Xi nhan Trái Phải

Từ tai nạn thảm khốc ở Long An, nghĩ về nỗi oan xe máy

Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An chiều 2/1: Xe container mất lái cuốn hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ vào gầm khiến 22 người thương vong đã làm xới lại cuộc tranh luận có nên hạn chế xe máy. Xe máy có phải thủ phạm gây tai nạn giao thông?

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ tai nạn khủng khiếp giữa xe container và xe máy chiều ngày 2/1 ở Long An.

Hơn 20 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ ở Bến Lức đã bị cán nát bởi một chiếc container mất lái, chồm tới như trận sóng thần. Hậu quả làm 4 người chết, 18 người bị thương, hiện trường tan hoang như xóm làng sau cơn lũ dữ...

Chứng kiến vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến nạn nhân là hơn 20 người đi xe máy, chuyên gia giao thông - Tiến sĩ Lương Hoài Nam tiếp tục nhắc lại quan điểm phải hạn chế xe máy.

Sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Long An khiến 4 người chết, 18 người bị thương, 21 xe máy bị nghiền nát, TS. Lương Hoài Nam (ảnh) một lần nữa nhấn mạnh phải hạn chế xe máy.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nam chia sẻ: “Tôi đã hứng chịu bao nhiêu là gạch đá vì quan điểm đối với giao thông xe máy. Nhưng, hôm qua (2/1), khi nhiều người đi xe máy đã phải bỏ mạng trong 2 vụ tai nạn ở tỉnh Long An và Lâm Đồng, tôi tiếp tục khẳng định xe máy không phải và không thể lấy làm phương tiện giao thông chủ lực của người dân”.

Trước đó, một vụ tai nạn không kém phần thảm khốc xảy ra vào đêm 1/1 tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Xe taxi do tài xế 23 tuổi điều khiển chở trên xe 5 người đã đâm vào xe máy đang lưu thông cùng chiều phía trước, làm 3 người chết, 4 người bị thương, xe taxi và xe máy biến dạng hoàn toàn. Nguyên nhân được xác định là do lái xe taxi vi phạm quy định nồng độ cồn.

Ông Nam cho rằng người dân cần sợ xe máy kể cả khi bắt buộc phải sử dụng. Từ đó, vị chuyên gia đề xuất Nhà nước cần có lộ trình giảm dần rồi loại bỏ xe máy, thay thế bằng những phương tiện giao thông công cộng an toàn, tiện nghi, tiết kiệm chi phí hơn so với việc phải tự bỏ tiền mua và nuôi xe máy, sau đó phải phó mặc sức khoẻ cho mưa nắng, phó mặc tính mạng cho rủi ro tai nạn giao thông.

Xin khẳng định quan điểm hạn chế xe máy của ông Nam không có gì sai. Chiếc xe máy nên là một phương tiện giao thông đã hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử và dần được thu hẹp địa bàn sử dụng giống như xe đạp hay xích lô bây giờ. Thay vào đó, Nhà nước cần đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, giao thông thông minh và người dân nên từ bỏ xe máy để chuyển sang chọn phương tiện công cộng làm phương tiện giao thông chủ lực.

Tuy nhiên, từ vụ việc trên, một số ý kiến cho rằng tai nạn giao thông gia tăng do xe máy là không có căn cứ.

Tài xế container sinh năm 1987 – người gây ra tai nạn thảm khốc ở Long An đã ra trình diện đêm qua, nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe container đứt phanh. Tuy nhiên một số nhân chứng cho hay, tài xế này đã đi ăn tân gia và uống nhiều rượu vào trưa cùng ngày.

Thông tin mới nhất từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An cũng cho biết sau khi thực hiện các xét nghiệm, bệnh viện xác định tài xế lái xe container có kết quả dương tính với ma túy, trong lần xét nghiệm đầu nồng độ cồn trong máu cao.

Tài xế taxi gây tai nạn ở Lâm Đồng hôm 1/1 cũng vì uống rượu rồi điều khiển phương tiện.

Như vậy lỗi đâu phải do xe máy?

Thiết nghĩ, nếu đứng chờ đèn đỏ ở Bến Lức hôm qua là ô tô, taxi... thì hậu quả chưa chắc đỡ nặng nề hơn. Bằng chứng là vụ taxi điên đâm xe máy ở Lâm Đồng thì 3 trong số 4 nạn nhân tử vong là người ngồi trên taxi.

Số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay, trong 4 ngày nghỉ  Tết Dương lịch vừa rồi, toàn quốc xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông làm 110 người chết, trung bình 27,5 người chết/ngày, cao hơn mức trung bình ngày thường là 22,6 người. Đó là dịp mà các phương tiện giao thông công cộng (xe khách, taxi..) và ô tô cá nhân được sử dụng hết công suất nhằm phục vụ nhu cầu về quê, đi du lịch của người dân.

Như vậy lỗi đâu phải do xe máy?

Chắc chắn đa số người dân sẽ không thiết tha gì với xe máy nếu như xe buýt có mặt ở khắp nơi, lái xe buýt văn minh hơn, không lạng lách như “hung thần đường phố”, đừng vừa lái xe vừa nghe điện thoại vừa chửi thề.

Lý tưởng hơn thì tàu điện ngầm, tàu điện trên cao cứ vài phút một chặng, nhanh chóng êm ru như nước bạn. Được thế chắc chẳng có ai muốn đi xe máy khi mà ra đường phải bịt kín mít như Ninja để chống nắng, chống lạnh, chống bụi...

Còn khi hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, thì mong các chuyên gia hiến kế giúp Nhà nước phương cách nào để phạt thật nặng người sử dụng rượu bia, chất kích thích khi lái xe, tịch thu phương tiện đi, thậm chí phạt tù đi chứ đừng chỉ phạt hành chính.

Các trung tâm dạy lái xe phải dạy và thi nghiêm túc, kiên quyết dẹp nạn “chống trượt” khi thi lái xe rồi cho ra lò những tài xế mua bằng hôm trước, gây ra xe điên hôm sau.

Các trung tâm kiểm định phương tiện ngoài việc kiểm định xe cần định kỳ kiểm tra sức khỏe tài xế để phát hiện dấu hiệu có sử dụng ma túy.

Nếu làm được như vậy thì trong thời gian chờ hạ tầng đồng bộ để xếp xó xe máy vào quá khứ, cũng sẽ hạn chế được đáng kể những vụ tai nạn giao thông thảm khốc như vụ Long An, Lâm Đồng...

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.