá rằng, việc ông Abramovich xin rút lui lúc này là nước cờ sáng suốt. Nó chỉ có một mục đích duy nhất, đó là vì lợi ích của Chelsea. Điều này đã được vị tỷ phú 55 tuổi khẳng định trong tuyên bố trên trang chủ của CLB: “Các quyết định của tôi đưa ra nhằm hướng tới lợi ích của đội bóng. Cho tới nay, tôi vẫn luôn cam kết với những giá trị này. Đó là lý do vì sao tôi quyết định trao lại quyền quản lý và chăm sóc Chelsea cho Quỹ từ thiện của CLB”.

Thực tế, ông chủ Abramovich đã giao quyền quản lý cho… quỹ từ thiện của đội bóng, chứ không phải bất cứ cá nhân nào. Điều này vô hình chung giảm bớt sức ép cho người lên nắm quyền. Có tới 6 người quản lý quỹ từ thiện là Bruce Buck, John Devine, Emma Hayes, Piara Powar, Seb Coe và Hugh Roberston. Tất cả đều là những nhân vật thân tín của Abramovich.

Có chi tiết ít ai biết rằng, từ năm 2010 tới nay, vị tỷ phú người Nga không còn can thiệp quá nhiều về hoạt động của Chelsea. Thay vào đó, người trực tiếp điều hành đội bóng là bà Marina Granovskaia. Đây là cái tên không hề xa lạ với những người hâm mộ. “Người đàn bà thép” này thường xuyên ra mặt và đưa ra quyết sách quan trọng của đội bóng. Hay nói cách khác, Abramovich đã “buông rèm nhiếp chính” từ lâu. Có chăng, việc ông xin rút khỏi quyền điều hành CLB chỉ có ý nghĩa về mặt… giấy tờ, để xoa dịu sức ép từ dư luận Anh.

Bà Marina Granovskaia mang trong mình hai dòng máu Canada và Nga. Người phụ nữ này từng tham gia nhiều công ty của Abramovich (nổi bật là Millhouse Capital) và bắt đầu trở thành “cánh tay phải” của ông trùm từ năm 2010. Tới năm 2013, bà Granovskaia đã tới Chelsea và trở thành nhân vật quan trọng, trực tiếp điều hành đội bóng trong vai trò Giám đốc.

Trong khi đó, những thành viên khác như Bruce Buck, Guy Lawrence và Eugene Tenenbaum vẫn nằm trong hội đồng quản trị và sẽ tiếp tục điều hành từng bộ phận khác của đội bóng.

Thực tế, trong vài năm qua, Chelsea, dưới sự điều hành của Marina Granovskaia, đã phát triển theo hướng ổn định hơn. Họ không còn lao vào những thương vụ tốn kém tiền bạc (trừ khi cần thiết) và hướng tới sự cân bằng nhiều hơn. Cán cân mua sắm của CLB luôn duy trì ở mức an toàn. Do đó, đội bóng không còn phụ thuộc quá nhiều vào “bầu sữa” của ông chủ.

Chính vì lẽ đó, Chelsea có thể tiếp tục “chạy” như vốn dĩ những gì họ vận hành trong những năm qua.

Có khả năng nào khiến Chelsea sụp đổ hay không? Câu trả lời vẫn là có. Không ít lo ngại rằng Abramovich sẽ bán lại đội bóng sau những sự tấn công vừa qua. Hiện tại, Chelsea vẫn đang nợ ông số tiền 1,5 tỷ bảng (2 tỷ euro). Đây là số tiền túi của vị tỷ phú người Nga cho CLB mượn để hoạt động trong gần hai thập kỷ qua.

Nhiều người suy đoán rằng Abramovich có thể đòi lại số tiền ấy. Có nghĩa rằng, ông sẽ xóa sạch dấu vết liên quan tới bóng đá, kể cả đứa con cưng mình gây dựng.