Sự kiện

Từ vụ tai nạn thảm khốc ở Long An: Đại tá công an “hiến kế” tránh gây họa

Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, cục CSGT, bộ Công an phân tích nhiều khía cạnh xoay quanh vụ tai nạn thảm khốc ở Long An.

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin về vụ tai nạn thảm khốc ở Long An chiều ngày 2/1, xe container mất lái đã cuốn hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ vào gầm khiến 22 người thương vong.  

Vụ tai nạn này tiếp tục gây nên cuộc tranh luận về việc có nên hạn chế xe máy? Hay xe máy có phải là phương tiện chủ lực của người dân.

Tai nạn thảm khốc ở Long An khiến ai cũng phải rùng mình.

Từ câu hỏi gây tranh cãi này, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, cục CSGT, bộ Công an – là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xử lý tai nạn giao thông.

Thưa Đại tá Trần Sơn, khi hay tin về vụ tai nạn thảm khốc ở Long An, cảm xúc của ông thế nào?

Rất bàng hoàng và đau lòng. Có thể nói, vụ tai nạn xảy ra quá bất ngờ đối với những người chấp hành đúng luật giao thông. Tôi có xem clip trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn thì thấy khi có đèn đỏ, tất cả mọi người sử dụng, tham gia giao thông bằng xe máy đều dừng trước đèn đỏ. Cũng không ai ngờ rằng “tai bay vạ gió” lại ập đến thảm khốc như vậy.

Qua đọc báo tôi được biết cơ quan công an cũng đã khởi tố vụ án, tạm giữ lái xe. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng thì hệ thống phanh không vấn đề gì. Rõ ràng, đây thuộc về xử lý của tài xế khi điều khiển phương tiện trên đường. Được biết, tài xế uống rượu bia và dương tính ma túy, điều này rất có thể là nguyên nhân dẫn đến xử lý tình huống không tỉnh táo.

Đây là một hồi chuông cảnh báo về việc lái xe sử dụng rượu bia, xử lý kém các tình huống trên đường dẫn đến tai nạn giao thông.

Đã có những vụ tai nạn đau lòng xảy ra khi sử dụng rượu bia và dùng những chất kích thích khác. Nhưng dường như có tài xế vẫn coi thường tính mạng mình và tính mạng người xung quanh. Phải chăng, chế tài chưa đủ mạnh?

Về quy định của pháp luật đã tương đối đầy đủ, luật giao thông đường bộ nghiêm cấm người lái xe ô tô nói chung khi điều khiển phương tiện trong máu hoặc trong cơ thể có nồng độ cồn. Nếu lái xe ô tô khi uống rượu bia thì bị phạt tới 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 4 tháng. Như vậy có thể thấy chế tài xử phạt rất nghiêm khắc.

Tuy nhiên, hiện nay số lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích thường rơi vào nhóm lái xe lớn như: Xe container, xe đầu kéo, xe kéo rơ mooc… Những loại xe này đòi hỏi bằng lái cao hơn các loại xe khác.

Đại tá Trần Sơn cho rằng lái xe, đặc biệt lái xe trọng tải lớn, cần phải được kiểm tra sức khỏe.

Có một điều khó, để điều khiển xe to đòi hỏi tài xế cần có sức khỏe và thường lái vào ban đêm. Để tỉnh táo, hoàn thành nhiệm vụ được giao, có nhiều lái xe đã sử dụng chất kích thích để cảm thấy khỏe mạnh, không buồn ngủ. Vì lợi nhuận hoặc vì thiếu trách nhiệm, một số công ty đã lờ đi việc kiểm tra sức khỏe lái xe dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng. Để hạn chế việc này, những người lái xe nói chung và lái những xe lớn nói riêng cần phải được rà soát, kiểm tra toàn diện về sức khỏe.

Từ vụ tai nạn thảm khốc ở Long An, có ý kiến cho rằng nên hạn chế xe máy, không nên coi xe máy là phương tiện chủ lực của người dân. Ý kiến của Đại tá như thế nào?

Để tiến tới một đô thị văn minh, việc hạn chế xe máy theo tôi là hợp lý. Bởi, hiện nay phương tiện giao thông phát triển ồ ạt, dẫn đến không kiểm soát được. Trong khi tình trạng đường sá, nhất là ở đô thị lớn và các tuyến đường hướng đến đô thị lớn lưu lượng phương tiện lưu thông quá tải. Khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu thì hạn chế xe máy là cần thiết. Nhưng, đây là một bài toán rất nan giải.

Theo tôi, ý kiến này cần phải có người chỉ huy chung để hài hòa tất cả. Đồng thời, khi thực hiện chính sách nào đó thì cần có điều tra xã hội học, lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của nhân dân đặc biệt là người tham gia giao thông.

Vậy, ông có lời khuyên nào cho những tài xế lái xe trọng tải lớn và những người tham gia giao thông?

Tai nạn giao thông có thể phòng tránh được, nếu tất cả mọi người tham gia giao thông chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông. Tuy nhiên, tai nạn vẫn xảy ra. Có thể thấy, ý thức của người tham gia giao thông, người lái xe hiện nay vẫn còn rất kém, chủ quan và không chấp hành luật an toàn giao thông dẫn đến tai nạn thương tâm.

Cần có một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần phải tuyên truyền bằng nhiều hình thức, làm sao cho lái xe hiểu được khi tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ. Trước hết, bảo vệ an toàn cho chính mình và cho những người xung quanh.

Thứ hai, mỗi một công ty, xí nghiệp quản lý lái xe container cần có bộ phận kiểm tra sức khỏe của người lái xe. Yêu cầu tài xế phải có thời gian nghỉ ngơi trước khi lái xe.

Thứ ba, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thứ tư, với những vụ việc xảy ra liên tục với xe container thì nên chăng cần có quy định về thời gian hoạt động của loại xe này trên những tuyến đường nhất định. Khi đã có quy định thì lực lượng chức năng cần tập trung kiểm tra, đình chỉ ngay với những xe vi phạm.

Xin cảm ơn Đại tá!