Tuổi hưu tăng, cho vừa lòng ai?

Theo đề xuất nâng tuổi hưu, có hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; nam từ 60 lên 62 hoặc 65, nữ từ 55 lên 60.

Mẹ chồng tôi vừa về hưu cách đây không lâu và với một người bị mắc bệnh tiểu đường phải dùng thuốc an thần kinh niên như bà, việc này giống như một “sự giải thoát”. Bà đếm từng ngày, chuẩn bị thật kỹ giáo án và những lời nhắn nhủ trong buổi dạy cuối cùng.

Dĩ nhiên trong 30 năm đứng trên bục giảng, bà thực sự yêu nghề, cảm nhận được tình cảm của học trò, đồng nghiệp. Sự giao tiếp, kết nối khi đi làm cũng đem lại cho bà niềm vui không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Nhưng suy đi nghĩ lại, mẹ chồng tôi vẫn thấy việc hằng ngày phải thức khuya soạn giáo án, ra đề, chấm bài kiểm tra rồi dậy sớm bắt xe buýt cách nhà 10 cây số ở lứa tuổi của bà chẳng khác nào cực hình cả.

Ai sẽ vừa lòng khi tuổi hưu tăng? Ảnh minh họa: Internet.

 Bà bảo: “Nếu phải làm một năm nữa, chắc mẹ và cả mấy đứa (học trò) chúng nó cùng “tèo”. Bởi vậy, bà vô cùng ngạc nhiên trước đề xuất nâng tuổi hưu, theo đó, hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; nam từ 60 lên 62 hoặc 65, nữ từ 55 lên 60.

Có người so sánh với một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc,… và nhận định tuổi hưu đề xuất như vậy là không cao. Nhưng nếu đã so thì so cho trót, hãy xem các quốc gia đó có phải đối mặt với những thách thức về vấn đề già hóa dân số, thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động trẻ hay không.

Chưa kể đến các điều kiện môi trường, an sinh xã hội khác biệt giữa ta và họ, liệu rằng sẽ có bao người vẫn giữ được sức khỏe, minh mẫn để cầm sổ hưu lâu dài trước khi về với tổ tiên? Như mẹ tôi nói, đã thành quy luật khi đã già, chân tay trở nên chậm chạp và bộ não không còn nhạy bén, ngại tư duy thì con người ta dù muốn, dù trong lòng khát khao cống hiến y như ngày mới vào nghề cũng không thể cống hiến 100% sức lực được nữa.

Chợt hình dung trong một gia đình trong tương lai, bố mẹ già vẫn làm việc còn con cái chưa tìm được việc làm. Nghĩ vậy mà lo...

N.H