Đời sống

Tự làm thịt con vật quen thuộc trong vườn nhà ăn, ba trẻ thương vong

Ba em nhỏ ở Gia Lai, tự làm thịt cóc ăn ở nhà và sau đó bị ngộ độc khiến 1 em tử vong, 2 em phải nhập viện cấp cứu.

Ba trẻ em thương vong ở Gia Lai sau khi ăn thịt cóc

Theo thông tin ban đầu trên TTXVN vào khoảng 10h ngày 11/1, ba cháu nhỏ gồm Siu N. (11 tuổi), Siu H. (4 tuổi) và Siu Th. (5 tuổi), cùng trú tại thôn Tao Roong, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) rủ nhau làm thịt cóc để ăn. Đến khoảng 11h30 phút, người nhà phát hiện các cháu nằm bất động trên nền nhà, tiểu tiện không tự chủ nên đưa vào viện.

Đến khoảng 12h cùng ngày, cả ba cháu nhỏ cùng được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cứu chữa. Tại đây, các bác sĩ xác định Siu N. đã ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp, đồng tử giãn tối đa, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Qua 30 phút phút hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, bệnh nhân đã tử vong. Còn Siu H. và Siu Th. nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nôn ói… được các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc thịt cóc.

Sau khi được các bác sĩ cấp cứu tích cực, hai bệnh nhân nhỏ tuổi được chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai để tiếp tục điều trị.

Sau khi xảy ra vụ việc, Trung tâm Y tế Chư Sê cũng đã cử lực lượng giám sát, điều tra, xác minh, nắm bắt tình hình và tuyên truyền cho dân trong làng biết, chủ động phòng tránh.

 Một bệnh nhi đang được cấp cứu sau khi ăn thịt cóc.

Vì sao bị ngộ độc khi ăn thịt cóc, trứng cóc?

Theo Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, lâu nay, dân gian coi thịt cóc là thực phẩm bổ dưỡng cho người già, hỗ trợ điều trị trẻ em lười ăn, chậm lớn dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc...

Tuy vậy, khoa học đã chứng minh trong các tuyến dưới da, tuyến sau tai, tuyến trên mắt, trứng và gan cóc có chứa các độc tố như Bufotalin, Bufotenin, Bufotonin, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin. Do đó, nếu trong quá trình chế biến, các chất này còn lưu lại trên thịt cóc thì sẽ gây ngộ độc, rất nguy hiểm.

Thông tin trên Vietnam+, theo các chuyên gia y tế, bản chất của thịt cóc không chứa độc tố, độc tố nằm ở trứng, da, gan, chất nhầy của cóc. Lượng độc tố có độc lực mạnh, chỉ cần chế biến không đúng cách, một lượng nhỏ nhiễm vào thịt cóc cũng có thể gây ngộ độc. Trong khi đó, lượng độc tố khó phân hủy ở nhiệt độ cao, khó phán đoán việc thịt cóc có bị nhiễm độc tố hay không nếu quan sát bằng mắt thường.

Đặc biệt trong các tuyến dưới da, tuyến sau tai, tuyến trên mắt, trứng và gan cóc có chứa các độc tố như Bufotalin, Bufotenin, Bufotonin, Epinephrine, Norepinephrine, Serotonin. Do đó, nếu trong quá trình chế biến, các chất này còn lưu lại trên thịt cóc thì sẽ gây ngộ độc.

Chẳng may ăn phải độc tố trong thịt cóc, chỉ sau 1-2 giờ, người bệnh sẽ có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể tổn thương gan, thận, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Độc tố cũng hấp thu qua da, gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt, niêm mạc người. Ngộ độc khi ăn thịt cóc có tỉ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở cơ sở y tế.

Theo đó, các bác sỹ khuyến cáo người dân không nên ăn thịt cóc và các sản phẩm làm từ cóc.

- Người dân chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.

- Nếu muốn sử dụng thịt cóc để ăn cần loại bỏ cóc tía (cóc có mắt màu đỏ), thịt cóc theo đúng quy trình (cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch), chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm), tuyệt đối không ăn trứng, da, nội tạng của cóc...

Trúc Chi (t/h)