Tiêu điểm thế giới

TS. Trần Việt Thái tiết lộ những tình tiết hậu trường Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2

Theo TS. Thái, Mỹ-Triều ban đầu đã có quan điểm khác nhau về địa điểm tổ chức hội nghị ở Việt Nam. Trong khi đó, các bộ khung thỏa thuận đã được soạn thảo sẵn, chỉ cần hai nhà lãnh đạo đặt bút ký.

TS. Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Học viện Ngoại giao.

Trong cuộc trao đổi về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 ngày 2/3, TS. Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Học viện Ngoại giao đã chia sẻ một số thông tin hậu trường về sự kiện khiến cả thế giới quan tâm vừa qua.

Theo TS. Trần Việt Thái, mặc dù không có thỏa thuận nào được ký kết nhưng trên thực tế hai nước đã dự thảo sẵn nội dung khung từ trước khi hội nghị diễn ra, trong đó có 2 văn kiện là một Tuyên bố chung và Tuyên bố về chấm dứt chiến tranh, cùng với 4 nội dung then chốt khác.

Bốn nội dung này bao gồm tuyên bố kết thúc chiến tranh; Triều Tiên chấp nhận cho Mỹ vào thanh sát và phá huỷ cơ sở hạt nhân Yongbyon; Triều Tiên chấp nhận thanh sát hạn chế; Mỹ - Triều thiết lập quan hệ ngoại giao và cho phép lập văn phòng liên lạc ở hai nước.

Mỹ sẵn sàng ký một Tuyên bố kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có hiệu lực giữa hai nước, còn Triều Tiên muốn ký một Hiệp ước hoà bình có giá trị pháp lý như Hiệp định Paris về Việt Nam trong quá khứ.

“Với Mỹ, tuyên bố đó không có nhiều ý nghĩa nhưng với Triều Tiên, giá trị của tuyên bố kết thúc chiến tranh rất lớn vì nó còn gắn với hình ảnh của cá nhân nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Hai bên đã dự thảo xong tuyên bố kết thúc chiến tranh rất ngắn gọn với chỉ khoảng 400 chữ. Rất tiếc là họ đã không ký kết”, Tiến sĩ Thái tiếc nuối.

Về dỡ bỏ lệnh cấm vận, theo TS. Trần Việt Thái, Mỹ không muốn bỏ lệnh cấm vận cho đến khi Triều Tiên hoàn thành phi hạt nhân hoá. Tuy nhiên Mỹ sẽ linh động điều này trong trường hợp Triều Tiên đáp lại bằng một động thái tích cực.

“Mấu chốt khiến hai bên không kể ký kết là do bất đồng về lệnh cấm vận và vấn đề phi hạt nhân hoá. Một phần do đàm phán ở các cấp không chốt ngay được vấn đề mà để lại cho cấp cao”, TS. Trần Việt Thái cho biết.

Tuy nhiên, TS. Thái tin rằng, mặc dù không đạt tuyên bố chung nhưng cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội có nhiều ý nghĩa. Sắp tới, hai bên cần thời gian suy xét lại vấn đề để định hướng chiến lược, đánh giá và sắp xếp lại những suy tính của mình.

“Theo quan sát của tôi, nếu 2 bên kiềm chế hơn một chút nữa thì hoàn toàn có thể ký được những thoả thuận tương đối có ý nghĩa. Ở Singapore họ ký được tuyên bố chung hơn 400 chữ nhưng không thực hiện được nhiều. Ở Việt Nam tuy họ không ký được gì nhưng có khi ý nghĩa lại rất lớn”.

Cũng theo tiết lộ về chuyện hậu trường của TS. Thái, Mỹ ban đầu muốn chọn nơi tổ chức thượng đỉnh ở Đà Nẵng - nơi mà Tổng thống Donald Trump đặc biệt ấn tượng sau khi dự Hội nghị APEC cách đây không lâu. Các đoàn an ninh và tiền trạm của Mỹ đã khảo sát ở thành phố miền Trung rất kỹ càng.

Tuy nhiên, phía Triều Tiên lại lựa chọn Hà Nội, lí do là bởi Hà Nội là cái nôi của cách mạng và là nơi cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành từng đến thăm.

“Nếu Tuyên bố kết thúc chiến tranh được ký kết tại Hà Nội thì Triều Tiên sẽ rất thuận lợi trong tuyên truyền nội bộ, xây dựng hình ảnh Chủ tịch Kim Jong-un là người mang lại hoà bình và bước ngoặt lịch sử trên bán đảo Triều Tiên”, TS. Thái nhận định.

Sau khi biết về yêu cầu của Bình Nhưỡng, đặc phái viên của Mỹ đã gọi điện về báo cáo Tổng thống Donald Trump việc Triều Tiên chọn Hà Nội là nơi sự kiện thượng đỉnh lần 2 diễn ra. Ông Trump sau đó đã đồng ý với lựa chọn của Triều Tiên.

Quốc Vinh