Văn hoá

Tưng bừng Lễ hội Katê của đồng bào người Chăm tỉnh Bình Thuận

Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Balamôn ở tỉnh Bình Thuận, với ý nghĩa cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng thuận lợi.

Ngày 14/10, Lễ hội Katê năm 2023 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Bình Thuận khai mạc tại tháp Pô Sah Inư, Tp.Phan Thiết.

Lễ hội năm nay được tổ chức với đầy đủ nghi thức truyền thống, thu hút rất đông du khách và người dân địa phương tham gia.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023 Bình Thuận - Hội tụ xanh và chào mừng 28 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 - 24/10/2023).

Nghi lễ Nghinh rước y trang Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính. (Ảnh: NT) .

Ngay sau phần khai mạc, Lễ hội Katê bước vào nghi thức quan trọng nhất là lễ Nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư. Dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo, lễ rước y trang của nữ thần diễn ra nghiêm trang.

Cùng với đó là vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của ngôi tháp Pô Sah Inư, những chàng trai, cô gái người Chăm nhịp nhàng múa điệu múa dân tộc uyển chuyển trong tiếng trống Para nưng rộn ràng và tiếng kèn Saranai.

Các cô gái Chăm trình diễn những điệu múa. (Ảnh:NT).

Lễ hội Katê là dịp để tỉnh Bình Thuận thu hút khách tham quan, du lịch và trở thành sân chơi của người dân địa phương.

Ghi nhận của PV Người Đưa Tin, có hàng trăm người rước y trang nữ thần kéo dài từ sân lễ đến tháp chính. Tiếp đó, là các nghi thức của phần lễ như: mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính…

Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Balamôn ở tỉnh Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng thuận lợi.

Lễ hội Katê thường được bắt đầu bằng lễ hội từ các đền, tháp và cuối cùng là các hoạt động vui chơi, đón Tết tại nhà. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 13-14/10.

Chức sắc tôn giáo người Chăm thực hiện các nghi lễ chính của lễ hội Katê mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga- Yoni. (Ảnh:NT).

Lễ hội Katê thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã bảo bọc và chở che cho con cháu khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc; thể hiện khát vọng của cộng đồng luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đây cũng là nơi thắt chặt tinh thần đoàn kết, mối tương thân tương ái, nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc.