Giáo dục

Tự chủ đại học: Không nên là tự do hay tự lo

Tự chủ đại học hiện nay là xu thế chung của thế giới, giúp sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực, tài chính, cơ sở vật chất.

Sáng nay (4/8), sau khi nghe báo cáo của các cơ sở giáo dục tại hội nghị “Tự chủ đại học năm 2022”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra những lưu ý gửi đến các trường trong quá trình xây dựng chiến lược tự chủ trong thời gian tới.

Tổng kết quá trình tự chủ đại học thời gian qua, Phó Thủ tướng đánh giá tự chủ đại học đúng về lý thuyết kết quả sẽ tốt hơn.

“Mặc dù tự chủ đại học còn nhiều cái vướng và băn khoăn nhưng chúng ta không vì một số cái chưa tốt để quay lại đặt câu hỏi có cần thiết tự chủ không mà cần thống nhất hành động để tháo gỡ khó khăn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Việc tự chủ trong các trường đại học là phù hợp với đổi mới giáo dục và đặc biệt đổi mới giáo dục đại học, đúng với xu hướng quốc tế.

Phó Thủ tướng bày tỏ: “Để làm được tự chủ về chuyên môn phải cho người ta quyền tự chủ về nhân lực, tổ chức, tài chính. Nhưng không nên tự chủ là tự do hay tự lo. Việc thực hiện cần phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam là nước đang phát triển”.

Ở đây, điều quan trọng hàng đầu cần phù hợp với thể chế chính trị của đất nước nhưng không lấy những đặc thù của đất nước để phủ nhận xu thế thế giới.

Tự chủ đại học là xu thể thế giới.

Hiện nay, mục đích tự chủ đại học để phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường hay nhấn mạnh đến chất lượng, nhưng theo Phó Thủ tướng chúng ta vẫn vừa thiếu về chất lượng, vừa thiếu về số lượng. Vì vậy cần phải đổi mới để bảo chất lượng và số lương.

Mục đích thứ hai của tự chủ đại học nhằm để đảm bảo công bằng hơn trong việc tiếp cận giáo dục đại học, hạn chế mở các ngành, các trường nhưng không có các cơ chế hỗ trợ học phí, học bổng thì sẽ mất công bằng.

Bên cạnh đó việc thực hiện tự chủ để sử dụng tốt hơn nguồn lực, như nguồn lực con người, tài chính.  Điểm quan trọng đầu tiên phải phát huy hiêu quả ngân sách nhà nước, và đầu tư của doanh nghiệp, người dân.

Tự chủ đại học giúp thay đổi quản trị, các trường đại học trở thành mô hình quản trị tiên tiến, không gian hoạt động có tính khoa học.

Đánh giá cao các kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết nhờ có đổi mới giáo dục mà tất cả các chỉ số liên quan đến chất lượng đại học đã tốt hơn từ năm 2015. Một số trường đại học ở Việt Nam đã có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Bên cạnh đó, học sinh có cơ hội lựa chọn học theo năng lực, học theo sở thích tăng lên rõ rệt so với trước kia.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị các trường cần phát huy hơn nữa những ưu điểm, cần đi sâu tập trung nghiên cứu những hoạt động cụ thể mới có thể đạt được hiệu quả.

Trong bài tham luận, PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) nhìn nhận, thực tế cho thấy, tự chủ đại học đã trở thành nhu cầu tự thân, xu thế tất yếu và có tính khách quan. Tự chủ đại học vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Các trường đại học cần có nhận thức đúng đắn, phù hợp về vai trò của tự chủ đại học đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh mới. Để làm được điều này, cần nhanh chóng thay đổi tư duy của viên chức và lãnh đạo trong các trường đại học công lập.