Đối thoại

Tránh "mafia" khi giao dịch thương mại quốc tế: Muốn đi xa hãy đi cùng nhau

Theo TS. Nguyễn Thị Sơn, cơ chế chính sách về xuất nhập khẩu đã đủ mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt vươn xa.

Kinh doanh xuất nhập khẩu cần đề cao cảnh giác

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Người Đưa Tin (NĐT) có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế (thuộc Hội Luật gia Việt Nam) về các cơ chế, chính sách của nước ta đối với vấn đề xuất nhập khẩu, những rủi ro tiềm ẩn mà doanh nghiệp cần lưu tâm khi thực hiện giao dịch quốc tế.

NĐT: Thưa bà, hồi tháng 3/2022, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thông báo một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán khi xuất khẩu hạt điều sang Ý ngày 8/3. Vụ 100 container hạt điều xuất khẩu Ý cũng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, vào cuộc của Chính phủ, các Bộ ngành… Nhờ những hỗ trợ tích cực của các bên liên quan vụ việc đã được xử lý thành công. Tuy nhiên, qua câu chuyện này, xin bà đánh giá về những bài học mà doanh nghiệp xuất khẩu cần phải lưu tâm? 

TS. Nguyễn Thị Sơn: Theo tôi, kinh doanh xuất nhập khẩu bản thân nó đã khó và rất phức tạp, vì để thực hiện một hợp đồng mua bán xuất hay nhập khẩu, không chỉ giữa người mua người bán mà còn liên quan đến nhiều bên khác như: Trách nhiệm của người hoặc đơn vị môi giới, hãng tàu vận chuyển, thủ tục thanh toán qua ngân hàng, thủ tục hải quan… tất cả đòi hỏi phải hết sức rõ ràng.

TS. Nguyễn Thị Sơn.

Hàng được mua bán giữa các bên thuộc các quốc gia nào, hàng được giao thẳng cho bên mua hay giao cho bên thứ ba (ví dụ người mua là công ty Hàn Quốc, người bán là công ty VN nhưng hàng được giao cho thị trường Mỹ), hàng giao tại cảng nào? Hàng được hai bên cam kết theo hợp đồng FOB (hàng giao ngay mạn tàu của bên bán, có nghĩa là trên đường đi nếu bị rủi ro thất thoát hàng thì bên mua chịu), theo hợp đồng CIF (hàng giao bao gồm giá bán cộng phí vận chuyển, phí bảo hiểm rủi ro), theo hợp đồng C&F (hàng giao bao gồm giá bán và phí vận chuyển, không có phí bảo hiểm) hoặc hàng được thanh toán trả ưu tiên (L/C Red Clauce), hoặc trả ngay khi hàng xuống tầu bên mua (L/C At sight) hoặc L/C trả chậm… 

Đấy là hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu bình thường, nhưng vẫn có thể xảy ra tranh chấp do hàng giao trễ, do những điều khoản về chất lượng và kiểm tra chất lượng. Vì thế, hợp đồng phải luôn có điều khoản giải quyết tranh chấp qua cơ quan trọng tài kinh tế hay qua tòa án, tòa án nào sẽ thụ lý vụ việc…

Quốc gia nào cũng có những doanh nghiệp tốt, những thương hiệu có uy tín, làm ăn chân chính, nhưng bất cứ ở đâu vẫn luôn luôn tồn tại đối tượng lừa đảo, “mafia” mà doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác.

NĐT: Từ vụ việc trên, xin bà cho biết những rủi ro mà doanh nghiệp Việt có thể gặp phải trong quá trình kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài là gì?  

TS. Nguyễn Thị Sơn: Kinh doanh xuất nhập khẩu luôn phải đối mặt với những khó khăn và những rủi ro khách quan, chủ quan tiềm ẩn như: Gặp đối tác không tốt, luôn tìm những kẻ hở để có những quyền lợi nhiều hơn; thời hạn giao hàng thường hay bị chậm trễ trong quá trình sản xuất, do nguyên liệu vật tư cung cấp không đủ, do mùa màng dịch bệnh, đôi khi sản xuất đình trệ do thủ tục hải quan, lưu kho, công nhân lãng công, đình công; chất lượng sản phẩm có thể bị hư hỏng do thời tiết, do quá trình vận chuyển; thanh toán bằng ngoại tệ có thể bị mất giá giữa thời điểm ký kết hợp đồng và thời điểm giao hàng; hàng hóa có thể bị rủi ro trong quá trình lênh đênh trên biển.

Vụ 100 container hạt điều xuất khẩu Ý là bài học để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đề cao cảnh giác.

NĐT: Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, theo bà doanh nghiệp cần phải làm gì?

TS. Nguyễn Thị Sơn: Tôi cho rằng, doanh nghiệp cần phải lưu ý trong quá trình bàn bạc hợp đồng, các điều khoản hợp đồng phải chặt chẽ về pháp nhân của đối tác mua bán, số lượng, chất lượng (đúng theo mẫu) và giá cả hàng hóa từ khi chào hàng….

Soạn thảo hợp đồng nên có tư vấn của luật sư am hiểu về mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu, lưu ý các điều khoản về giải quyết tranh chấp, các điều khoản về thanh toán, loại tiền thanh toán, các điều khoản về tình trạng bất khả kháng, các điều khoản liên quan đến lỗi của sản phẩm và quyền được thay thế hay sửa chữa sản phẩm.

NĐT: Theo bà, để phòng, tránh lừa đảo như vụ Điều nêu trên, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải trang bị cho mình những kiến thức như thế nào?

TS. Nguyễn Thị Sơn: Hiện nay có rất nhiều loại lừa đảo, nhất là những đối tác giao dịch trên online, rất tinh vi, nhiều mánh khóe mà những doanh nghiệp có đặc thù kinh doanh theo truyền thống cũ dễ bị mắc lừa, cần cảnh giác cao.

Để hàng hóa không bị ép giá, bị thao túng

NĐT: Vậy theo bà, các cơ chế chính sách của Việt Nam trong việc xuất nhập khẩu theo bà đã đủ mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt dễ dàng vươn xa?

TS. Nguyễn Thị Sơn: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư Nước ngoài, Luật Đầu tư chung của Việt Nam đã từng bước được hình thành, sửa đổi và hoàn thiện sau thời gian dài hội nhập.

Từ lợi thế hợp tác toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC, Tham gia thị trường Chứng khoán, thị trường Vốn, tài chính  đã giúp cho các Doanh nghiệp lớn mạnh và phát triển như ngày nay, đủ mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu để Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định CP-TPP tháng 12/2018 và đã ký kết với Liên minh Châu Âu, Hiệp định thương mại tự do EVFTA tháng 2/2020.

Tôi cho là hệ thống luật pháp và chính sách thương mại của Việt Nam trong việc xuất nhập khẩu tương đối đủ mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt có thể vươn xa.

Kinh doanh xuất nhập khẩu luôn phải đối mặt với những khó khăn và những rủi ro khách quan, chủ quan tiềm ẩn.

Tuy nhiên, trình độ kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế và việc thực thi chính sách Nhà nước của nhiều cán bộ phụ trách ngành hàng có nơi có lúc chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường.

NĐT: Theo bà, trong bối cảnh hội nhập chúng ta cần phải bổ sung thêm cơ chế chính sách gì để thúc đẩy doanh nghiệp Việt phát triển, ngày càng vươn xa hơn ra thị trường thế giới? 

TS. Nguyễn Thị Sơn: Doanh nhân bây giờ hay nói câu: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”câu này ứng vào hoàn cảnh kinh doanh xuất nhập khẩu là cần thiết.

Theo tôi, các doanh nghiệp nên tham gia các Hiệp hội ngành hàng hoặc Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam để giúp nhau về cácthông tin khách hàng, về thông tin hàng hóa trên thị trường, tránh tình trạng hàng hóa bị ép giá, bị thao túng…

NĐT: Xin cảm ơn bà.