Đối thoại

Từ vụ CEO Nguyễn Phương Hằng bị bắt: Cần kiểm chứng thông tin kỹ

Bất kỳ vấn đề gì nóng trên mạng xã hội, chẳng hạn vụ CEO Nguyễn Phương Hằng liên tục livestream tố giác cái xấu, chúng ta cần tiếp nhận có kiểm chứng.

Xung quanh vụ việc CEO Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam vừa bị bắt, Người Đưa Tin có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trương Văn Vỹ, giảng viên Xã hội học tội phạm Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Tp.HCM) về vấn đề này.

Thưa ông, mới đây, vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an Tp.HCM bắt, ở góc độ xã hội, ông đánh giá như thế nào về việc bà Hằng từng livetream trên mạng tố giác cái xấu của nhiều cá nhân là nghệ sỹ, một số cá nhân... khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, để rồi từ đó xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau từ mạng xã hội?

Theo quan điểm cá nhân tôi, việc bà Nguyễn Phương Hằng hay bất kỳ cá nhân nào, đều có quyền sử dụng mạng xã hội vào mục đích công việc, giải trí nhằm mang lại lợi ích và hiệu quả nhất  định cho họ. Việc cá nhân  livestream, tố giác cái xấu trong xã hội, tôi cho là việc cần thiết, nhằm đấu tranh loại bỏ cái xấu để xã hội dần tốt lên.

Tuy nhiên, khi đưa những vấn đề chưa tốt lên mạng xã hội, đòi hỏi chủ nhân của nó phải có cơ sở, chứng cứ, cũng như kết luận chính xác từ cơ quan chức năng, hoặc có thông tin chuẩn xác, đồng thời, phải kiểm chứng thật kỹ lưỡng.

Bởi vì, những thông tin tiêu cực dễ bề dẫn dắt dư luận theo dõi, thu hút người xem tạo dư luận tốt hoặc xấu cho xã hội. Do đó, đòi hỏi thông tin phải có độ chính xác cao.

CEO Nguyễn Phương Hằng bị bắt.

Trở lại vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng vừa bị bắt, cũng như hàng loạt kết luận trước đó của cơ quan công an điều tra cho rằng, các nghệ sỹ không hề ăn chặn từ thiện như bà này tố trên mạng xã hội, thì rõ ràng bà này chưa tuân thủ đúng theo quy định của Luật An ninh mạng, gây nhiều luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, một số cho rằng, việc bà này làm là đúng, là đấu tranh loại trừ cái xấu.

Trong khi đó, đa số lại bức xúc cho rằng, bà này lợi dụng mạng xã hội, đưa thông tin tiêu cực, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Theo quan điểm cá nhân của tôi, bà này đã đưa quá nhiều thông tin lên mạng xã hội khi chưa có kiểm chứng thu hút lượng người theo dõi "khủng", là coi thường pháp luật, trước sau gì cũng bị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.

Bà này bị Công an Tp.HCM bắt và khám xét nơi ở, thu giữ tài liệu liên quan thì rõ ràng đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Tôi cho rằng, qua vụ việc này, khi ai đó muốn đưa một vấn đề gì liên quan tố giác đến cá nhân, tổ chức, thì cần phải cân nhắc, kiểm chứng thật kỹ lưỡng.

Đáng nói, sau khi bà Nguyễn Phương Hằng livestream tố người nổi tiếng liên quan việc từ thiện, xuất hiện hàng loạt người hâm mộ, được cho là “fan” của bà Hằng, và từ đó, bà này nổi lên như một hiện tượng trên mạng xã hội. Theo ông, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, mạng xã hội trở nên phổ biến, chúng ta có nên thần tượng hóa một ai đó nổi lên, chẳng hạn như bà Hằng?

PGS.TS Trương Văn Vỹ chia sẻ quan điểm về vụ việc. Ảnh: Nguyễn Lành.

Tôi cho rằng, mạng xã hội dần trở nên quen thuộc hơn với chúng ta, mọi vấn đề xã hội được con người tiếp cận nhanh chóng, tiện lợi. Vụ bà Nguyễn Phương Hằng livestream, nhiều người hâm mộ bà cho rằng, họ đứng về phía bà này để đẩy lùi cái xấu để xã hội tốt đẹp hơn.Tuy nhiên, bất cứ thông tin gì đưa lên mạng xã hội, thu hút người quan tâm, chắc chắn ở nhiều tầng lớp nhân dân khác nhau, trình độ tiếp cận thông tin khác nhau, từ đó, mức độ hiểu vấn đề khác nhau.

Tôi nghĩ, cư dân mạng cần phải thật bình tĩnh để tiếp cận thông tin có kiểm chứng, sau đó mới cân nhắc xem có nên hay không nên thần tượng ai đó. Không nên mù quáng tin tưởng, thần tượng một ai đó trên mạng xã hội khi thông tin chưa kiểm chứng, khi chúng ta chưa hiểu rõ bản chất vấn đề mà chủ nhân đưa lên.

Nếu chúng ta chưa hiểu ra vấn đề, thấy bất cứ gì trên mạng xã hội hấp dẫn là vào tham gia, với tư cách là fan hâm mộ, rồi bị dẫn dắt theo, có những hành động ủng hộ thái quá, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bản thân.

Vậy, theo ông, cần có giải pháp gì để hạn chế tối đa cư dân mạng bị dẫn dắt bởi những chủ đề nóng, nhạy cảm đưa lên mạng xã hội mà chưa được kiểm chứng?

Tôi nhận thấy, trong các trường học hiện nay, nhiều trường đã chú trọng hướng dẫn, giảng dạy cho thế hệ trẻ về Luật An ninh mạng. Theo tôi, mọi tầng lớp nhân dân đều cần hiểu và nắm được quy định cơ bản của Luật An ninh mạng. Ngoài việc cư dân mạng cần tiếp tục được phổ biến, tuyên truyền về Luật An ninh mạng, Nhà nước cần có hướng dẫn, quy định cụ thể hơn về các quy tắc sử dụng mạng xã hội.

Chỉ có như vậy, mới hạn chế được tình trạng một số cư dân mạng bị lợi dụng, dẫn dắt thành “fan” của chủ nhân đưa thông tin lên mạng khi chưa kiểm chứng.

Đồng thời, cơ quan chức năng, cũng cần theo dõi, kiểm tra sát sao những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, để nhanh chóng đưa ra kết luận sớm nhằm hạn chế tối đa nhất việc cư dân “cuồng” một sự kiện, một vấn đề, một cá nhân nào đó mà nó mang tính “nhạy cảm” chưa được kiểm chứng.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!