Hồ sơ điều tra

Từng là học sinh cũ, luật sư đề nghị giảm án cho bị cáo Chử Xuân Dũng

Bào chữa cho cựu Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội, luật sư cho rằng việc nhận tiền bị cáo Chử Xuân Dũng là mang tính thụ động và “đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu”.

Chiều ngày 18/7, ngày làm việc thứ 6 của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, các luật sư tiến hành tiếp tục bào chữa cho hành vi của phạm tội của các bị cáo.

Ông Trịnh Văn Tuyến là một trong ba luật sư bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng – cựu Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội. Ông Dũng bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 4 - 5 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, theo quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ Luật Hình sự LHS.

Theo luật sư, việc nhận tiền của ông Chử Xuân Dũng là mang tính thụ động và “đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu”.

“Xuyên suốt hành vi phạm tội của ông Dũng, các lời khai cùng các chứng cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án đều thể hiện rất rõ rằng: ông Dũng không hề có bất kỳ một sự thỏa thuận, đòi hỏi hay gây khó dễ nào đối với doanh nghiệp để được nhận tiền. Điều đó được thể hiện và minh chứng trước hết ở ngay tại Bản Kết luận Điều tra”, luật sư nêu quan điểm.

Đối với việc nhận tiền từ Lê Thị Ngọc Anh, luật sư cho rằng ngay trong lần đầu tiên gặp chị Trần Thị Thương Huyền (chị dâu vợ ông Dũng) để nhờ chị này giới thiệu đến gặp gỡ ông Dũng, bị cáo Ngọc Anh đã tự nêu ra dự định của mình về việc chi tiền cảm ơn cho ông Dũng.

Tại cơ quan điều tra, Ngọc Anh cũng khẳng định, chi phí đi xin chủ trương cách lý tại Hà Nội cho công dân về nước là do bị cáo Hiền đã tham khảo và đưa cho Ngọc Anh chủ động thực hiện.

Bị cáo Chử Xuân Dũng bị dẫn giải tới phiên tòa. 

Đối với việc nhận tiền của bị cáo Dũng liên quan đến Công ty Du lịch Quốc tế, thông qua anh Đặng Đình Tuyến, luật sư khẳng định tất cả các lời khai của bị cáo Phạm Bá Sơn và anh Đặng Đình Tuyến (thư ký ông Dũng) đều thể hiện, ông Dũng không hề thỏa thuận, yêu cầu, đòi hỏi hay gây khó dễ cho doanh nghiệp trong việc cấp chủ trương cách ly tại Hà Nội, để sau đó nhận được tiền bạc.

Và đây cũng chính căn cứ để Cơ quan điều tra kết luận giữa Trần Minh Tuấn và Chử Xuân Dũng không hề có bất kỳ một thỏa thuận nào trong việc cấp chủ trương cách ly tại Hà Nội cho Công ty Du lịch Quốc tế.    

“Tại cơ quan điều tra, bị cáo Dũng đã khai báo rất rõ về việc vì sao lại gặp gỡ, tiếp xúc với Ngọc Anh. Đó là vì Ngọc Anh được giới thiệu là cán bộ công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương và là người nhà của các bác.

Khi gặp ông Dũng, Ngọc Anh còn nói: Chị này và một số cán bộ muốn tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương cách ly tại Hà Nội với mục đích thiện nguyện.

Với việc Ngọc Anh được giới thiệu là cán bộ Nhà nước, làm việc tại Ban Đối ngoại Trung ương, là cháu các bác ở Trung ương và hoạt động đưa công dân về nước cách ly mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo thì việc ông Dũng thỏa thuận, trao đổi hay đòi hỏi phía doanh nghiệp phải chung chi tiền bạc là rất khó xảy ra trong thực tế”, luật sư nêu quan điểm.    

Trên cơ sở các phân tích, luật sư cho rằng trường hợp của ông Chử Xuân Dũng không hề có sự thỏa thuận, yêu cầu hay gây khó dễ để doanh nghiệp phải chung chi tiền bạc trong việc ký ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho công dân về nước cách ly tại Hà Nội.

Việc đưa và nhận tiền giữa 2 bị cáo liên quan với ông Dũng hoàn toàn chỉ chỉ mang tính “được chăng hay chớ”, “đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu”.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến.

Luật sư cũng viện dẫn lại lời khai của bị cáo Chử Xuân Dũng tại phiên tòa sáng 14/7. Khi trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho Trần Minh Tuấn, ông Dũng đã khái quát hành vi phạm tội của mình rằng: “Nếu không phải là người quen gửi quà cảm ơn thì chắc chắn tôi đã không phải đứng trước phiên tòa này”.

“Điều đó càng cho thấy, mặc dù ông Dũng nhận thức được việc nhận tiền cảm ơn là sai trái nhưng lại không nhận thức được một cách đầy đủ, đúng đắn cũng như là tính chất nghiêm trọng của hành vi nhận tiền liên quan đến việc duyệt chủ trương cách ly”, luật sư đánh giá.

Trình bày về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, luật sư cho biết mình là một trong những học trò đầu tiên, “đầu tay” của ông Chử Xuân Dũng.

“Năm 1994, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, ông Dũng được phân công về Trường THPT Sóc Sơn công tác, giảng dạy. Tại đây, ông Dũng chính là người tiên phong đưa “ánh sáng” tin học, công nghệ thông tin về cho đám học trò, ở một vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội.

Kể từ thời điểm đó cho đến trước khi vụ án xảy ra, ông Dũng đã góp phần dạy dỗ, đào tạo ra lớp lớp thế hệ học trò ở Thủ đô. Trong số ấy, không ít người hiện là sĩ quan công an, sĩ quan quân đội, giảng viên đại học, bác sỹ, kỹ sư, cán bộ công chức Nhà nước và doanh nhân… Có thể khẳng định rằng, đây là đóng góp rất lớn của ông Dũng đối với xã hội”, luật sư trình bày.

Luật sư cũng cho biết, khi tham gia vụ án này, ngay trong lần đầu tiên tiếp xúc, làm việc với ông Dũng tại Trại Tạm giam B14 đã nhận được một câu nói rất đau lòng: “Bây giờ, thầy gặp chúng mày, thầy xấu hổ lắm”!

“Thiết nghĩ, bện cạnh hình phạt, bản án của pháp luật tới đây thì sự ân hận, day dứt, xen lẫn sự hỏ thẹn trong lòng cũng chính là một hình phạt, bản án nữa vô cùng hà khắc đối với ông Dũng và nó sẽ đi theo ông suốt cả quãng đời còn lại”, luật sư nói đồng thời đề nghị HĐXX áp dụng mức hình phạt thấp hơn mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị, bởi trong vụ án này và với cá nhân bị cáo Chử Xuân Dũng nói riêng thì một trong hai mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhất là “Thu hồi tài sản cho Nhà nước” đã đạt được.

Mạnh Quốc - Hữu Thắng.