Văn hoá

Tục đón Tết kỳ lạ của các dân tộc thiểu số nước ta

Trên mảnh đất hình chữ S của chúng ta có 54 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc lại có một nền văn hóa với các phong tục tập quán riêng biệt. Vậy nên dù cùng đón Tết Nguyên đán nhưng mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có những tục lệ riêng, vô cùng độc đáo và kỳ thú.

Người Lô Lô ăn trộm lấy may

Tục ăn trộm lấy may là một phong tục lâu đời và khá kỳ lạ tồn tại trong cộng đồng người Lô Lô. Sở dĩ họ ăn trộm vì quan niệm rằng vào năm mới, nếu ai đó mang về nhà được chút gì thì cả năm gia đình sẽ ăn nên làm ra.

Các thiếu nữ Lô Lô.

Người Lô Lô đi lấy may lặng lẽ, không gọi rủ nhau, không để ai biết, gặp người quen cũng không chào hỏi. Họ lấy về những thứ nhỏ bé, ít giá trị như củ hành củ tỏi, thanh củi… Mỗi gia đình phải lấy đủ con số 12 vì đây là con số may mắn tượng trưng cho 12 tháng trong năm, ví dụ, lấy ngô phải lấy 12 bắp, lấy hoa quả phải lấy 12 trái. Nếu bị chủ nhà phát hiện, họ cũng không bị trách mắng.

Người Pu Péo hát thi với gà

Đồng bào người Pu Péo tại tỉnh Hà Giang có tục canh chừng gà trống nhà mình trong đêm giao thừa. Khi gà vỗ cánh chuẩn bị gáy, họ sẽ đốt một quả pháo ném vào chuồng để khiến lũ gà thi nhau nhảy lên gáy vang. Ngay lúc đó mọi người cũng hò nhau hát vang trời.

Người Pu Péo thi hát với gà.

Với người Pu Péo, tiếng gà gáy có thể đánh thức cả mặt trời, rất hay và thiêng liêng. Ai hát át được tiếng gáy thiêng liêng đó thì năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều điều hạnh phúc.

Người Pà Thẻn thờ bát nước lã

Trên bàn thờ tổ tiên của người Pà Thẻn quanh năm luôn có một bát nước lã. Bát nước này được đậy kín và không được phép cạn khô, nhưng một năm chỉ được mở ra đúng một lần vào cuối tháng sáu để tiếp thêm nước.

Thiếu nữ Pà Thẻn.

Đêm 30 Tết, các hộ gia đình Pà Thẻn đóng cửa cài then, bịt kín mọi lỗ thông khí trong nhà rồi cùng nấu một nồi cháo gà. Ăn cháo xong, gia chủ mới lấy bát nước lã để quanh năm trên bàn thờ xuống cọ rửa, thay nước. Phải hoàn thành nghi thức này mới được cúng giao thừa.

Việc thờ bát nước lã phải tuyệt đối giữ bí mật vì theo đồng bào Pà Thẻn quan niệm, nếu để lộ ra thì năm mới sẽ làm ăn vất vả, con cái bệnh tật.

Người Hà Nhì xem bói gan lợn

Mỗi gia đình người dân tộc Hà Nhì đều tự nuôi một con lợn đực trong nhà, con lợn được đem thiến vào đầu năm. Vào ngày Tết, các gia đình mổ con lợn đó làm cỗ cúng gia tiên. Dù giàu hay nghèo thì đĩa thịt lợn là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của đồng bào Hà Nhì.

Người Hà Nhì bói gan lợn thiến.

Khi mổ lợn người ta đặc biệt chú ý đến lá gan. Nếu lá gan lành lặn, màu sắc tươi tốt, túi mật căng đầy thì năm đó làm ăn chăn nuôi sẽ phát triển, mưa gió thuận hòa, gia đình vui vẻ.

Người Mường gọi trâu về ăn Tết

Người Mường ở tỉnh Hoà Bình thường chuẩn bị sẵn mõ từ mấy ngày trước Tết để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin đó là cách để trả ơn con vật nuôi trung thành đã giúp đỡ gia chủ cày cấy quanh năm.

Cụ bà người Mừng gọi vía trâu.

Ngoài ra, người Mường còn treo bánh ống lên các công cụ lao động như cày, bừa, đòn gánh để mời những người bạn thân thiết này ăn Tết với gia đình. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng đều cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.

Người Thái ở Nghệ An, Thanh Hóa đón năm mới bằng tiếng sấm

Đồng bào người Thái tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa tin rằng việc xác định năm cũ – năm mới phải dựa vào các hiện tượng tự nhiên. Khi bà con thu hoạch mùa màng xong, trời có dấu hiệu chuyển mùa là lúc năm mới đang đến. Khoảnh khắc tiếng sấm đầu tiên vang lên được coi là giao thừa.

Người Thái đón Tết với thời tiết.

Tiếng sấm đó đồng thời còn là cơ sở để già làng dự báo tình hình năm sắp tới. Sấm càng rền vang chứng tỏ mưa thuận gió hòa, mùa màng càng bội thu.

Đối với các gia đình, sau khi nghe thấy tiếng sấm giao thừa chủ nhà phải đánh thức các thành viên trong gia đình và chạm vào các vật dụng trong nhà để đánh thức chúng. Đến lúc này đồng bào mới bắt tay vào chuẩn bị cho Tết.

Người Thái trắng ở Sơn La gội đầu bằng nước gạo chua

Với đồng bào Thái trắng tại tỉnh Sơn La, gội đầu vào buổi chiều ngày 30 tháng Chạp là nghi thức quan trọng nhằm gột rửa hết những điều không may mắn của năm cũ. Đặc biệt phải gội đầu bằng nước gạo chua.  Đây là một trong số các lễ hội không thể thiếu và có ý nghĩa tâm linh quan trọng của họ.

Tục gội đầu bằng nước gạo chua của người Thái trắng.

Người Nùng kiêng gói bánh chưng ngày chẵn

Phong tục đón Tết của người Nùng có nhiều điểm tương đồng với người Kinh. Họ cũng chăm chút, sửa soạn kỹ càng cho bữa ăn cuối cùng của năm cũ, trên mâm cũng phải có đĩa bánh chưng.

Người Nùng chỉ gói bánh chưng vào ngày lẻ.

Có điều khác với người Kinh, người Nùng tránh gói bánh vào những ngày chẵn theo lịch âm. Nguyên nhân là bởi họ tin ngày chẵn không đem lại may mắn, gói bánh vào ngày chẵn sẽ gây ra một số hậu quả như ruộng nương dễ bị sạt lở, mùa màng bị sâu bọ phá hoại…

Người Nùng còn có một phong tục độc đáo khác là dán giấy đỏ lên các công cụ lao động và các gốc cây trong nhà để cầu thần linh phù hộ cho mọi việc suôn sẻ.

Người Cao Lan niêm phong nhà bằng giấy đỏ

Một dân tộc nữa cũng có tục dán giấy đỏ lên vật dụng vào ngày Tết, đó là đồng bào người Cao Lan. Nhưng người Nùng thường thực hiện việc dán giấy vào sáng mồng Một còn người Cao Lan sẽ làm từ trước Tết khoảng hai ngày.

Người Cao Lan dán giấy đỏ lên đồ vật.

Họ không chỉ dán giấy lên các công cụ lao động mà còn dán khắp cửa ra vào, cổng nhà, bàn thờ tổ tiên, cối xay, chuồng gia súc gia cầm. Màu đỏ sẽ đem đến niềm vui, sự tốt lành, an khang thịnh vượng.

Món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người Cao Lan ngoài bánh chưng, bánh khảo còn có bánh vắt vai. Bánh dùng gạo nếp nấu, nhân đỗ và đường, gói lá chuối, hình dáng dài nên dễ vắt lên vai, thường mang đi lễ Tết họ hàng nội ngoại.

Người Mông vỗ mông ngày Tết

Đồng bào dân tộc Mông có nếp sinh hoạt văn hóa ngày Tết rất phong phú, nhiều màu sắc với các buổi tụ tập chuyện trò tại những khu đất rộng; các trò chơi như đẩy gậy, kéo co, múa khèn; các cuộc hát múa đối đáp. Năm mới cũng là dịp hẹn hò, giao duyên giữa các đôi trai gái vùng cao.

Người Mông tụ tập nói chuyện, ca múa.

Trong đám đông, nếu chàng trai vỗ mông một cô gái nào đó tức là chàng đang bày tỏ tình ý với nàng. Nếu nàng ưng thuận thì sẽ vỗ mông chàng để đáp lại. Hai bên cùng đi chơi hội và vỗ mông, khi nào vỗ đủ 9 cặp tức là chàng nàng đã thành một đôi trước sự chứng kiến của mọi người. Sau đó họ mới nắm tay nhau lên núi, tìm nơi hò hẹn tâm tình.

Người Giẻ Triêng đón Tết ăn than

Người Giẻ Triêng gọi tên ngày Tết cổ truyền là Cha Chả, nghĩa là ăn than. Đối với đồng bào Giẻ Triêng, trong ngày Tết nếu ai dính nhiều tro than nhất sẽ may mắn cả năm, mùa màng tươi tốt. Để làm được như vậy, trước Tết 3 ngày người dân sẽ cử các chàng trai trẻ cao lớn lên rừng đốt củi thành những đống than to và mang về làng. Người làng cũng nấu xôi, bôi lên cây giẻ khô rồi đốt thành tro.

Chàng trai người Giẻ Triêng chẻ củi đốt than.

Vào ngày Tết, các loại tro được hất tung lên cao, người nào dính được nhiều tro nhất chính là người may mắn nhất.

Người Chu Ru, C’Ho, Cil bắt chồng ngày Tết

Mùa Tết đối với một số dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên như Chu Ru, C’Ho, Cil, Giẻ Triêng… cũng là mùa diễn ra lễ hội bắt chồng. Ngược lại với đồng bào Tây Bắc có tục cướp vợ, ở đây người con gái chủ động tìm, “bắt” chàng trai.

Theo đúng phong tục xưa, người con gái nếu không có tiền để “bắt chồng” thì phải tự tay dệt thay vào đó 3 tấm khăn thổ cẩm lớn, chọn “ngày thiêng” đem sang nhà trai dạm hỏi. Trưởng đoàn nhà gái thường là cậu hoặc bác ruột của cô dâu. Nhà trai có nhiệm vụ tiếp đón đoàn nhà gái, cuộc nói chuyện thường kéo dài, nếu nhà trai không ưng thì cũng có thể tế nhị khước từ. Ngày nay, đa số các đôi thực hiện lễ bắt chồng đều đã có ý với nhau từ trước.

Người Gia Rai ăn Tết với người chết

Mùa hội xuân của người Gia Rai được gọi là Ning Nơng, ở đây có phong tục đặc biệt là ăn Tết với người chết. Đồng bào Gia Rai đặc biệt coi trọng người đã khuất, vì thế khi gia đình, dòng tộc có người thân mất đi, họ sẽ làm những ngôi nhà mồ công phu, cầu kỳ để thờ cúng. Bên cạnh khu nhà mộ thường có một căn nhà gỗ được gọi là “nhà uống rượu” – nơi để các trưởng lão và thanh niên trai tráng trong làng thưởng thức rượu cần, ăn cơm ăn thịt.

Người Gia Rai tổ chức ăn cỗ linh đình, tấu cồng chiêng, cùng nắm tay nhau múa vũ điệu soang.

Việc nấu nướng cho bữa tiệc cũng được thực hiện ở ngay gần khu nhà mộ, đồng bào còn đốt lửa hội ở giữa khu mộ. Già làng và các bô lão có chức vị sẽ là những người chủ trì, thực hiện nghi lễ cúng mồ. Họ thay mặt người trong làng cầu chúc cho năm mới an lành, mùa màng bội thu, con cháu đầy đàn, cuộc sống yên ổn suốt năm.

Người H’rê cúng trâu

Dân tộc H’rê có tục cúng trâu ngày Tết. Đối với họ con trâu như người bạn tốt, cánh tay đắc lực giúp họ cày bừa, sản xuất…  vì thế việc cúng trâu là tối quan trọng. Vào ngày Tết thứ hai, khi nghe thấy tiếng gà rừng gáy, người dân H’Rê dậy làm lễ cúng trâu. 

Người Hrê tổ chức ăn uống.

Đồ cúng gồm gà sống, rượu, trầu cau… Đồng bào trải chiếu hoa trước cửa chuồng trâu để làm lễ, khấn vái, mong cho con trâu mạnh khỏe, mập tròn như trái sim, cày bừa năng suất, đẻ được nhiều con.

Bá Di (Tổng hợp)