Giáo dục

Từ vụ bé gái 11 tuổi tự tử do bố mẹ cãi nhau: Việc thiếu tôn trọng cảm xúc của con rất nguy hiểm

Tình trạng bố mẹ mất định hướng trong việc nắm bắt tâm lí con cái đang đẩy trẻ em đến những bi kịch đau lòng, đặc biệt là tuổi các con đang phát triển.

Mới đây, sự việc đau lòng xảy ra tại một chung cư thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vào ngày 26/11, bé gái 11 tuổi nhảy từ tầng 39 xuống đất tử vong vì bố mẹ cãi nhau, nên bé nghĩ quẩn dẫn đến sự việc đau lòng.

Chung cư Golmark city (đường Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nơi vụ việc bé gái 11 tuổi tự tử

Điều này tạo lên nỗi lo ngại về việc nhiều bậc phụ huynh đang mất định hướng trong việc nuôi dạy cũng như nắm bắt tâm lí trẻ em nhất là trong thời buổi xã hội đang ngày càng phát triển.

Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên - Phó trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.

Sự việc đau lòng vừa xảy ra đối với bé gái 11 tuổi, bà có suy nghĩ như thế nào trước vấn đề cha mẹ không quan tâm đến cản xúc của con?

Vụ việc bé gái 11 tuổi tự tử do bố mẹ cãi nhau là sự việc quá là đau xót. Đặc biệt đây còn là tình trạng rất đáng báo động trong xã hội hiện nay, khi trẻ em phải chứng kiến trực diện việc bố mẹ mình cãi nhau.

Trẻ em không có lỗi, nhưng các em phải chứng kiến tất cả mọi thứ bạo lực, những điều tiêu cực sẽ khiến tâm lí trẻ bị ảnh hưởng nặng nề. Các em phải chịu cú sốc rất lớn đặc biệt là những em đang ở độ tuổi phát triển, những thứ tiêu cực đó sẽ ám ảnh cả đời. Các em sẽ tìm những hướng giải quyết hết sức cực đoan mà chúng ta không lường được, không đoán trước được như sự việc vừa qua.

Vậy phải chăng hiện nay, thực tế nhiều bậc phụ huynh đang mất định hướng trong việc nuôi dạy con, hiểu tâm lí của con, nhất là trong thời buổi xã hội đang ngày càng phát triển?

Đối với sự việc này, tôi nghĩ bố mẹ cháu không lường trước được sự việc xảy ra, chính vì thế anh chị đã phải gánh chịu hậu quả quá nặng nề và đau lòng đến suốt cuộc đời.

Đây cũng bộc lộ ra việc hành xử của phụ huynh thiếu tế nhị, thiếu văn hóa. Khi áp lực từ hai phía, bố mẹ cãi nhau mà không kiềm chế được cảm xúc, thậm chí còn nói những lời hết sức bậy bạ, tục tĩu.

Bố mẹ là tấm gương cho con cái noi theo, nhưng những hành động của bố mẹ không tốt thì con cái cũng sẽ lấy đó làm gương và trở thành con người như vậy, thậm chí còn làm hại cho xã hội, hoặc sẽ nghĩ quẩn và có hành động dại dột.

Hiện nay thời đại càng phát triển, có thể các bậc cha mẹ phải chạy theo nhiều thứ khác mà quên mất đi con mình, thường mang những cái bực dọc ngoài đường hoặc từ người khác trút giận lên con, không đủ hiểu, tôn trọng cảm xúc, tâm lí của con. Là tấm gương không chuẩn mực, thiếu văn hóa, thiếu văn minh sẽ ảnh hưởng rất rất nghiêm trọng đến quá trình phát triển con người của các con.

Trẻ em đặc biệt tuổi vị thành niên, không hẳn lớn cũng không còn là trẻ em thì chúng ta càng phải tránh làm sụp đổ hình tượng, ảnh hưởng nhân cách của con. Đây là một lời cảnh tỉnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên.

Theo bà, cha mẹ cần chuẩn bị những gì trong việc nắm bắt tâm lý và nuôi dạy trẻ đang tuổi trưởng thành?

Đầu tiên, theo tôi các bậc phụ huynh phải làm chính là tránh xung đột trước mặt trẻ, kiềm chế cảm xúc, xử lý mâu thuẫn vợ chồng một cách văn minh, có văn hóa. Phải sống làm gương cho các con noi theo.

Việc tiếp theo chính là chúng ta nên làm bạn với con, cần phải hiểu, phải đọc tâm lí của trẻ em qua từng giải đoạn, để có thể xử lý một cách tốt nhất.

Trong quan hệ với con có thể làm bạn rồi uốn nắn con. Chứ không phải phương pháp đánh đập con khi con mắc lỗi, mà chúng ta nên thưởng, hoặc động viên thay vì chê bai khi con mắc lỗi hay gặp khó khăn.

Càng ngày trẻ em tiếp xúc với thông tin rất nhanh, rất hiện đại, có khi các bậc cha mẹ còn phải học hỏi và chạy theo các con. Chính vì thế các bé nhận biết và nhận thức rất giỏi những gì bố mẹ chúng đang làm, từ đó các em sẽ học tập theo hướng mà các bậc phụ huynh vô tình “định hướng”.