Sự kiện

Từ tai nạn thảm khốc ở Long An: PGS.TS Bùi Thị An ủng hộ lộ trình hạn chế xe máy

Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An khiến hàng chục người thương vong, chủ yếu sử dụng xe máy đã một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận: Nên chăng cần thay đổi tư duy sử dụng xe máy của người Việt? PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII chia sẻ ý kiến riêng của mình.

Thông tin về vụ tai nạn thảm khốc ở Long An, chiếc xe container mất lái đã lao vào hàng chục xe máy đang dừng chờ đèn đỏ, hậu quả khiến hàng chục người thương vong là sự việc nóng trong tuần này.

Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An khiến dư luận bàng hoàng trong tuần này.

Chứng kiến vụ tai nạn giao thông cực kỳ nghiêm trọng vừa xảy ra, có ý kiến cho rằng phải hạn chế xe máy và không thể coi xe máy là phương tiện chủ lực của người dân.

Từ ý kiến trên, một cuộc tranh luận tiếp tục được nổ ra, trong đó câu hỏi cần thay đổi tư duy sử dụng xe máy của người Việt, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng an toàn và văn minh hơn được nhiều người đặt ra.

Trước băn khoăn, thắc mắc này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe phân tích, đánh giá của PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII.

Thưa bà, trong tuần qua, vụ tai nạn thảm khốc ở Long An nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Khi theo dõi sự việc bà có những cảm nghĩ gì?

Vụ tai nạn giao thông xảy ra khiến tôi sởn gai ốc. Số vụ tai nạn nghiêm trọng thời gian gần đây tăng, chết hàng chục người. Như vụ tai nạn thảm khốc ở Long An mới đây là điều rất đau xót, một phần do ý thức của tài xế lái xe container.

Vậy, các cơ quan quản lý cần phải làm gì để giảm thiểu tai nạn giao thông?

Có thể thấy, nhiều vụ tai nạn xảy ra một phần lỗi là do tài xế chứ không phải do hạ tầng. Vì thế, tôi nghĩ khâu kiểm tra lái xe cần được đặt ra, không phải để xảy ra tai nạn mới lo rà soát, kiểm tra.

Sau vụ tai nạn thảm khốc này, có ý kiến cho rằng ở nước ta hiện nay cần thay đổi tư duy sử dụng xe máy, thay xe máy bằng các phương tiện công cộng? Bà nghĩ sao về điều này?

Theo PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, hiện nay chưa thể bỏ sử dụng xe máy nhưng nếu hạn chế thì cần phải có phương tiện khác thay thế.

Điều này là quá cần thiết, bởi các nước tiên tiến họ đi làm chủ yếu bằng tàu điện, tàu hỏa, tàu điện ngầm… Nhưng, vì các nước phương Tây phát triển lâu hơn nước ta nên phương tiện của họ được thiết kế rất chuẩn, đúng giờ không có chuyện tắc đường hoặc rất ít tắc đường. Vì thế, họ lựa chọn phương tiện công cộng vừa rẻ tiền, vừa đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa thể giải quyết được vấn đề này. Hiện nay ở nước ta, ô tô và xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu để sử dụng. Vì, phương tiện giao thông của nước ta chưa tốt và không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Cần nhìn nhận, nếu giải quyết được bài toán về phương tiện giao thông công cộng thì các vấn đề như: Ùn tắc giao thông, tai nạn giảm và giá thành cũng rẻ hơn nhiều. Nhưng, ở nước ta khi triển khai giao thông công cộng cần có mục tiêu, kế hoạch, có lộ trình rõ ràng. Phải tính toán làm sao thích hợp với giao thông Việt Nam, không nên đưa ra rồi để đó thì khó có thể trở thành hiện thực.

Nói như vậy có nghĩa là bà đồng ý với việc hạn chế sử dụng xe máy?

Hiện nay, xe máy là phương tiện để mọi người di chuyển, đi làm nên không thể bỏ ngay được. Tôi lấy ví dụ, Hà Nội hiện đã được sáp nhập mở rộng, có người ở những vùng xa trung tâm đi làm trong Hà Nội nên đi xe máy là tiện nhất chứ ra bắt xe buýt lại không thuận lợi.

Vì thế, nên hạn chế xe máy nhưng cần phải có phương tiện thay thế hoặc có cách khác để cuộc sống của người dân không bị ảnh hưởng nhiều. Dần dần, khi các phương tiện công cộng tốt rồi thì có thể cấm được. Còn bây giờ, nên hạn chế!

Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Xem thêm: