Từ một chuyện đau lòng

Nội dung lá thư tuyệt mệnh mà một nam sinh đã viết trước khi lao mình xuống sân trường khiến nhiều người không khỏi nhói lòng day dứt; một trong những nguyên nhân là do áp lực từ gia đình muốn em được học lớp đứng đầu khối.

Một nam sinh trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) vừa viết thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử. Có nghĩa là, chính em đã tự hủy hoại, khép lại cánh cửa tương lai của mình.

Nam sinh tự tử ở trường THPT Nguyễn Khuyến được nhận xét là một học sinh ngoan hiền, đạt thành tích rất tốt của lớp khi điểm trung bình học kỳ 1 là 8,9 điểm. (Ảnh minh họa: Internet).

Mai này, khi bạn bè đã trưởng thành, kết hôn hay nhấm nháp hương vị thành công qua chai sâm-panh thượng hạng, em vẫn đứng yên ở tuổi học trò, trong mảng ký ức ám ảnh mà mọi người xung quanh muốn lãng quên nhất. Sự ích kỷ, tuổi trẻ bồng bột, thiếu kỹ năng vượt qua áp lực... là những lý do được nhiều người nhắc tới ở các vụ tự tử học đường. Và chúng ta cũng thường xuyên khuyên nhủ các bạn trẻ đang ở độ tuổi ẩm ương:

- “Ngày xưa vừa đi học vừa phải chăn trâu, nấu cám, bế em. Bây giờ có mỗi việc học...”

- “Phải biết nghĩ cho cha mẹ, thầy cô!”

- “Cá không ăn muối cá ươn. Rồi em sẽ thấy những lời quát mắng, thúc giục của người lớn đều vì yêu thương, muốn tốt cho mình cả”.

- v.v

Nhưng có khi nào chúng ta đặt mình vào vị trí của các em và cảm thấy đôi vai mình nặng trĩu? Ai cũng muốn các em nghĩ đến công sức, sự quan tâm mà người lớn dành cho nhưng có ai nghĩ rằng chính suy nghĩ đó đã đẩy các em đến bên bờ vực thẳm. Một đứa trẻ suốt ngày nơm nớp lo sợ rằng điểm số hôm nay sẽ làm ba thất vọng, lựa chọn vào trường này sẽ khiến mẹ nổi nóng liệu có ích kỷ không?

Hồi bé, tôi luôn là đứa trẻ nhút nhát, đêm nằm mơ giật mình thót tim khi thấy bản thân ở tương lai phải “ở nhà làm ruộng” như lời bố mẹ cảnh báo; tỉnh dậy lại cắm đầu vào học. Tan trường về nhà, câu đầu tiên nghe được luôn là: “Hôm nay cô có kiểm tra không? Kết quả thế nào?”. Cứ như vậy, tuổi thơ của tôi chỉ quẩn quanh bên sách vở và những lời ca tụng của bố mẹ dành cho “con nhà người ta”; hằng ngày chỉ biết trút cảm xúc thật vào những trang nhật ký.

Tôi may mắn vượt qua được giai đoạn khó khăn đó nhưng nhiều người bạn đồng trang lứa với tôi thì không. Họ chọn cách tệ nhất để kết thúc chuỗi ngày sống chung với áp lực thi cử, mâu thuẫn bạn bè hay một cú sốc tâm lý không biết chia sẻ cùng ai. Như nam sinh nhắc tới ở đầu bài viết, em được thầy Hiệu trưởng nhận xét là một học sinh ngoan và giỏi, có điểm trung bình học kỳ I đạt 8,9 điểm.

Nội dung lá thư tuyệt mệnh mà em viết trước khi lao mình xuống sân trường khiến nhiều người không khỏi nhói lòng day dứt; một trong những nguyên nhân là bởi áp lực từ gia đình muốn em được học lớp đứng đầu khối.

Theo kết quả y tế trường học giai đoạn 2011 - 2015 do bộ Y tế và bộ GDĐT công bố, số học sinh có ý định tự tử ngày càng tăng cao, cứ 5 em học sinh lại có 1 em có ý định tự tử. Mỗi năm, bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử. Ở Việt Nam, tự tử cũng là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi, xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông.

Thực trạng đáng buồn này bao lâu nay vẫn tồn tại dai dẳng và không thể chấm dứt nếu người lớn vẫn tiếp tục đặt kỳ vọng của mình cao hơn khả năng tiếp thu và đặc biệt là hạnh phúc của con trẻ.

Trương Chi