Kinh tế vĩ mô

Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, đòi hỏi chúng ta phải xác định mô hình, con đường để phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp.

Ban Kinh tế Trung ương – cơ quan chủ trì tổ chức thường niên Diễn đàn Công nghiệp 4.0 sáng 9/11 đã tổ chức Hội thảo Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là 1 trong 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” tổ chức từ ngày 9/11 đến ngày 6/12, trong đó phiên toàn thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đồng chủ trì và phát biểu chỉ đạo. 

Hội thảo “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 9/11.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Ban Kinh tế Trung ương một lần nữa khẳng định tại Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện về mọi mặt, trong đó có phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, chủ trương, đường lối về đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đã được Việt Nam quan tâm, thực hiện xuyên suốt. 

Qua 35 năm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao. 

Tuy vậy, bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Hiển cũng nhìn nhận quá trình CNH, HĐH đất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực.

Nguyên nhân được đưa ra là việc nhận thức về phát triển nhanh (rút ngắn) quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chưa đầy đủ. Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước... nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các đột phá chiến lược chưa có bứt phá. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Ban Kinh tế Trung ương.

“Thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về CNH, HĐH cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn, đạt được các mục tiêu đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII. Triết lý phát triển và mô hình, chính sách CNH, HĐH cần được xác định rõ để phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới khi bối cảnh và điều kiện trong nước và quốc tế cho thực hiện CNH, HĐH trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã khác so với những giai đoạn trước”, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho biết. 

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về CNH, HĐH. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp bao trùm và bền vững, cũng như đạt được những mục tiêu trong phát triển bền vững. Đồng thời, cuộc CMCN lần thứ tư cũng đã tạo những thay đổi lớn về tư duy và giải pháp phát triển những ngành, lĩnh vực khác thuộc nội hàm của CNH, HĐH như về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; về phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; về phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; về phát triển đô thị và kinh tế đô thị; vấn đề liên kết vùng trong phát triển kinh tế… 

Bên cạnh đó, bối cảnh tác động đến công nghiệp hóa nước ta trong giai đoạn mới còn chịu tác động của cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thoả hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng, cùng với bối cảnh hậu Covid-19, nhiều nước đã và đang điều chỉnh các chiến lược theo hướng tăng cường tự chủ kinh tế. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. 

“Như vậy, vấn đề đặt ra là Việt Nam cần nhận diện được bối cảnh và các xu thế lớn của CNH, HĐH trong thời đại ngày nay để có những tư duy và tiếp cận mới về CNH, HĐH. Có nhiều vấn đề lớn đặt ra như: việc phục hồi kinh tế sau đại dịch; yêu cầu bảo đảm độc lập tự chủ trong phát triển kinh tế; về xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; cách thức để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực cũng phải thay đổi khi Việt Nam tham gia các FTA cũng như việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng được chiến lược phát triển rút ngắn phù hợp.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn (hiện đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN). Từ đó đặt ra yêu cầu và đòi hỏi trong quá trình thực hiện CNH, HĐH đất nước phải gắn với tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa qua”, ông Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận.